Hoa, trái cây hút hàng dịp cuối năm, nông dân vui mừng đón Tết "Thủ Phủ" đào Nam Phong rộn ràng đón Tết Nguyên đán 2024 Phố cổ Hà Nội đã rực rỡ màu "áo mới", chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ 2025 |
Phong tục đón Tết cổ truyền của người Dao đỏ
Đồng bào giã bánh dày cúng tổ tiên. |
Phong tục đón Tết của đồng bào Dao Đỏ được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Khác với người Kinh, người Dao ăn Tết Nguyên đán trước nửa tháng, khoảng giữa tháng 12 âm lịch đã bắt đầu bước vào mùa Xuân. Theo đồng bào Dao Đỏ quan niệm, Tết là dịp để cả nhà nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động sản xuất và báo cáo tổ tiên mọi thành quả lao động sản xuất, mọi chuyện vui, buồn xảy ra trong năm. Vì vậy, ngay từ giữa tháng chạp, đồng bào đã chuẩn bị đồ lễ và cúng Tết. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà sẽ làm mâm cỗ to hay nhỏ cho phù hợp. Họ sẽ vui chơi, sum họp đến hết rằm tháng Giêng.
Đặc biệt, người Dao đỏ Lào Cai có phong tục mổ lợn làm lễ cúng Tết. Gia đình nào có điều kiện sẽ mổ từ 2 đến 3 con lợn, hoặc ít nhất cũng phải một con để làm 2 đến 3 mâm cơm cúng Tết. Lợn sau khi mổ làm sạch sẽ được cắt làm 3 phần: đầu, 2 đùi trước và 2 đùi sau, cùng 6 chiếc bánh dày, 3 chén nước, 1 chén rượu và 1 bát hương, tiền giấy (giấy bản) được đặt lên bàn cúng.
Lễ cúng gia tiên. |
Thầy trong lễ cúng Tết phải là thầy cúng hay người lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng. Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên trong gia đình, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng giải hạn để xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ, đồng thời mời ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu bò, lợn gà khỏe mạnh.
Sau khi kết thúc lễ cúng Tết, đồ lễ được gia chủ dọn xuống, đem chế biến các mâm cơm, mời anh em họ hàng, người thân đến ăn Tết cùng gia đình, tiễn năm cũ qua đi, đón một năm mới tới với mong muốn vạn sự bình an. Bà con tổ chức đón Tết theo từng nhà và quay vòng cho bằng hết các hộ gia đình trong bản. Ngày 30 Tết, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, chuẩn bị cho đêm giao thừa thật ấm cúng. Từ người lớn đến trẻ nhỏ tự chọn cho mình những bộ trang phục Dao đẹp nhất để đón giao thừa.
Phụ nữ người Dao diện trang phục truyền thống. |
Sáng ngày mồng một Tết cũng là một ngày đặc biệt nhất trong năm mới, người Dao nơi đây quan niệm, một năm mới được khởi đầu từ ngày mới, vì vậy tục hái lộc đầu xuân lúc trời còn tờ mờ sáng được người Dao đỏ rất coi trọng. Bên cạnh đó, xông nhà đầu năm cũng là nét văn hoá có từ bao đời nay, vẫn được người Dao duy trì, phát huy như một nét văn hoá không thể thiếu. Vì vậy, người được gia đình mời đến xông nhà cũng phải là người được chọn lựa kỹ như: tuổi tác, lối sống….phải phù hợp với gia đình, gia đình nào chưa có người đến xông nhà thì tuyệt đối không ai được tự tiện đến chơi.
Trong những ngày Tết, sau khi đi chúc năm mới những người trong họ thì già trẻ, trai gái lại nô nức kéo nhau về nơi sinh hoạt cộng đồng, thường là bãi đất rộng (nay là nhà văn hóa thôn bản). Tại đây, người lớn tuổi cùng nhau ôn lại truyền thống và những phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, lớp thanh niên thì chia thành tốp ca hát, nhảy múa, chơi các trò chơi dân gian. Đây cũng chính là dịp để những chàng trai, cô gái Dao gặp gỡ, tìm hiểu rồi ướm lời nhau qua những lời hát tỏ tình, giao duyên, nhiều đôi đã nên nghĩa vợ chồng cũng từ những buổi đi chơi xuân như thế.
Đặc sắc lễ hội Pút Tồng của người Dao đỏ
Mục đích chính của nghi lễ Pút tồng là để tưởng nhớ tổ tiên, phù hộ sang năm mới mọi người trong gia tộc, dòng họ được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà cho mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm phát triển tốt… |
Không chỉ được trải nghiệm phong tục ngày Tết mà du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng không khí lễ hội sôi động và thiêng liêng của lễ nhảy Pút tồng - một nghi lễ đặc biệt của người Dao Đỏ. Trong tiếng Dao, “Pút tồng” (lễ tắm than) có nghĩa là một điệu nhảy xuất thần, thể hiện sự hòa quyện giữa cõi dương và âm trong tiếng kèn pí lè, tiếng trống âm vang với mục đích đón tổ tiên, thần linh.
Người Dao Đỏ tổ chức Pút tồng vào ngày đầu năm mới theo Âm lịch. Công việc chọn ngày do trưởng họ quyết định và thường tránh các ngày kiêng kỵ của dòng họ. Địa điểm tổ chức nghi lễ thường là gia đình trưởng họ của các dòng họ người Dao Đỏ. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Dao Đỏ, nên việc chuẩn bị luôn được thực hiện trước khi tổ chức khá lâu, chu đáo và nghiêm túc. Trưởng tộc đứng ra lo liệu chính, cả về lễ vật và đạo cụ. Lễ vật dâng cúng chính gồm có gà, rượu, gạo, bánh, trái cây…
Lễ Pút tồng có nguồn gốc từ xa xưa, gắn với các truyền thuyết về cuộc di cư vượt biển của người Dao Đỏ. Quá trình thực hiện nghi lễ gồm 11 bước, hầu như ở các nghi thức cúng bái đều được thực hiện thông qua các động tác nhảy, múa. Các điệu nhảy được thực hiện nối tiếp nhau trong suốt tiến trình nghi lễ, phần cầu khấn hầu như được gửi gắm đến tổ tiên của họ thông qua những giai điệu có lúc tươi vui, có khi trầm buồn.
Vào ngày diễn ra lễ nhảy, không chỉ những người trong dòng họ mà cả những người khác họ cùng thôn cũng đến tham dự để ủng hộ cho dòng họ đang làm lễ Pút tồng. Nhưng để nhảy Pút tồng không phải ai cũng có thể làm được. Người dân địa phương cho biết chỉ những người được thần linh chọn mới có thể thực hiện những điệu múa trong lễ Pút tồng và phải tập luyện trước cả tháng.
Trong khi múa, họ luôn miệng xưng tụng thần linh và các điệu múa được sử dụng như hình thức làm hài lòng thần linh, bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với tổ tiên, những vị thần đã luôn bên cành, phò tá, giúp đỡ cho họ. |
Trong suốt thời gian làm lễ Pút tồng, người thực hiện phải ngồi bên cạnh thầy mo chủ trì buổi lễ để làm lễ cho đến khi thần linh đồng ý cho nhảy lửa. Đợi đến khi ngọn lửa tắt, chỉ còn một đống than đỏ rực thì cơ thể của những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên là sẵn sàng nhảy vào đống than đỏ hồng đang bốc nhiệt. Lúc này thầy mo làm nhiệm vụ chỉ dẫn, dẫn đầu trong màn nhảy lửa, đồng thời tay cầm thanh tre gõ để thôi thúc tinh thần, dũng khí của người thanh niên trai tráng thực hiện “tắm than” khi nhảy lửa.
Điểm đặc biệt trong phần múa nghi lễ Pút tồng thường chỉ do nam giới thực hiện, quy luật này ngầm phản ánh cấu trúc xã hội, gia đình phụ hệ của người Dao Đỏ. Thầy cúng, thầy nhảy đặt ra những quy tắc bí mật để bảo vệ vai trò độc tôn của nam giới trong các nghi lễ.
Bên cạnh đó, âm nhạc là linh hồn của lễ hội Pút tồng. Những điệu múa của nghi lễ truyền thống, kết hợp của tiếng chiêng, trống, chũm chọe va chạm vào nhau diễn ra xung quanh đống lửa bập bùng, trong không gian linh thiêng đặc biệt tạo ra sự huyền bí mê hoặc. Đặc biệt nghi lễ này không cấm người lạ nên bạn có thể tham gia thoải mái, không những thế bạn còn được chào đón nồng nhiệt. Nếu có dịp đến Lào Cai, hãy thử một lần tham gia lễ hội Pút tồng để cảm nhận nét văn hóa đặc sắc của người Dao Đỏ.