Sản xuất xi măng thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi công nghệ |
Thiếu kết nối công nghệ gây đình trệ
![]() |
Doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn đang loay hoay với mô hình sản xuất truyền thống, gặp khó khi tiếp cận công nghệ xanh do thiếu kết nối hiệu quả với các nguồn lực hỗ trợ. |
Xanh hóa sản xuất không còn là lựa chọn tự nguyện mà đã trở thành yêu cầu sống còn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xu thế tiêu dùng bền vững toàn cầu. Tuy nhiên, hành trình này đang bị chững lại ở nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) do thiếu vắng cơ chế kết nối công nghệ – yếu tố then chốt quyết định khả năng chuyển đổi.
Hiện nay, công nghệ xanh được xem là công cụ quan trọng giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng tài nguyên, giảm phát thải, nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc và gia tăng giá trị bền vững cho sản phẩm. Thế nhưng, theo ghi nhận tại Diễn đàn “Tiêu dùng bền vững hướng đến Kỷ nguyên xanh 2025” tổ chức tại Hà Nội, nhiều SME vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và triển khai các giải pháp công nghệ xanh phù hợp.
Khó khăn không chỉ nằm ở chi phí đầu tư ban đầu mà còn đến từ sự thiếu vắng các cơ chế kết nối giữa bên cung cấp công nghệ, tổ chức tài chính, chuyên gia tư vấn và cộng đồng doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ chưa xác định được điểm khởi đầu, cũng như chưa có đủ thông tin để lựa chọn giải pháp phù hợp với quy mô sản xuất và năng lực tài chính của mình.
Trong khi đó, các bộ tiêu chí phát triển bền vững và các chương trình hỗ trợ chuyển đổi xanh hiện hành lại chủ yếu được thiết kế cho khối doanh nghiệp lớn – vốn có nguồn lực đầu tư bài bản, đội ngũ chuyên trách ESG và chiến lược thương hiệu rõ ràng. Điều này vô hình trung khiến phần đông doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ – chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam – bị “lỡ nhịp” với chuyển đổi xanh.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) – chia sẻ: “Hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ ESG là gì, càng chưa biết cách đưa vào hoạt động sản xuất – kinh doanh thường ngày”. Thực tế cho thấy, không thể xanh hóa nền kinh tế nếu khối doanh nghiệp nhỏ bị bỏ lại phía sau.
Doanh nghiệp cần được dẫn đường chuyển đổi
![]() |
Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản và công nghệ cao đang được thúc đẩy chuyển đổi xanh thông qua các nền tảng kết nối công nghệ và tài chính. |
Để tháo gỡ điểm nghẽn kết nối, nhiều chuyên gia đề xuất cần sớm hình thành các nền tảng trung gian – nơi hội tụ các nhà cung cấp công nghệ, tổ chức tài chính, chuyên gia tư vấn và doanh nghiệp SME. Những nền tảng này không chỉ đóng vai trò giới thiệu giải pháp, mà còn hỗ trợ tư vấn mô hình phù hợp, tiếp cận tín dụng xanh, đào tạo nhân lực và hỗ trợ vận hành ban đầu.
Ông Trịnh Anh Tuấn – Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) – nhận định: “Công nghệ xanh không chỉ là yếu tố kỹ thuật, mà còn là công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí và tiếp cận các thị trường xuất khẩu vốn có yêu cầu khắt khe về môi trường và truy xuất nguồn gốc”. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, doanh nghiệp nhỏ cần được đặt trong một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ.
Trên thực tế, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 57 về đột phá công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, cùng hàng loạt sáng kiến ESG của các bộ, ngành. Tuy nhiên, để những chương trình này đến được với từng doanh nghiệp nhỏ, cần sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng, chính quyền địa phương và các tổ chức phát triển quốc tế.
Một ví dụ điển hình là sáng kiến của VINASME về xây dựng bộ tiêu chí ESG dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là bước đi quan trọng nhằm định vị vị trí của doanh nghiệp trên lộ trình phát triển bền vững, đồng thời cung cấp hệ thống tiêu chuẩn, gợi ý và chỉ dẫn phù hợp với thực tế nguồn lực.
Ở chiều ngược lại, các tập đoàn lớn cũng đang tiên phong ứng dụng công nghệ xanh với hiệu quả rõ rệt. Đơn cử, mô hình của Unilever Việt Nam với tỷ lệ tái chế hơn 70% bao bì sản phẩm, sử dụng nhựa tái chế cho toàn bộ dòng sản phẩm Sunlight và thu gom – tái chế 13.000–15.000 tấn rác nhựa mỗi năm cho thấy rõ hiệu quả của việc tích hợp công nghệ xanh vào chuỗi giá trị. Điểm mấu chốt trong thành công này chính là sự kết hợp nhịp nhàng giữa công nghệ, tài chính, thị trường và chính sách.
Nếu muốn thúc đẩy SME tham gia vào sản xuất xanh, Nhà nước cần tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ môi trường, tổ chức quốc tế để đầu tư vào hệ thống trung tâm công nghệ vùng, nơi doanh nghiệp có thể “dùng chung” công nghệ hoặc thử nghiệm trước khi quyết định đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ công nghệ xanh, và nền tảng số về công nghệ – ESG cần được phát triển mạnh hơn, chuyển từ hình thức cung cấp thông tin sang mô hình “ươm tạo chuyển đổi xanh” – tương tự như các vườn ươm khởi nghiệp – để giúp doanh nghiệp từng bước xanh hóa sản phẩm, vận hành và toàn bộ chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành điều kiện bắt buộc để hội nhập và tồn tại, việc kết nối công nghệ – tài chính – chính sách cho doanh nghiệp nhỏ cần được xem như một chiến lược quốc gia. Đã đến lúc chúng ta chuyển từ khuyến khích sang hành động cụ thể, với những mô hình dẫn dắt thực chất, thiết thực và hiệu quả.