Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt hơn 12 tỷ USD |
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2021, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 12,08 tỷ USD tăng 37,68% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 5,715 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Ấn Độ tăng mạnh gồm: Chất dẻo nguyên liệu tăng 263,1%; Hóa chất tăng 166,4%; Cao su tăng 148,5%; Than đá tăng 128,1%. Trong đó, xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện tiếp tục có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm khoảng 21% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ.
Đứng vị trí thứ 2 là xuất khẩu máy vi tinh, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 750 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, các mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Ấn Độ vẫn duy trì tốt sự tăng trưởng như xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 600 triệu USD tăng 60,4% so với 11 tháng của năm 2020; Xuất khẩu sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép và kim loại thường khác đạt 586,7 triệu USD tăng gần 40% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng dệt may, sơ sợi dệt các loại, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre cói thảm cũng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, trung bình đạt khoảng 1 tỷ USD/ tháng |
Ở chiều ngược lại, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ đạt 6,369 tỷ USD tăng 58,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 26/31 nhóm ngành hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với năm trước.
Có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là nhập khẩu sắt thép các loại có kim ngạch đạt 1,28 tỷ USD tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm đến 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ.
Nhập khẩu ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng trưởng đột biến so với các năm trước, giá trị nhập khẩu hai nhóm ngành hàng này đạt 550 triệu USD, chiếm gần 10% tổng kim ngạch nhập khẩu. Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh như kim loại thường tăng 275%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 173%; nhập khẩu quặng và khoáng sản tăng 124%; nhập khẩu bông và giấy các loại đều tăng 124%.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu từ Ấn Độ phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước.
Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, trung bình đạt khoảng 1 tỷ USD/ tháng. Nếu tính riêng trong tháng 11 năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,078 tỷ USD giảm 6,7% so với tháng 10/2021. Giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt 527 triệu USD giảm 4% so với tháng 10/2021, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 551 triệu USD (giảm 9%), thặng dư 24 triệu USD nghiêng về phía Việt Nam.
Các mặt hàng chính xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ chiếm tỷ trọng lớn trong tháng 11/2021 gồm: Hóa chất và sản phẩm hóa chất (72,82 triệu USD, tăng 41,8% so với tháng 10/2021); Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (71 triệu USD, tăng 31,6% ), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (62.75 triệu USD, tăng 0,4%), điện thoại các loại và linh kiện (60,95 triệu USD, giảm 63,4%); kim loại thường và các sản phẩm khác (52,6 triệu USD, tăng 92,6%); cao su (21,69 triệu USD giảm 22,3%).
Ngoài ra, còn có một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao như sản phẩm mây, tre, cói và thảm (đạt 4,1 triệu USD, tăng 228%); giày dép các loại (đạt 6,5 triệu USD tăng 95,8%). Một số mặt hàng giảm mạnh như các mặt hàng nông sản như hàng thủy sản (giảm 30%); điều (giảm 50%); chè (giảm 62,8%), các mặt hàng công nghiệp như than đá (giảm 32%); chất dẻo nguyên liệu (giảm 52%), sản phẩm từ cao su (giảm 51%), điện thoại các loại và linh kiện (giảm 63,4%)
Các mặt hàng chính xuất khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong tháng 11/2021 gồm: Sắt thép và sản phẩm từ sắt thép (128,2 triệu USD giảm 30,7% so với tháng 10/2021, chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam); Đá quý, kim loại quý và sản phẩm (38,8 triệu USD tăng 27,5%); Kim loại thường khác (31,4 triệu USD tăng 1%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (29,2 triệu USD, giảm 28,3%); Bông (25,7 triệu USD, tăng 88,3%).
Ngoài ra, có một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao như nguyên phụ liệu thuốc lá; hàng rau quả; dầu mỡ động thực vật lần lượt tăng 1000%, 126%, 56%. Một số mặt hàng giảm mạnh như ô tô nguyên chiếc; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại lần lượt giảm 100%, 65%, 30%.