Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 440 tỷ USD Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp FDI tăng thêm hơn 8 tỷ USD Vốn FDI rót vào Việt Nam bật tăng mạnh |
FDI năm 2021 vượt mốc 31 tỷ USD |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, có 1.738 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD, tương đương giảm 31,1% về dự án và tăng 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; 985 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD tương đương giảm 13,6% về dự án và tăng 40,5% về giá trị.
Ngoài ra, có 3.797 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 38,2%) với giá trị gần 6,9 tỷ USD (giảm 7,7%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều, song có dự án có quy mô vốn lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt trên 2,6 tỷ USD và trên 1,4 tỷ USD…
Cơ cấu đầu tư nước ngoài năm 2021 theo ngành. Ảnh: Cục Đầu tư nước ngoài |
Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,7%, 28,1% và 16,7% tổng số dự án.
Đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2020.
Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư, tăng 64,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Trong năm 2021, vốn đầu tư của Singapore gấp gần 2,2 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp hơn 2,7 lần vốn đầu tư của Nhật Bản do Singapore có 01 dự án đầu tư mới và 01 trường hợp góp vốn mua cổ phần có vốn đầu tư lớn.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2021. Hải Phòng vượt qua Long An vươn lên dẫn đầu trong cả năm với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Long An xếp thứ hai với trên 3,84 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước. TP Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ ba với gần 3,74 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư.
Cơ cấu đầu tư nước ngoài năm 2021 theo đối tác. Ảnh: Cục Đầu tư nước ngoài |
Nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới (29,2%), số lượt dự án điều chỉnh (18,1%) và góp vốn mua cổ phần (60,3%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài trong năm, song xếp thứ 2 về số dự án mới (16,7%) và số lượt GVMCP (12,2%).
Đánh giá về tình hình thu hút FDI trong năm 2021, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong năm 2021 đã tăng 3% so với 11 tháng năm 2021, song vẫn giảm nhẹ 1,2% so với năm 2020.
Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và số lượt góp vốn mua cổ phần đều giảm so với năm 2020. Sự suy giảm các dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD và dưới 1 triệu USD).
Việc tăng vốn đầu tư cấp mới, vốn đầu tư điều chỉnh và giảm số lượng dự án cho thấy quy mô vốn đầu tư bình quân/dự án đầu tư mới cũng như điều chỉnh đều tăng lên so với cùng kỳ năm 2020.
Đề cập đến nguyên nhân làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tuy dòng vốn FDI toàn cầu nửa đầu năm 2021 phục hồi tốt hơn dự kiến nhưng niềm tin của nhà đầu tư vào ngành và chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn lung lay. Số lượng các dự án mới trong các ngành thâm dụng vào chuỗi giá trị toàn cầu (như điện tử, ô tô và hóa chất) đều giảm.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Áp lực cạnh tranh trong thu hút FDI lớn, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Về chủ quan, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam (giảm số lượng, tăng về chất lượng) làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.
Ngoài ra, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày trong những tháng dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các KCN làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.