Hiểm họa khôn lường từ cơ sở thẩm mỹ “chui”, “bác sĩ tay ngang”
Những năm gần đây, sự ảnh hưởng của các “trào lưu” làm đẹp trên thế giới cũng như đời sống của người dân ngày càng được cải thiện dẫn đến sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ làm đẹp. Biểu hiện của việc phát triển nhanh chóng ấy thể hiện ở số lượng đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ. Chỉ trong khoảng 20 năm trở lại đây, các cơ sở y tế có dịch vụ thẩm mỹ tăng trưởng từ vài đơn vị lên vài trăm đơn vị. Thậm chí, con số ấy được dự đoán sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Chỉ tính riêng tại TP. HCM, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM hiện trên địa bàn Thành phố có tổng cộng 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm khoảng 15%), 85% cơ sở còn lại là do UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Bác sĩ tay ngang "Mr. Lee" (áo đen) thực hiện việc phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi, tiêm filler… trái phép. |
Theo các chuyên gia, hệ quả của sự phát triển ồ ạt các đơn vị thẩm mỹ là vấn đề khó kiểm soát về chất lượng của các đơn vị quản lý. Vấn nạn cấp phép một đằng, quảng cáo một nẻo hoặc trang thiết bị, cơ sở vật chất kém uy tín chính là hiện trạng của nhiều cơ sở thẩm mỹ hiện nay.
Trong khi đó, có rất nhiều khách hàng lại thiếu kiến thức về làm đẹp, nhẹ dạ cả tin, không tìm hiểu rõ các thông tin để đánh giá chính xác địa chỉ thẩm mỹ nào đáng tin cậy. Vì vậy, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ thời gian qua.
Theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có khoảng 25.000 - 35.000 ca biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%. Nhiều người sau khi đi thẩm mỹ tại các cơ sở kém chất lượng thường gặp các biến chứng như mất máu, nhiễm trùng, sưng tấy..., nghiêm trọng hơn là tổn thương các cơ quan thần kinh, nội tạng, ảnh hưởng đến tính mạng.
Tại Hà Nội năm 2022 trường hợp chị Phạm Thị Diễm H (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội) thực hiện nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ Hoàng Minh P. ở ngõ 147A Tân Mai, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau đó đã tử vong.
Ông Nguyễn Việt Cường- Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định, cơ sở thẩm mỹ Hoàng Minh P. (nơi nạn nhân Phạm Thị Diễm H., 22 tuổi, đến từ Long An, tạm trú tại Hà Nội) tiến hành phẫu thuật nâng mũi - hành nghề không phép.
Hay tại TP. HCM trường hợp thẩm mỹ "chui" điển hình gây tai biến xảy ra vào ngày 27/6/2023 tại khách sạn Dona (địa chỉ 783 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10). Bệnh nhân là một phụ nữ 27 tuổi, ngụ Cà Mau. Sau khi tiêm dung dịch nâng ngực, người bệnh rơi vào tình trạng tím tái, mạch, huyết áp bằng không và tử vong.
Cũng tại TP. HCM vào tháng 11/2023, Sở Y tế Thành phố đã phối hợp Công an Thành phố và chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất căn nhà có gắn bảng hiệu “Mr. Lee” tại 15 Nguyễn Quý Cảnh, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện ông Trương Thanh Tịnh (Mr. Lee) và bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Tịnh) phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi, tiêm filler… trái phép.
Nạn nhân của thẩm mỹ "chui" tại khách sạn Dona ở Q.10 vào ngày 27.6, được chuyển vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong |
Mới đây nhất, bà N.T.T.L. (sinh năm 1954) với mục đích điều trị chảy xệ da mặt và thừa da dưới mi nên đã tới Bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn (số 31 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Các bác sĩ Bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn đã thực hiện phẫu thuật căng da mặt cổ và phẫu thuật cắt da thừa dưới mi.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, người phụ nữ rơi vào trạng thái lơ mơ, ngưng thở, nhịp tim rời rạc, được xử trí theo hướng ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ gồm: đặt nội khí quản, đặt sonde tiểu, truyền thuốc trợ tim adrenaline... Do vượt quá khả năng chuyên môn, nên sau khi người phụ nữ có nhịp tim trở lại đã được chuyển viện khẩn cấp sang Bệnh viện Quân y 175.
Thời điểm Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận, người bệnh trong tình trạng hôn mê sâu. Mặc dù các bác sĩ đã phối hợp nhiều biện pháp hồi sức chuyên sâu nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện và tử vong sau đó.
Hay như trường hợp của nữ bệnh nhân H.T.H (36 tuổi), vào dịp sát Tết Nguyên đán 2024, chị H. có tiêm filler vào vùng cằm tại một spa ở TP.HCM và không biết mình được tiêm sản phẩm gì. Sau khi tiêm một ngày, bệnh nhân xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng cằm, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt. Bệnh nhân tự sử dụng thuốc kháng sinh nhưng tổn thương không hết.
Hai tuần kể từ khi làm đẹp, chị bắt đầu có dấu hiệu chảy dịch, mủ trong khoang miệng nên đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương. Tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe cằm sau tiêm filler.
Bệnh nhân được chỉ định chích rạch lấy khối filler nhiễm trùng ở vùng cằm, điều trị thuốc toàn thân kết hợp với chăm sóc tại chỗ. Sau đó, các triệu chứng sưng nóng đỏ đau vùng cằm giảm dần. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát do không thể lấy bỏ toàn bộ filler ra khỏi vùng tổn thương và vùng cằm để lại sẹo.
Ths.Vũ Nguyên Bình, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, tiêm filler là thủ thuật phải được tiến hành bởi bác sĩ được đào tạo chuyên ngành. Tuy nhiên với tâm lý ngại đến bệnh viện, ngại phải chờ đợi, thích giá rẻ, nhiều người lựa chọn điều trị tại các cơ sở thẩm mỹ “chui”, bởi những người không có tay nghề, những “bác sĩ tay ngang”.
3 nguyên tắc quan trọng khi làm đẹp bằng phương pháp phẫu thuật
Người dân nên lựa chọn các dịch vụ làm đẹp được cấp phép và thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, có các bác sĩ được đào tạo chuyên ngành để tránh “tiền mất, tật mang”. |
Ngày nay, y học phát triển ngày càng tiến bộ nên các kỹ thuật y khoa trở nên tinh vi hơn rất nhiều. Không chỉ dừng lại từ các sửa chữa nhỏ, kín đáo nữa mà con người dần tiến tới các ca đại phẫu như nâng ngực, nâng mông, thậm chí là thay đổi gần như các đường nét khuôn mặt, chuyển giới…Tỷ lệ thuận với quy mô của các ca phẫu thuật thẩm mỹ là gia tăng rủi ro, biến chứng khó lường nếu khách hàng không lựa chọn đúng địa chỉ thẩm mỹ uy tín.
Bên cạnh đó, nhiều người lao theo chỉnh sửa ngoại hình để giống với một trào lưu thẩm mỹ nào đó cho sành điệu, bất chấp sự phù hợp về tình trạng sức khỏe cũng như cơ địa và tỉ lệ ngoại hình của bản thân. Từ đó, ngoại hình không những không được cải thiện mà đôi khi còn “tiền mất tật mang”.
Không thể phủ nhận việc phẫu thuật thẩm mỹ chính là con đường nhanh nhất, dễ dàng nhất giúp khách hàng có thể đạt được ngoại hình hoàn mỹ nhất. Tuy nhiên, để làm được điều đó, mỗi khách hàng hãy luôn thật tỉnh táo để lựa chọn cho mình một địa chỉ uy tín và an toàn.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E, người dân cần chú ý 3 nguyên tắc quan trọng khi làm đẹp, đó là nên lựa chọn các bệnh viện thẩm mỹ chính quy có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị; được cơ quan chức năng cấp phép và được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, có bằng cấp chuyên môn.
Nhằm giúp độc giả có thêm thông tin hữu ích trên hành trình làm đẹp an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa những rủi ro, Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm tổ chức Diễn đàn trực tuyến “THỊ TRƯỜNG NGÀNH LÀM ĐẸP 2024: BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI BỨT PHÁ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực làm đẹp.
Thời gian: 13:30 ngày 19 tháng 04 năm 2024
Địa điểm: Cung Hữu Nghị Việt - Xô, Số 4 Trần Bình Trọng, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chương trình được phát trực tuyến (livestream) trên Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm, Fanpage Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm và kênh Youtube Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm.