Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, tính đến năm 2023, toàn huyện có tổng số 119 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 5 sản phẩm đạt 5 sao, 85 sản phẩm đạt 4 sao, 29 sản phẩm đạt 3 sao (đặc biệt có sản phẩm OCOP Du lịch Phù Đổng Green Park đạt 4 sao).
Được biết, tử năm 2019 đến nay, nhiều chủ thể OCOP của huyện tích cực tham gia các chương trình trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại do UBND TP, Sở NN&PTNT và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng như tại các tỉnh, thành trên toàn quốc tổ chức. Tiêu biểu là các chủ thể: Hợp tác xã vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ; cơ sở sản xuất tinh dầu, tinh bột nghệ Bà Bé; cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Thanh Tùng; Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh; dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; dược liệu Ninh Hiệp...
Các sản phẩm của Công ty Gốm Sứ Quang Vinh - Công Ty TNHH Gốm Sứ Mỹ Nghệ Quang Vinh. |
Ngoài ra, để hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn, Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm đã tham mưu UBND huyện triển khai trưng bày các sản phẩm OCOP và làng nghề tại các sự kiện lớn của huyện, tạo hiệu ứng tốt trong quảng bá sản phẩm, trong đó có các sự kiện như: Tuần lễ du lịch Bát Tràng, lễ hội Gióng đền Phù Đổng...
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, năm 2022, huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng 30 sản phẩm OCOP. Tiếp nối thành công, năm 2023, huyện phấn đấu xây dựng thêm từ 30 sản phẩm trở lên đạt OCOP 3 sao, 4 sao, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trao đổi về việc xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết: Thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực rà soát, thống kê, tuyên truyền và hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đăng ký Chương trình OCOP với mục tiêu: Mỗi năm có từ 30 sản phẩm trở lên được thành phố đánh giá phân hạng từ 3 đến 4 sao, tập trung ở các nhóm thực phẩm, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, đã có thương hiệu và đang tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu.
Các sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm được trưng bày tại điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP xã Dương Xá (huyện Gia Lâm). |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng: Trong thời gian tới, cùng với đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, huyện cũng xây dựng được 2 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại các xã Dương Xá, Bát Tràng.
Đồng thời, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, huyện đang tập trung chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai đẩy mạnh việc bán hàng online lên các trang mạng xã hội, đưa sản phẩm OCOP của huyện lên sàn thương mại điện tử; xây dựng thêm các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại các xã, thị trấn… để quảng bá sản phẩm của địa phương tới khách hàng các tỉnh, thành phố trong cả nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên địa bàn.