Rắn ri voi thuộc loại rắn nước |
Rắn ri voi (ri tượng) có tên khoa học là Enhydris Bocourti, thuộc loài rắn nước, nhưng chúng to hơn các loài rắn nước khác, có con nặng tới 7 – 8kg. Đặc biệt, thịt rắn thơm và tỷ lệ thịt trên một đơn vị trọng lượng cơ thể của rắn ri voi cao hơn nhiều so với các loài rắn nước khác. Vì vậy, chúng luôn là một đối tượng khoái khẩu đối với thực khách, nhất là dân nhậu.
Nhận thấy lợi nhuận cao từ việc nuôi con đặc sản rắn ri voi, nhiều hộ gia đình ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai mô hình nuôi, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Anh Võ Hoàng Vĩnh kiểm tra rắn ri voi chuẩn bị sinh sản trong bể nuôi của gia đình |
Có thể kể đến anh Võ Hoàng Vĩnh, ngụ ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao (Kiên Giang). Anh Vĩnh thích nuôi rắn khi mới 20 tuổi nhưng không có điều kiện nên anh Vĩnh chỉ nuôi vài cặp rắn trong thau để thỏa đam mê. “Năm 2013, tôi đến U Minh Thượng mua gần 1.000 con rắn ri voi con và xây bể nuôi. Thời gian đầu do tôi chưa có kinh nghiệm, không biết cách nuôi nên rắn con bị bệnh chết. Nghỉ nuôi rắn một thời gian, không bỏ được đam mê, tôi bắt rắn ở tự nhiên nuôi và nhân giống, đến nay gia đình tôi có đàn rắn trên 1.200 con”, anh Vĩnh nói.
Nhiều năm nuôi rắn, anh Vĩnh tìm tòi, học trên mạng, qua báo chí; ở đâu có nuôi rắn ri voi là anh đến tham khảo mô hình, học tập kinh nghiệm, cách xây bể, kỹ thuật nuôi. Theo anh Vĩnh, rắn có thể tự giao phối và sinh sản. Rắn ri voi nuôi 18 tháng là bắt đầu sinh sản. Mỗi con rắn cái có thể sinh sản từ 4-30 con, rắn càng lớn sinh sản càng nhiều. Thức ăn cho rắn ri voi là cá trê, để đảm bảo nguồn thức ăn cho rắn, anh Vĩnh mua cá trê giống để nuôi trong mùng lưới, tiết kiệm chi phí.
Những năm mới bắt đầu nuôi, để tăng đàn anh Vĩnh không bán rắn con mà giữ nuôi. Từ 3 bể nuôi, anh nhân rộng và xây thêm 12 bể nuôi rắn ri voi. Hiện anh có hơn 200 cặp rắn bố mẹ nuôi từ 4 năm, mỗi con có trọng lượng từ 3-5kg và hơn 300 cặp rắn bố mẹ nuôi từ 1 năm trở lên, đang chuẩn bị sinh sản. Năm nay, anh Vĩnh cung cấp hơn 4.000 con giống cho khách hàng.
Hơn 5 năm nay, anh Vĩnh bắt đầu bán rắn ri voi giống, số lượng rắn không đủ bán, nhiều người tìm đến anh để đặt cọc trước. Rắn con vừa sinh, anh Vĩnh vớt ra để vào bể riêng cho ăn thức ăn phù hợp, nuôi rắn con ít nhất 1 tuần trước khi bán, để con giống đạt chất lượng, đến tay khách hàng tỷ lệ hao hụt ít.
Theo anh Vĩnh, nuôi rắn ri voi không tốn công và thời gian chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Vĩnh chia sẻ: “Từ khi nuôi rắn đến nay, gia đình tôi bán 5 lần, mỗi năm bán trên 2.000 con rắn ri voi giống. Rắn ri voi giống giá từ 70.000-80.000 đồng/con tùy thời điểm, tôi có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Năm nay khách hàng đặt trước 1.000-3.000 con giống, giá rắn thịt từ 600.000-800.000 đồng/kg. Thời gian tới, tôi mở rộng mô hình, xây nhiều bể nuôi rắn ri voi sinh sản để bán giống và nuôi rắn đực bán thịt”.
Mô hình nuôi rắn ri voi của anh Nguyễn Văn Thuận (bìa trái) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao |
Có đam mê nuôi rắn giống anh Vĩnh, cách đây 12 năm, anh Nguyễn Văn Thuận (ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, Tân Hưng, Long An) bắt được 4 con rắn ri voi ở ngoài đồng và mang về nuôi để sinh sản, đến nay, anh đã gầy dựng được 250 con rắn ri voi giống được nuôi trong 4 bể xi măng, ở đáy có gắn van xả thải nên dễ dàng xử lý thay nước.
Anh Thuận chủ yếu cho rắn sinh sản để bán con giống. Mỗi năm, rắn ri voi sinh sản 1 lần, mỗi con rắn cái có thể sinh từ 7-20 con. Sau khi rắn sinh sản, anh Thuận vớt rắn con ra bể nuôi riêng. Sau thời gian chăm sóc từ 1-2 tuần là có thể bán với giá từ 90.000-100.000 đồng/con.
Do mô hình nuôi rắn ri voi này không tốn nhiều diện tích và công chăm sóc, lại mang hiệu quả kinh tế khá cao nên khi có con giống, anh Thuận được nhiều người trong và ngoài huyện tìm đến mua con giống về nuôi. Sau khi trừ chi phí, anh Thuận thu về lợi nhuận trên 60 triệu đồng/năm.