Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về sản xuất xi măng và cũng là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về mặt hàng này, với sản lượng dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Mặt khác, đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đang sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến trên thế giới vào sản xuất xi măng.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước có 84 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 101 triệu tấn xi măng/năm. Trong đó, 27 dây chuyền có công suất trên 5.000 tấn clinker/ngày là những dây chuyền hiện đại, đang hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn còn 29 dây chuyền sản xuất xi măng với công suất nhỏ từ 500 - 1.700 tấn clinker/ngày - những dây chuyền được đầu tư từ lâu với công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất thấp.
Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã và đang thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi các dây chuyền công nghệ từ "xám" sang "xanh"
Sau đại dịch Covid - 19, các lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, bất động sản đang được đẩy mạnh triển khai, bù lại tiến độ cho thời gian dài ngưng trệ vì dịch bệnh trước đó. Đây cũng được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng gia tăng sản xuất, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi các dây chuyền công nghệ từ "xám" sang "xanh", nhằm thực hiện quy hoạch phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng của Chính phủ.
Gắn sản xuất vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường trong nước và quốc tế; phát huy và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất vật liệu xây dựng, đây được xem là chủ trương lớn được Chính phủ khuyến khích. Theo đại diện Bộ Xây dựng, việc thay thế các dây chuyền công nghệ mới để thực hiện chủ trương này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, các gói tín dụng "xanh" được xem là giải pháp hiệu quả tiếp sức cho các doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, nhiều nhà máy đã được xây dựng với dây chuyền công nghệ cách đây hàng chục năm, giờ đã trở nên lạc hậu, lượng phát thải lớn. Vì vậy, việc chuyển sang công nghệ xanh, bài toán chi phí đầu tư đang được doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung cấp công nghệ tính toán nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế.
EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội tốt hơn cho cả các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu. Các thiết bị, công nghệ tiên tiến của châu Âu sẽ được nhập khẩu về Việt Nam với chi phí thấp hơn, đồng thời, các sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất tại Việt Nam cũng có thêm cơ hội xuất khẩu sang châu Âu, ông Weert Borner LL.M., Phó Đại sứ Cộng hòa Liên banh Đức tại Hà Nội, nhận định.
Các doanh nghiệp xi măng cần đầu tư công nghệ mới, tiết giảm chi phi và tăng năng suất lao động
Tại Việt Nam, có tới 2/3 số dây chuyền sản xuất xi măng chỉ có công suất 1 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 20% sản lượng toàn ngành. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp xi măng cần đầu tư công nghệ mới, tiết giảm chi phi và tăng năng suất lao động để nâng quy mô lên tối thiểu 5 - 10 triệu tấn/năm mới đảm bảo cạnh tranh, phát triển bền vững.
Hiện nay, cả nước có khoảng 84 dây chuyền, với tổng công suất 101 triệu tấn xi măng/năm. Trong đó, có khoảng 27 dây chuyền có công suất trên 5.000 tấn clinker/ngày là những dây chuyền mới, hiện đại, đang hoạt động rất hiệu quả.
Số còn lại, có 15 dây chuyền có công suất từ 3.000 - 4.500 tấn clinker/ngày, 13 dây chuyền có công suất 2.500 tấn clinker/ngày là những dây chuyền có công suất trung bình, tình hình sản xuất khá ổn định. Tuy nhiên, cũng đang đặt ra vấn đề cần có giải pháp tối ưu hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, còn 29 dây chuyền công suất nhỏ từ 500 - 1.700 tấn clinker/ngày, là những dây chuyền được đầu tư từ lâu với công nghệ cũ, quy mô nhỏ. Do đó, những giải pháp về công nghệ, môi trường, năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang trở thành những thách thức đối với các nhà máy này.
Trước những yêu cầu về phát triển bền vững, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp chỉ đạo để ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, ngành xi măng nói riêng bảo đảm các yêu cầu phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, chiến lược phát triển vật liệu xây dựng trong thời gian tới, trong đó tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, triệt để tiết kiệm sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, nhiên liệu, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình khai thác… Nhấn mạnh, sẽ loại bỏ hoàn toàn những công nghệ lạc hậu.
Riêng đối với lĩnh vực xi măng, chỉ đầu tư mới các nhà máy sản xuất clinker có công suất dây chuyền không nhỏ hơn 5.000 tấn/ngày, đầu tư gắn với vùng nguyên liệu, hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải. Đến năm 2025, tất cả các nhà máy có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày và có tiêu hao nguyên, nhiên liệu lớn, phải đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao về nhiên liệu, năng lượng, khắc phục ô nhiễm môi trường.
Viên Minh