Hà Nội: Xử Phạt nhà hàng “găm” gần 500 lít rượu ngâm không rõ nguồn gốc 7 người ở Thanh Hoá nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu ngâm nấm 9 người nghi ngộ độc do uống rượu đựng trong vỏ chai hóa chất |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), vào khoảng 20h30 ngày 30/3, khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận 6 bệnh nhân nghi bị ngộ độc nặng, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cần Giuộc (tỉnh Long An).
Danh sách các bệnh nhân bao gồm: Ông Đ.T.Đ. (28 tuổi), ông T.H.T. (41 tuổi), ông P.V.T.B. (50 tuổi), ông B.V.Đ. (51 tuổi), ông Đ.V.L. (51 tuổi) và anh P.N.Q.K. (25 tuổi). Tất cả đều nhập viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, trong đó có 2 trường hợp rất nghiêm trọng đã hôn mê, được đặt nội khí quản, thở máy và hỗ trợ hô hấp từ tuyến trước.
Qua khai thác bệnh sử, được biết cả 6 bệnh nhân đều là thành viên của một đoàn du lịch từ tỉnh Tiền Giang đến tham quan tại tỉnh Ninh Thuận.
![]() |
Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM (Ảnh: BVCC). |
Vào tối ngày 29/3, nhóm 6 người này đã cùng nhau uống hơn 6 chai rượu (dung tích 500ml/chai) mang nhãn hiệu K.T., là rượu trái cây được sản xuất tại Tiền Giang, tại khu du lịch. Khoảng 6 giờ sau khi uống rượu, các bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn ói.
Ban đầu, khi xuất hiện các triệu chứng, các bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo nên cho rằng mình chỉ bị say rượu. Tuy nhiên, đến khoảng 15h ngày 30/3, trên đường di chuyển từ Ninh Thuận về nhà, tình trạng của các bệnh nhân trở nên nghiêm trọng hơn với biểu hiện đau bụng, nôn ói và mệt mỏi gia tăng.
Khi nam thanh niên 25 tuổi có dấu hiệu lơ mơ, tài xế đã lập tức đưa cả 6 người vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, 2 trường hợp nặng nhất (đã hôn mê) được xử trí khẩn cấp bằng cách đặt nội khí quản và bóp bóng hỗ trợ thở. Sau khi sơ cứu, cả 6 bệnh nhân được chuyển gấp lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài 2 ca hôn mê, các bệnh nhân còn lại đều trong tình trạng lừ đừ và tiếp tục nôn ói. Dựa trên bệnh sử kể trên, các bác sĩ nhanh chóng nhận định rằng cả 6 bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nghi ngờ do nhiễm cồn công nghiệp (methanol) - một chất cực kỳ độc.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức một buổi hội chẩn khẩn cấp tại khoa Cấp cứu, với sự tham gia của các khoa liên quan như khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh Nhiệt đới, Thận nhân tạo... Sau khi hội chẩn, đội ngũ điều trị đã phân chia các bệnh nhân thành hai nhóm để có phương án xử lý phù hợp.
2 bệnh nhân nặng nhất được chuyển ngay lên đơn vị Hồi sức chống độc của khoa Bệnh Nhiệt đới để thở máy, sử dụng thuốc vận mạch nhằm duy trì huyết áp và tiến hành lọc máu liên tục bằng phương pháp CRT. Đối với bốn bệnh nhân còn tỉnh, các bác sĩ thực hiện lọc máu nhanh ngay tại khoa Cấp cứu.
Trong quá trình điều trị, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng của cả 6 bệnh nhân đều cho thấy tình trạng toan chuyển hóa nặng. Đặc biệt, bệnh nhân trẻ nhất (25 tuổi) có mức pH trong máu gần như không đo được, biểu hiện mức độ ngộ độc nghiêm trọng.
Nhờ các biện pháp can thiệp kịp thời và tích cực, đến 6h ngày 31/3, bốn bệnh nhân được lọc máu nhanh đã hồi phục. Kết quả xét nghiệm cho thấy các chất độc trong máu đã được loại trừ hiệu quả.
Trong số 2 ca nặng, một bệnh nhân đã tỉnh lại, tình trạng toan máu được kiểm soát hoàn toàn, các biện pháp hồi sức được giảm dần và không còn cần dùng thuốc vận mạch. Dự kiến trong ngày 31/3, bệnh nhân sẽ được đánh giá kỹ lưỡng để cai máy thở, với tiên lượng cải thiện tích cực.
Riêng trường hợp bệnh nhân nặng nhất (25 tuổi), mặc dù mức độ toan chuyển hóa đã giảm, nhưng vẫn còn hôn mê sâu, các dấu hiệu phản xạ và cải thiện sự sống chưa khả quan. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tổn thương não thực thể do ngộ độc methanol.
![]() |
Bệnh nhân vẫn còn hôn mê nguy kịch, đang được các bác sĩ theo dõi sát (Ảnh: BVCC). |
Hiện tại, bệnh nhân này tiếp tục được theo dõi chặt chẽ, đồng thời tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu như chụp MRI não, đo điện não để đánh giá chính xác mức độ tổn thương não.
"Tiên lượng vẫn còn rất dè dặt, bệnh nhân còn quá trẻ, khả năng hồi phục thế nào phải đợi kiểm tra, đánh giá trong 48 giờ kế tiếp", bác sĩ Hùng nói.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, ngộ độc methanol không phải là tình trạng mới, trung bình mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 30 đến 50 ca ngộ độc loại này.
Các bác sĩ cho biết, rượu được nấu từ gạo, nếp, hoặc mì là rượu ethanol, có giá thành cao hơn. Trong khi đó, rượu công nghiệp chứa methanol lại có giá bán rẻ hơn nhiều. Để giảm chi phí và tăng lợi nhuận, một số người bán đã pha trộn hai loại rượu này, khiến người tiêu dùng uống phải dễ bị ngộ độc. Đặc biệt, việc phân biệt giữa rượu ethanol và rượu methanol bằng cảm quan là rất khó.
Bác sĩ Hùng cảnh báo rằng, khi bị ngộ độc rượu, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như tụt huyết áp, tay chân bủn rủn, mờ mắt, vã mồ hôi, sốt, co giật, hôn mê…
Methanol khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các chất độc hại, tác động lên nhiều cơ quan khác nhau. Loại độc chất này có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, suy hô hấp cấp, suy tim, tụt huyết áp, sốc nặng, suy thận cấp và thậm chí dẫn đến mù lòa. Việc điều trị ngộ độc methanol thường rất phức tạp, với tỷ lệ tử vong cao.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên lựa chọn rượu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm để tránh nguy cơ ngộ độc. Đặc biệt, cần cảnh giác khi có các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, mờ mắt, hoa mắt, cảm giác nhìn thấy màn sương - những dấu hiệu ban đầu của ngộ độc methanol. Trong một số trường hợp, tình trạng hôn mê có thể diễn tiến rất nhanh.
Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, bởi thời gian vàng có vai trò quan trọng trong việc cứu chữa và giảm thiểu tổn thương.
![]() |
![]() |
![]() |