Đà Lạt có khí hậu ôn hoà, mát mẻ quanh năm, cũng là điều kiện lý tưởng để phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài hoa ra, Đà Lạt đã có những vùng chuyên canh trồng rau, cây dược liệu và nhiều sản vật địa phương nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến.
Các sản phẩm OCOP của Đà Lạt được đánh giá cao về chất lượng, đa dạng về mẫu mã. |
Những năm qua, TP Đà Lạt triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập cho người, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi.
Trao đổi với PV Tạp chí Thương Hiệu và Sản Phẩm, ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay địa phương đã có 82 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao của 32 chủ thể, gồm các sản phẩm; Actiso, dâu tây, phúc bồn tử, hồng treo gió, đông trùng hạ thảo, cần tây, cải bắp,...
Theo ông Cứ, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển các sản phẩm OCOP, thời gian qua, chính quyền địa phương trực tiếp xây dựng hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về sản phẩm, hỗ trợ các chủ thể tổ chức sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, đạt tiêu chuẩn về đóng gói, nhãn mác, tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh như; Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Đà Nẵng… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của xứ sở sương mù.
Đồng thời, phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP về chứng nhận quản lý chất lượng ISO, HACCP..., phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các chủ thể về VietGap, chứng nhận hữu cơ và về máy móc, bao bì, tem truy xuất, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
“Chúng tôi cũng lồng ghép nguồn vốn từ chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới hỗ trợ các chủ thể xây dựng các chuỗi liên kết, trưng bày sản phẩm OCOP giới thiệu cho các đoàn khách đến tham gia, trải nghiệm, sử dụng dịch vụ du lịch của địa phương.
Thương hiệu Hồng treo gió công nghệ Nhật Bản, đặc sản Đà Lạt mà ít nơi nào có được. |
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể về phương án kinh doanh, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phương thức kinh doanh online, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử”- ông Cứ nói.
Để sản phẩm OCOP có thương hiệu và ngày càng phát triển, Đà Lạt ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu địa phương, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tri thức và văn hóa bản địa.
Nguồn vốn thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 là 11 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng, các chủ thể đối ứng 6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Cứ cho biết thêm, các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt mà ít nơi nào có được như; Hồng treo gió công nghệ Nhật Bản, Astiso, Dâu tây.
“Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 2 vùng trồng hồng ăn quả là TP Đà Lạt và huyện Đơn Dương, riêng Đà Lạt có khoảng 300 ha trồng hồng, sản lượng khoảng 30 tấn/năm/ha. Điều đặc biệt, sản phẩm hồng treo gió được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản đó cũng là lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm nông nghiệp khác”- ông Cứ chia sẻ.
Đà Lạt đã mở các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. |
Trong năm 2024, Đà Lạt phấn đấu toàn thành phố có ít nhất 15 sản phẩm OCOP mới, trong đó 10 sản phẩm OCOP cấp thành phố, 3 sản phẩm cấp tỉnh và 2 sản phẩm cấp Quốc gia.
TP Đà Lạt phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 70 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Bên cạnh đó, Đà Lạt khuyến khích các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.
Ngoài ra, phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...), xây dựng ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Hội chợ “Tôn vinh sản phẩm Việt”: Cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP |
Ninh Thuận thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP |
Bột sắn dây Quảng Phú |