Ngày 23/7, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Chương trình Tây Bắc đã đạt được trong giai đoạn vừa qua.
Chương trình “Khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đặt ra 4 mục tiêu cơ bản bao gồm: Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc; đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Áp dụng khoa học trong sản xuất tại vùng núi sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh họa
Từ năm 2013, chương trình đã triển khai 55 đề tài, 3 dự án sản xuất thử nghiệm với sự tham gia hơn 600 nhà khoa học từ hơn 40 cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện; 200 hội thảo, hội nghị chuyên ngành đã được tổ chức; gần 13.000 cán bộ, kỹ thuật viên, người dân địa phương được đào tạo, tập huấn, tham dự các hội thảo nâng cao năng lực.
Trong thời gian triển khai, chương trình đã chuyển giao cho các địa phương vùng Tây Bắc 56 quy trình công nghệ trong lĩnh vực y dược; chế biến thực phẩm; quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường; phát triển năng lượng mới…; 64 báo cáo kiến nghị các chính sách phát triển ở tầm vĩ mô của vùng, kiến nghị giải pháp cho từng địa phương cụ thể trên tất cả các lĩnh vực thể chế, văn hoá, xã hội, kinh tế, tài nguyên môi trường, an ninh quốc phòng; 22 hệ thống bản đồ trong các lĩnh vực quy hoạch phát triển bền vững không gian văn hoá lịch sử, dân tộc; định hướng phát triển sinh kế bền vững, du lịch sinh thái gắn với di sản tự nhiên; 42 mô hình thử nghiệm, mô hình phục vụ sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Theo đánh giá, Chương trình “Khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã có nhiều đóng góp trí tuệ, khoa học đối với Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh vùng Tây Bắc nhiệm kỳ 2015-2020. Hiện Đại học Quốc gia Hà Nội và Chương trình Tây Bắc đang phối hợp tiếp tục tư vấn cho các địa phương đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết giai đoạn 2015-2020 và tiếp tục đóng góp ý kiến khoa học cho dự thảo văn bản đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của các tỉnh vùng Tây Bắc.
Ông Bình lưu ý, trong thời gian tới, việc tiếp tục triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ sẽ giúp phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc trong một chiến lược phát triển bền vững, phù hợp dựa vào khoa học công nghệ, sẽ giúp Tây Bắc trở thành khu vực phát triển bền vững, ổn định, có đóng góp chung vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị, Chính phủ xem xét, quyết định tiếp tục triển khai Chương trình Tây Bắc giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình thực hiện cần huy động tốt các nguồn lực địa phương, doanh nghiệp, các nguồn lực quốc tế. Cần xác định rõ cơ chế phối hợp để lồng ghép các đề tài, dự án của Chương trình Tây Bắc với các chương trình kinh tế-xã hội khác…
Linh Anh