Ông Chính bên vườn cây ăn trái của gia đình |
Bàu Tùng, vùng đất trũng trên địa bàn xã Lộc Ngãi, nơi bà con thường gọi với cái tên thân thuộc “làng Tày” nay đã trù phú. Nơi đây, một người nông dân đã xây dựng được vườn cây ăn trái lớn, với những loại trái đặc sản của đất đỏ cao nguyên.
Người được nhắc đến là ông Ngô Quang Chính, nông dân Thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Ông Chính bảo, đây vốn là một vùng bàu, nơi đất sình, trũng.
Ngày xưa, bà con người Tày vào Lộc Ngãi xây dựng kinh tế, đã lập làng ở bàu Tùng, chỉ trồng được cây lúa vì mảnh đất quá thấp, ngập nước quanh năm. Rồi dần dần, người bàu Tùng chở đất đắp cao, tạo vườn, làm nhà, biến làng Tày trở thành vùng đất đẹp Thôn 12 bây giờ. Kí ức về bàu Tùng vẫn còn với hàng loại ao, hồ chạy quanh thôn, được bà con sử dụng làm hồ nuôi cá, chứa nước phục vụ nông nghiệp.
Là nông dân gắn với đất, ban đầu ông Ngô Quang Chính cũng trồng cà phê như hầu hết cư dân xung quanh. Nhưng diện tích cà phê quá lớn đòi hỏi lượng nhân công nhiều. Thiếu hụt nhân công chăm sóc khiến ông Chính quyết định chuyển sang trồng loại cây đòi hỏi công chăm sóc ít hơn.
Vậy là năm 2019, ông Chính và gia đình quyết tâm trục hết diện tích cà phê, chuyển sang trồng sầu riêng, vú sữa lò rèn và cây vú sữa hoàng kim, một giống cây còn khá mới với người nông dân.
Trên diện tích 8 ha đất, ông Ngô Quang Chính xuống giống 1.500 cây vú sữa hoàng kim và 1.500 gốc sầu riêng. Giống sầu riêng mà ông chọn là Monthon và Musang King, hai loại sầu riêng có giá trị xuất khẩu.
Hiện tại, vườn của ông Ngô Quang Chính có 3 loài cây đã cho thu hoạch gồm ổi, vú sữa hoàng kim và vú sữa lò rèn. Vú sữa hoàng kim có 500 cây to thu 3 kì/năm, cây nhỏ năng suất thấp hơn.
Riêng vú sữa hoàng kim, hàng năm ông Chính cung cấp ra thị trường Hà Nội 50-60 tấn trái/năm. Vú sữa lò rèn còn nhỏ nhưng cũng bắt đầu cho trái, được thị trường ưa chuộng. Ông Chính chia sẻ: “Nông dân trồng cây ăn trái cần tính toán trồng cây lấy ngắn nuôi dài, chú ý đến đặc tính sinh học của từng giống cây cho phù hợp. Đồng thời, tôi chọn trồng 3 loại cây ăn trái để tránh rủi ro thị trường, không quá phụ thuộc vào 1 loại cây duy nhất”.
Kinh tế rừng ở Trường Thủy đã giúp người dân thoát nghèo |
Cũng giống như ông Chính, ông Trần Minh Trầm, thôn Văn Minh, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) là người dám nghĩ, dám làm, đã thoát nghèo thành công nơi vùng đồi chỉ có nắng và gió Lào.
Ông Trầm được giới thiệu là nông dân điển hình, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, bởi, trước đây gia cảnh của ông được xem là khó khăn nhất, nhì của Trường Thuỷ. Giờ, ông Trầm đã trở thành “triệu phú” của vùng đồi phía Tây huyện Lệ Thủy.
“Sau khi xuất ngủ trở về địa phương năm 1983, gia đình lại đông con, cơm cháo lo từng bữa vẫn không đủ ăn. Tôi bàn với vợ đi khai hoang đất rừng để kiếm kế sinh nhai cho đỡ cực. Vậy rồi, tay cuốc, tay rạ vợ chồng tôi lên vùng rừng Ba Trạng khai khẩn đất rừng. Mãi đến cuối những năm 90, những vườn cây cao su, keo lai bắt đầu mọc lên từ rừng cây cỏ mọc um tùm ở đây…”, ông Trầm thổ lộ.
Chuyện làm giàu từ rừng lúc đó gia đình ông Trầm chưa nghĩ tới, chỉ mong có việc làm hàng ngày, lo cơm cháo cho các con. Vậy mà ngoảnh mặt lại cũng ngót hơn 20 năm ông bám trụ vùng đất Ba Trạng. Giờ ông Trầm có cơ ngơi là 5ha cây cao su đang cho thu hoạch và 40ha rừng trồng kinh tế. Ông bảo, mỗi năm gia đình có nguồn thu hơn 400 triệu đồng…
“20ha rừng kinh tế chuẩn bị thu hoạch, có người trả gần 1 tỷ đồng nhưng tôi chưa bán, đang đợi giá cao hơn nữa. Vườn cây cao su, mỗi ngày cũng cho thu nhập 2 triệu đồng. Giờ, người dân bảo tôi là triệu phú chắc cũng không ngoa!”, ông Trầm cười nói.