Bình Thuận ghi nhận hai ca tử vong nghi do bệnh dại
Ngày 31/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận thông báo vừa ghi nhận một ca tử vong nghi do bệnh dại tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc.
![]() |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận. |
Trước đó, vào ngày 25/1, một người đàn ông 48 tuổi, cư trú tại xã Hồng Liêm, bị chó nhà khoảng 2 tháng tuổi cắn vào gót chân trái. Vết thương nông, chảy máu ít. Tuy nhiên, nạn nhân không đi tiêm vắc xin ngừa dại, không sử dụng huyết thanh kháng dại mà tự xử lý vết thương tại nhà bằng nước lạnh, đắp tỏi, lá me…
Đến ngày 22/3, nạn nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như tê hai bàn chân, đau đầu và đau họng. Đến tối 24/3, các triệu chứng tiến triển với tình trạng mệt mỏi, khó thở, kích động, sợ nước, sợ gió và không uống được nước.
Sáng 25/3, nạn nhân đến trạm y tế trong tình trạng mệt, thở hụt hơi, huyết áp cao, mạch nhanh. Tại đây, bệnh nhân được xử trí bằng cách thở oxy và hạ huyết áp, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh dại và tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để điều trị.
Đến tối 26/3, sau khi được giải thích về tình trạng bệnh, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà. Chẩn đoán khi xuất viện là bệnh dại, viêm cơ tim và tổn thương thận. Kết quả xét nghiệm PCR nước bọt cho thấy dương tính với bệnh dại. Đến ngày 27/3, bệnh nhân tử vong.
Qua điều tra của cơ quan chuyên môn, con chó liên quan đến bệnh nhân đã cắn thêm hai người khác, gồm con trai của bệnh nhân (hiện đã được tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) và một người hàng xóm. Dù người hàng xóm không có vết thương rõ ràng, địa phương vẫn tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Đây là ca tử vong thứ hai nghi do bệnh dại xảy ra tại tỉnh Bình Thuận từ đầu năm 2025 đến nay.
Trước đó, vào tháng 2/2025, tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, một bệnh nhân nam 52 tuổi cũng đã tử vong nghi do bệnh dại. Bệnh nhân bị chó chạy rông cắn vào vùng mặt, mí mắt, gây hai vết xước chảy máu. Sau khi bị cắn, bệnh nhân chỉ rửa vết thương bằng thuốc sát trùng mà không tiêm vắc xin phòng dại hay huyết thanh kháng dại.
Chuyên gia hướng dẫn cách phòng tránh bệnh dại
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải từ hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec nhấn mạnh, trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tiêm phòng dại ngay sau bị chó cắn là biện pháp duy nhất để tránh khỏi những ca tử vong thương tâm.
![]() |
Nguồn lây bệnh dại trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng chủ yếu là do chó dại cắn người. (Ảnh minh họa) |
Nguồn lây bệnh dại trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng chủ yếu là do chó dại cắn người mà không đi tiêm phòng, nếu không có bệnh dại trên động vật thì sẽ không có bệnh dại trên người.
Vì vậy, biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại ở người là quản lý đàn chó và tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ cho chó. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Bên cạnh đó, người dân thuộc nhóm nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo cũng có thể tiêm dự phòng vắc xin dại và tiêm vắc xin dại ngay lập tức nếu không may bị chó, mèo cắn.
Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tới biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó, mèo dại cắn là tiêm vắc xin dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Tuỳ tình trạng vết cắn, có thể chỉ cần tiêm vắc xin hoặc kết hợp với huyết thanh kháng dại.
Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi (5 mũi), đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.
Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại tại nhà để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Cũng theo bác sĩ Hải, hiện nay, vắc xin dại đã được sản xuất theo công nghệ mới nên rất an toàn, đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều.
Vắc xin dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người tiêm.
Hướng dẫn người dân sơ cứu nếu không may bị chó, mèo cắn bác sĩ Hải nêu, người dân ngay sau khi chó mèo cắn, cào xước, liếm, trước khi tiêm vắc xin cần tiến hành rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút; hoặc bằng các chế phẩm sát khuẩn như cồn trắng 70%, cồn i ốt, hoặc ô xy già.
"Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó, người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại", chuyên gia nói.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, những gia đình nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin đầy đủ cho động vật của mình và không để chúng thả rông hay gây nguy hiểm cho người xung quanh.
Mỗi một hành động nhỏ từ việc tiêm phòng có thể cứu sống cả một mạng người. Đừng để sự vô trách nhiệm của bản thân khiến những người xung quanh phải gánh chịu nỗi đau không thể xóa nhòa.
![]() |
![]() |
![]() |