Hiện nay, có rất nhiều phụ huynh sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ trong các trường hợp không cần thiết hoặc dùng kháng sinh không cần đơn thuốc của bác sĩ. Mặc dù thuốc kháng sinh có tác dụng tích cực song chính việc dùng thuốc thiếu khoa học đã dẫn đến trình trạng kháng thuốc.
Công dụng kháng sinh
Nhiều phụ huynh quan niệm rằng cứ sốt là phải dùng kháng sinh hay đã có viêm là phải dùng kháng sinh; có thể giảm liều hoặc ngừng việc sử dụng thuốc trong những ngày cuối khi đã cảm thấy khỏe hơn…
Theo PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu – Trường Đại học Y Hà Nội, mục đích chính trong việc sử dụng kháng sinh là diệt vi khuẩn (vi nấm) để chống bệnh nhiễm trùng hoặc với mục đích phòng các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây thành dịch hoặc dùng kháng sinh trong phẫu thuật để phòng nhiễm trùng bệnh viện.
Vi khuẩn sống trong môi trường tự nhiên và ở khắp bên trong và bên ngoài cơ thể chúng ta. Hầu hết các vi khuẩn đều vô hại và thậm chí hữu ích đối với con người, nhưng một số có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng, như viêm họng liên cầu khuẩn. Thuốc kháng sinh là loại thuốc chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn ở người và động vật gây ra bằng cách tiêu diệt vi khuẩn hoặc làm cho vi khuẩn khó phát triển và nhân lên.
Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi trùng, không có tác dụng đối với các bệnh do siêu vi (vi rút). Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt do siêu vi, viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh.
Nguy hại khi dùng kháng sinh trong trường hợp không cần thiết
Thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy, nếu cho trẻ sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể trẻ sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn.
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, nếu dùng kháng sinh đúng, hợp lý sẽ rất có lợi cho người bệnh nhưng ngược lại khi dùng kháng sinh không hợp lý, không đúng thì tai họa khôn lường. Việc cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi thường gây tác dụng phụ như: tiêu chảy, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong.
Các loại kháng sinh khi sử dụng theo đường uống vào trong cơ thể ngoài tác dụng tiêu diệt vi khuẩn có hại, chúng tiêu diệt luôn các vi khuẩn có lợi trong đường ruột gây ra tình trạng tiêu chảy từ nhẹ tới rất nặng.
Các loại kháng sinh thường được hấp thu và thải trừ qua thận, nếu quá trình thải trừ qua thận là chủ yếu thì có thể gây tình trạng quá tải làm việc cho thận (cơ quan lọc máu quan trọng của cơ thể), tích lũy ở vỏ thận và gây bệnh thận cấp. Nếu sử dụng quá thường xuyên cho trẻ, có thể khiến trẻ sau này dễ bị mắc các bệnh về thận, suy thận… ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường, quá trình phát dục của trẻ.
Một số loại kháng sinh sau khi được hấp thu vào cơ thể gây chậm phát triển xương, hỏng răng, vàng răng, có loại thì gây tổn thương nặng nề mô sụn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiều cao, sự phát triển bình thường xương khớp trẻ em.
PGS Dũng cho biết, khi trẻ bị nhiễm khuẩn, cơ thể trẻ sẽ được kích thích để sản sinh ra các cơ chế chống lại tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, nấm… Nếu trẻ mới chớm bị bệnh, phụ huynh đã cho trẻ dùng kháng sinh, lâu dài hệ miễn dịch không được kích hoạt, trẻ sẽ phụ thuộc vào kháng sinh và hệ miễn dịch ngày càng suy giảm. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh (hay còn gọi là nhờn kháng sinh), sau này khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, trẻ sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.
Sử dụng kháng sinh một cách hợp lý là cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Dưới đây là một số điều bạn có thể tham khảo để sử dụng kháng sinh đúng cách khi trẻ bị ốm, bảo vệ trẻ khỏi những tác hại do sử dụng kháng sinh không cần thiết và chống lại tình trạng kháng kháng sinh.
Chỉ dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định
Thuốc kháng sinh CHỈ điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, chẳng hạn như Viêm họng hạt, Bệnh ho gà, Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Thuốc kháng sinh KHÔNG hoạt động trên virus, thuốc kháng sinh cũng KHÔNG cần thiết đối với một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thông thường.
Uống thuốc kháng sinh khi không cần thiết sẽ không giúp ích cho tình trạng bệnh nhưng các tác dụng phụ của chúng vẫn có thể gây hại trên cơ thể trẻ. Vì vậy, chỉ bác sĩ mới có thể quyết định phương pháp điều trị tốt nhất cho trẻ khi bệnh.
Uống thuốc kháng sinh đúng theo toa thuốc được kê
Thuốc kháng sinh thường được kê dùng từ 1 đến 4 lần một ngày. Tốt nhất, bạn nên cho trẻ uống các liều cách đều nhau trong ngày và uống vào các thời điểm giống nhau mỗi ngày. Điều này giúp duy trì nồng độ thuốc ổn định trong cơ thể bạn.
Hãy nhớ: dùng đúng như những gì bác sĩ chỉ định, không chia sẻ thuốc kháng sinh được kê cho người này để dùng cho người khác, không bao giờ giữ lại thuốc kháng sinh đã dùng ở đợt điều trị trước với mục đích sử dụng lại.
Tham khảo ý kiến với bác sĩ và dược sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về thuốc kháng sinh của mình hoặc nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng nào trong khi dùng kháng sinh.
Làm gì khi quên liều
Trong hầu hết các trường hợp, bạn không nên tăng gấp đôi liều kháng sinh ở lần uống tiếp theo nếu đã bỏ lỡ quên uống một liều. Dùng liều gấp đôi thuốc kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ khác của thuốc.
Uống liều đã quên ngay khi bạn nhớ ra. Nếu nhớ ra gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua hoàn toàn liều đã quên.
Luôn tham khảo tờ rơi thông tin của nhà sản xuất đi kèm trong hộp thuốc kháng sinh của bạn, vì nó cung cấp thông tin và lời khuyên cụ thể về loại kháng sinh mà bạn đang dùng, bao gồm lời khuyên về những việc cần làm nếu bạn bỏ lỡ một liều.
Liên hệ với bác sĩ để được tư vấn nếu bạn đã bỏ lỡ nhiều liều kháng sinh hoặc quên thuốc điều trị hơn 1 ngày. Cần đặc biệt lưu ý nếu bạn đã bỏ lỡ nhiều liều do tác dụng phụ của thuốc hoặc do tình trạng bệnh thay đổi thì bạn phải gặp bác sĩ ngay.