Đền thờ Phạm Thượng Quận (ở xã An Hưng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia. |
Sáng 29/3, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện An Dương long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đền thờ Phạm Thượng Quận (xã An Hưng). Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và địa phương dự Lễ đón nhận.
Những năm qua, ngoài chú trọng phát triển kinh tế xã hội, huyện An Dương đã luôn quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, các địa phương đã chủ động trong việc tu bổ, tôn tạo các di sản, di tích lịch sử; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương. Trên địa bàn huyện An Dương hiện có 83 di tích, trong đó 50 di tích đã được xếp hạng với 14 di tích cấp Quốc gia, 36 Di tích cấp thành phố. Trong số 14 di tích cấp Quốc gia, xã An Hưng có 02 Di tích là Đình Khinh Dao và Đền thờ Phạm Thượng Quận.
Đền thờ Phạm Thượng Quận thờ Ngài thần chủ và cũng là Thành hoàng Phạm Đình Trọng, người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay là làng Khinh Dao, xã An Hưng, huyện An Dương. Ông sinh ngày 22 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1714), đời vua Lê Dụ Tông, là một danh thần nổi tiếng văn, võ toàn tài, một nhân vật lịch sử, một vị đại quan rất nổi tiếng của đất nước trong triều Hậu Lê, thế kỷ XVIII được nhiều sách sử ghi chép.
Nhân dân địa phương phấn khởi đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia. |
Ông đỗ Tiến sĩ, làm quan từ chức Cấp sự trung, trải thăng đến chức Bồi tụng, Thượng thư Bộ Binh, hàm Thái tử Thái bảo, tước Hải Quận Công, là người có công dẹp phỉ Tầu Ô Quan Lan tại biên giới Việt Trung, phá được phong trào khởi nghĩa nông dân Nguyễn Hữu Cầu. Sau đó ông được cử làm Đốc trấn Nghệ An, một trấn hiểm yếu của quốc gia. Ở đây, ông có nhiều chính sách tốt, được sĩ phu, dân chúng kính trọng mến mộ.
Đền thờ Phạm Thượng Quận được khởi dựng vào nửa cuối thế kỷ XVIII sau khi Phạm Đình Trọng mất, triều đình đã sắc phong làm Phúc thần làng Khinh Dao để ghi nhận những đóng góp của một bậc hiền tài. Trải qua thăng trầm của lịch sử, thời gian, ngôi đền đã được tu bổ, tôn tạo, xây dựng lại song vẫn giữ được những nét kiến trúc truyền thống và có giá trị mỹ thuật cao. Đền có mặt bằng kiến trúc chữ nhị ba gian tiền bái, một gian hậu cung và làm theo thức chồng diêm nóc các, mái đao cong, lợp ngói mũi. Ngoài giá trị về lịch sử, Đền thờ Phạm Thượng Quận còn bảo tồn, lưu giữ được khá nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật.
Với những giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hóa tiêu biểu, Đền thờ Phạm Thượng Quận, xã An Hưng, huyện An Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng Di tích Quốc gia theo Quyết định số 4244/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2023.
Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng trao bằng công nhận Di tích quốc gia Đền thờ Phạm Thượng Quận. |
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định, Đền thờ Phạm Thượng Quận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Quốc gia, đó không chỉ là sự tôn vinh danh nhân và khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa của di tích mà còn là sự ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã An Hưng, huyện An Dương và dòng Phạm. Đồng thời, ghi nhận những đóng góp của các thế hệ trong việc gìn giữ, phục dựng di tích, là kết quả của sự kế thừa, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Để tiếp tục phát huy giá trị của Di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp Nhân dân, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân xã An Hưng nói riêng, huyện An Dương nói chung xây dựng kế hoạch quản lý, giữ gìn an ninh trật tự, cảnh quan, vệ sinh môi trường, bảo quản, giữ gìn các công trình và khai thác tốt Di tích quốc gia; phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị - xã hội, văn hóa của thành phố và địa phương.
Quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị Di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa; gìn giữ hệ thống sắc phong, di sản quý giá của quê hương; tổ chức các hoạt động phong phú, thu hút nhân dân đến chiêm bái. Ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trục lợi, mê tín dị đoan, các hành vi trái pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn hoá của dân tộc.
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức dâng hương. |
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về giá trị, ý nghĩa, giá trị lịch sử của di tích Đền thờ Phạm Thượng Quận, xã An Hưng tới đông đảo người dân trong và ngoài thành phố bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp; lồng ghép với các hoạt động học tập, ngoại khóa tại các nhà trường giúp học sinh tìm hiểu về lịch sử các di tích, di sản văn hóa tiêu biểu, truyền thống hiếu học của các danh nhân, các nhà khoa bảng tại địa phương.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; huy động các nguồn lực thực hiện công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện An Dương nói chung và đối với di tích Đền Phạm Thượng Quận, xã An Hưng nói riêng; việc tu bổ, tôn tạo di tích cần được thực hiện theo các quy định Pháp luật và Luật Di sản…
Phó Chủ tịch nhấn mạnh, đề nghị Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã An Hưng, huyện An Dương cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Đền Phạm Thượng Quận xứng tầm với vị thế của một di sản cấp Quốc gia; đồng thời cùng quản lý khai thác khoa học và hiệu quả kho tàng di sản, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cũng tại buổi Lễ, UBND huyện An Dương công bố Quyết định thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Phạm Thượng Quận xã An Hưng.