Việt Nam vẫn là điểm đến đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài. |
Theo chuyên gia Jacqueline Broers, một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam chính là cơ cấu dân số vàng. Chuyên gia này đồng thời cho rằng, Việt Nam đang được hưởng lợi từ lực lượng lao động dồi dào và có trình độ học vấn cao. Cùng với đó, tốc độ đô thị hoá cao cũng góp phần thúc đẩy sản xuất và quy mô nền kinh tế.
“Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang được hưởng lợi từ lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và giá cả phải chăng, với tỷ lệ người trưởng thành biết chữ lên tới 98%. Đây là một trong những lý do giúp Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng, ví dụ Apple. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là mạnh mẽ và bền vững.
Dù còn những vấn đề về chuỗi cung ứng, song nếu chính phủ Việt Nam có thể điều hướng những yếu tố này, Utilico tin rằngViệt Nam có khả năng trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư tại châu Á", chuyên gia Jacqueline Broers nhận định.
Theo báo cáo "Vietnam at a glance - FDI" của HSBC cho biết, Việt Nam đã hưởng dòng vốn FDI ổn định trên 4% GDP, thuộc hàng cao nhất ở ASEAN (tính tỷ trọng trên GDP). Chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư thuận lợi đóng vai trò trọng yếu trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là công ty sản xuất, đến Việt Nam xây dựng nhà máy và xuất khẩu hàng hóa từ đây đi.
Việt Nam đã hưởng dòng vốn FDI ổn định trên 4% GDP, thuộc hàng cao nhất ở ASEAN (tính tỷ trọng trên GDP) |
Cũng theo HSBC, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu đã tăng hơn 13% bình quân hàng năm từ 2007, chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Từ trước tới nay, các dòng vốn FDI chủ yếu đến từ Hàn Quốc, đáng chú ý nhất là của Samsung. Kể từ khi Samsung thành lập nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên ở tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008 tới nay, hơn một nửa sản phẩm điện thoại thông minh toàn cầu của hãng này được sản xuất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 20 tỷ USD.
Nỗ lực của những doanh nghiệp thâm nhập thị trường sớm này đã khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn khác đầu tư vào năng lực sản xuất của Việt Nam. Năm 2023, các công ty sản xuất Trung Quốc hàng đầu đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, với gần 20% vốn FDI đăng ký mới bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P tiếp tục duy trì đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam ở mức ổn định, phản ánh kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và những thách thức của khu vực tài chính sẽ không làm suy yếu đáng kể bảng cân đối kế toán vững chắc của chính phủ.
Theo S&P, với nền kinh tế vĩ mô ổn định và ngày càng đa dạng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, khi các doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa hoạt động trong khu vực.