Hơn 12 nghìn lao động của May 10 đã ra quân sản xuất ngay những ngày đầu Xuân Giáp Thìn. Ảnh Thu Hường |
Khí thế tưng bừng ngày khai xuân
Sáng 15/2, hơn 12.000 lao động của Tổng Công ty May 10 - CTCP (May 10) tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đồng loạt ra quân sản xuất, bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm Giáp Thìn với quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra trong năm 2024 với Slogan “chọn việc khó” để làm.
Năm 2024, với slogan và quyết tâm “chọn việc khó" để làm, ngay từ những ngày đầu Xuân Giáp Thìn Ban lãnh đạo Tổng Công ty May 10 cùng tập thể hơn 12 nghìn người lao động trước sự chứng kiến của Đảng ủy khối doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã quyết tâm năm 2024 hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, tập trung phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, xanh hóa trong sản xuất, khẳng định trách nhiệm của nhà sản xuất với người tiêu dùng trong việc cung cấp cho thị trường những sản phẩm có nguồn gốc thân thiện môi trường.
“May 10 sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đảm bảo thu nhập cho người lao động, an sinh xã hội” - ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) không khí làm việc rộn ràng ngay trong ngày đầu năm mới.
Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Đức Hồng chia sẻ, toàn công ty có 980/1.060 công nhân trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết. Hoạt động sản xuất diễn ra đồng bộ trên tất cả các dây chuyền.
Tương tự, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Lộc Trời, thông tin, ngay những ngày đầu năm 2024, công ty đã thắng thầu một đơn hàng cung ứng 65.000 tấn gạo Bulog 65. Do vậy, tập đoàn đã chủ động lên kế hoạch tái sản xuất sớm sau Tết. Theo đó, 3.600 nhân sự của hệ sinh thái sản xuất Tập đoàn Lộc Trời đã có mặt tại các nhà máy để đảm bảo tái khởi động sản xuất. Các nhà máy đang nỗ lực tổ chức sản xuất đảm bảo các đơn hàng đã ký trước tết.
“Đúng sáng 15/2, đồng loạt 1 nhà máy thuốc bảo vệ thực vật, 1 nhà máy phân bón, 1 nhà máy bao bì cùng 10 nhà máy gạo với năng lực cung ứng 2 triệu tấn gạo mỗi năm cho thị trường trong nước và quốc tế sẽ sẵn sàng cho sản xuất”, ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.
Còn WinCommerce đã sớm ra quân trong những ngày Tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Giáp Thìn 2024. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc chuỗi WinMart cho biết, hệ thống bán lẻ WinCommerce, đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị WinMart và cửa hàng tiện lợi WinMart+/WIN đã mở cửa phục vụ Tết cho tới ngày 9/2/2024 (tức 30 Tết m lịch) và hoạt động trở lại vào ngày 13/2/2024 (tức mùng 4 Tết âm lịch).
Trong sáng ngày 15/2 (tức mùng 6 Tết), toàn bộ cán bộ công nhân viên của tập đoàn Masan cũng ra quân sản xuất đầu năm. Năm 2024, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ. Đây là kết quả kinh doanh dự kiến tương ứng với các kịch bản khác nhau về điều kiện vĩ mô. Lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số dự kiến sẽ nằm trong khoảng 2.290 đến 4.020 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với 1.950 tỷ đồng trong năm 2023. Bên cạnh đó, Masan sẽ tiếp tục giảm đòn bẩy để cải thiện bảng cân đối kế toán, giảm lợi ích ở các mảng kinh doanh không cốt lõi trong khi vẫn duy trì chiến lược phân bổ vốn chặt chẽ.
Đại diện Massan cho biết, trong bối cảnh thị trường vốn đầy biến động, các doanh nghiệp sở hữu mảng kinh doanh tập trung vào người tiêu dùng tạo ra dòng tiền vững chắc như Masan có nhiều lợi thế tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế với những điều kiện rất thuận lợi. Hoạt động kinh doanh không mang tính chu kỳ của Masan giúp ban lãnh đạo tự tin vào những thuận lợi phía trước trong việc gia tăng thanh khoản của Công ty vào những tháng sắp tới.
Masan tin rằng thị trường tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng trưởng nhẹ trong nửa đầu năm 2024 và phục hồi nhanh chóng trong nửa năm còn lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa có thể ảnh hưởng đến lộ trình phục hồi của Việt Nam, Masan sẽ lập kế hoạch cho cả kịch bản thị trường phục hồi chậm và kịch bản tăng trưởng nhanh trong năm 2024.
Cũng trong sáng ngày 15/2, khoảng 2.400 cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bắt đầu ra quân sản xuất.
Đại diện công ty cho biết, năm 2024, công ty sẽ trở thành một Rạng Đông mới - doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp dân tộc (Make in Việt Nam), tiên phong dẫn dắt theo các trào lưu xu hướng của thời đại: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, tiếp tục phấn đấu hoàn thành bằng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã đề ra.
Tự tin hơn khi tín hiệu thị trường có những điểm sáng mới
Nhân viên Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ra quân sản xuất.. Ảnh Thu Trang |
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn, cho biết nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Điều Việt Nam nói chung và Tập đoàn Long Sơn chọn ngày 15-2 để tái khởi động sản xuất. Khác với những năm trước, các doanh nghiệp thường chọn bắt đầu một phần hoạt động sản xuất, nhưng năm nay sẽ khởi động tất cả dây chuyền. Phần lớn các doanh nghiệp đều đã phải trải qua năm 2023 đầy khó khăn.
Dù vậy, sang năm 2024, nhiều doanh nghiệp ngành điều tự tin hơn khi tín hiệu thị trường có những điểm sáng mới. Thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Đông… vẫn gia tăng nhu cầu. Thực tế từ cuối năm 2023, đơn đặt hàng nhập khẩu điều của Việt Nam từ các thị trường trên tăng lên rõ rệt; nhiều nhà máy chế biến điều phải hoạt động hết công suất để kịp thời gian giao hàng.
Tương tự, thông tin tái khởi động sản xuất được Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, Hội Cơ khí - Điện... chia sẻ. Hầu hết các công nhân về quê đón tết đã có mặt sẵn sàng cho ngày làm việc đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc PPJ Group, cho biết đơn hàng đã lấp đầy hết quý 1 nên toàn bộ hệ thống với hơn 17.000 lao động làm việc tại 30 nhà máy ở các tỉnh, thành sẽ bắt đầu làm việc vào ngày 16/2 (mùng 7 Tết). "Tỷ lệ đi làm đầu năm thường đạt trên 90%, một số chưa vào đúng ngày vì nhà xa và có xin nghỉ phép từ trước", bà Liên nói.
Theo lãnh đạo PPJ Group, tận dụng các hiệp định thương mại, doanh nghiệp đã tìm kiếm thêm các thị trường mới, đa dạng khách hàng giữa lúc khó khăn chung. Năm nay, ngoài thị trường truyền thống là Mỹ, châu Âu và Nhật, doanh nghiệp có thêm Úc và Canada.
Bộ Công thương cho biết, trước đó, bộ cùng các doanh nghiệp đã tổ chức phân tích, đánh giá chung về những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong năm 2024. Theo đó, lo lắng nhất vẫn là sức mua toàn cầu chưa “dễ thở”. Nguy cơ giá nguyên vật liệu, logistics leo thang vẫn sẽ tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì thế, bộ đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài bắt tay cùng với doanh nghiệp để khai phá thị trường mới, thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết.
Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó hơn 50 thị trường xuất khẩu mà hàng hóa Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh nhất định. Do vậy, việc khởi động sớm hoạt động sản xuất ngay từ những ngày đầu năm là giải pháp để doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng và tìm kiếm thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường chủ lực, thị trường mới…