Cập nhật giá xăng dầu hôm nay 28/10/2021: Tiếp tục giảm mạnh Cập nhật giá xăng dầu hôm nay 27/10/2021: Giảm mạnh Giá xăng dầu tăng lần thứ tư liên tiếp |
Doanh nghiệp điêu đứng khi giá xăng dầu tăng mạnh
Ngày 26/10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu. Cụ thể, xăng E5 RON 92 ở mức 23.110 đồng/lít (tăng 1.430 đồng), xăng RON 95 lên mức 24.330 đồng/lít (tăng 1.460 đồng) - ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua.
Giá các mặt hàng dầu cũng tăng. Dầu hoả là 17.630 đồng một lít, tăng 1.010 đồng. Dầu diesel là 18.710 đồng một lít, tăng 1.170 đồng. Dầu madut là 17.210 đồng một kg, tăng 120 đồng.
Giá xăng tăng cao, trong khi lượng khách và đơn hàng ở mức thấp, do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhà máy chưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại và cộng với chi phí xét nghiệm khiến nhiều doanh nghiệp vận tải điêu đứng.
Trao đổi với Phóng viên, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ nhà xe Sao Việt) chia sẻ: “Xe nằm "đắp chiếu" suốt thời gian dài vì dịch bệnh, nay vừa nhúc nhắc hoạt động trở lại thì giá xăng dầu liên tục tăng cao. Trong khi khách thì ngày có ngày không, chủ yếu chạy cầm chừng để giữ tuyến. Cứ đà này, doanh nghiệp sẽ không cầm cự được”.
Trong nhiều lần trước đây, khi giá xăng dầu tăng cao, các doanh nghiệp vận tải sau thời gian nghe ngóng thị trường, đều lần lượt có động thái điều chỉnh giá cước vận tải hành khách và hàng hóa, thì trong lần tăng kỷ lục này, tâm lý chung là nỗ lực để giữ nguyên giá cước.
Ông Trần Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Minh Hằng cho biết, trong 15 - 17 khoản mục chi phí của hoạt động vận tải thì xăng, dầu chiếm tỷ lệ từ 30 - 35%. Để hòa vốn thì phải đạt từ 60% hệ số ghế trở lên. Ví dụ xe 40 ghế phải chở được 24 khách, nhưng thực tế chỉ có từ 10 - 15 khách, thậm chí số khách ít hơn nữa xe vẫn phải chạy và vẫn phải đốt nhiên liệu.
Còn theo ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, giá xăng, dầu tăng cao khiến doanh nghiệp đã khó lại càng khó thêm. Đặc biệt các doanh nghiệp vận tải liên tỉnh vẫn chưa được hoạt động hết công suất và phải giãn cách ghế. Với giá xăng, dầu như hiện nay thì càng chạy doanh nghiệp càng lỗ. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn xã hội khó khăn thì doanh nghiệp cũng phải tìm cách cầm cự. Trước mắt doanh nghiệp vẫn chưa tính tăng giá cước, nhưng về lâu dài thì giá cước sẽ phải được điều chỉnh để đảm bảo cân đối thu chi.
Thông tin từ đại diện một hãng bay cho biết, hàng không mới trở lại hoạt động, nhưng gặp vô vàn khó khăn; trong đó, có giá xăng dầu tăng cao. Nhu cầu khách đi lại vẫn còn thấp, cạnh tranh giữa các hãng để có khách nên việc tăng giá vé do tác động giá xăng dầu trong giai đoạn này khó xảy ra. Tuy nhiên, áp lực giá sẽ đè nặng và sẽ phải tăng giá vé trong dài hạn.
Theo đại diện một doanh nghiệp đang thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, từ đầu năm nay, nhà thầu tại dự án đã khó khăn khi giá sắt, thép và vật liệu xây dựng tăng cao, nay nhận thêm "cú sốc" về giá xăng, dầu tăng, sẽ khiến cho các doanh nghiệp xây dựng, giao thông thêm nhiều khó khăn.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, với hàng trăm đầu máy và xe trên công trường, hàng ngày doanh nghiệp sẽ phải trả thêm chi phí đáng kể khi gíá nhiên liệu tăng.
Cần tính tới phương án giảm thuế môi trường
Theo đại biểu đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân - nền kinh tế đang đối diện với rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong khi xăng dầu là đầu vào của hoạt động kinh tế - xã hội, giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, thương mại.
Chưa kể, giá xăng dầu là chỉ số quan trọng để tính toán các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, nên cần có biện pháp cần thiết kiềm chế giá xăng dầu.
"Ngoài chính sách hiện nay là quỹ bình ổn, có thể ngừng trích lập quỹ và chi sử dụng, thì công cụ để kiểm soát giá mà Nhà nước có thể tính đến là quản lý, là thuế, phí, đơn cử như giảm thuế nhập khẩu, hoặc thuế về môi trường ở mức hợp lý, các loại phí. Cần phải ổn định giá xăng dầu để phục vụ cho phục hồi kinh tế" - ông Cường nêu quan điểm.
Xem xét việc giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu |
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ lại cho rằng, có dư địa để nhà nước điều chỉnh, cân đối giá xăng. Cụ thể, giá xăng, dầu của Việt Nam hiện nay đang có cơ cấu giá thuế khá cao. Các loại thuế trong xăng dầu chiếm khoảng 50 - 55% nên có thể cân đối, điều chỉnh.
Còn theo PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), khi dịch COVID-19 được kiểm soát ở nhiều nước khiến nhu cầu về nhiên liệu gia tăng trong quá trình phục hồi kinh tế nên dự báo thời gian tới giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng.
Khi giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng khác tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Với ngành vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm 40% giá cước vận tải, vì vậy giá xăng dầu tăng, chắc chắn cước vận tải tăng theo. Giá cước tăng - sẽ đẩy giá thành các sản phẩm tăng, đây sẽ là hệ quả tất yếu không thể tránh...
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, việc giá bán lẻ xăng, dầu tăng do yếu tố của giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, giá xăng, dầu trong nước được cấu thành bởi nhiều yêu tố; trong đó, có yếu tố phải "cõng" phí bảo vệ môi trường gần 4.000 đồng/lít xăng.
Vì vậy, ông Hùng cho rằng, trong nước đang khuyến khích sử dụng xăng sinh học (E5) bảo vệ môi trường. Đây là loại xăng sạch nên khuyến khích sử dụng. Nếu nhà nước miễn giảm phí môi trường cho loại xăng này thì sẽ giúp giảm giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay.
Theo dự báo, giá xăng dầu trong nước thời gian tới có thể rơi vào trạng thái tăng - giảm không nhịp nhàng theo giá thế giới. Thời gian qua, Bộ Công Thương đánh giá, việc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá đã giúp giá xăng dầu trong nước có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới.
Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.
Nhưng nếu giá xăng dầu thời gian tới giảm, thì giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng giảm chậm hơn giá thế giới. Bởi vì nhà điều hành sẽ phải cân nhắc để trích lập lại Quỹ bình ổn giá để dùng khi cần.
Còn nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, thì giá xăng dầu trong nước cũng sẽ khó có thể diễn biến khác. Như vậy, gánh nặng lên người dân, doanh nghiệp sẽ là rất lớn (Người dân sử dụng nhiều xăng, còn doanh nghiệp tiêu thụ lượng lớn dầu diesel).
Chính phủ từng yêu cầu tìm cách giảm giá xăng trong nước. Thế nhưng, đây là việc không dễ. Giá xăng dầu trong nước dù chưa phản ánh hết được diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nhưng cơ bản vẫn biến động cùng chiều: Giá thế giới tăng, giá trong nước tăng.
Vì vậy, muốn giảm giá xăng dầu, chỉ có thể sử dụng công cụ của Nhà nước. Đó là thuế. Trong đó, giảm thuế bảo vệ môi trường là công cụ gần như hữu hiệu nhất. Từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng kịch khung. Thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít.
Từ đó đến nay, ngoại trừ việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay vào năm ngoái, thì thuế bảo vệ môi trường với xăng E5, xăng RON 95 và các mặt hàng dầu vẫn giữ nguyên trên “đỉnh”. Muốn giảm sức ép lên giá xăng dầu thì giảm mức thuế này là hữu hiệu nhất.
Nhưng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách, lại đang lúc ngân sách khó khăn này, việc giảm thuế trước hết phải được sự đồng thuận của Bộ Tài chính để trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì thế, để giảm sức ép tăng giá xăng dầu lúc này hành động của Bộ Tài chính đóng vai trò quan trọng.