Đặc điểm cây thành ngạnh
Cây thành ngạnh còn có tên gọi khác là lành ngạnh, cúc lương, ngành ngạnh, hay cây đỏ ngọn, mạy tiên (Tày), co kín lang (Thái), cây vàng la. Tên khoa học của cây thành ngạnh là Cratoxylon cochinchinensis (Lour.) Blume thuộc họ Hypericaceae (Nọc sởi).
Cây thành ngạnh là loại cây nhỡ hay cây to, cao 6 – 12 m, có gai ở gốc. Cành non cây thành ngạnh có lông tơ màu vàng nhạt, cành già thì nhẵn và có màu xám.
Cây thành ngạnh |
Lá thành ngạnh mọc đối, có hình mác hoặc bầu dục, phần gốc lá thuôn, đầu nhọn, lá dài 6 -11 cm, rộng 2,5 – 3,5 cm, mặt trên lá có lông nhỏ, dày hơn ở mặt dưới; lá non có màu hồng đỏ, có lông tơ; cuống lá ngắn.
Hoa thành ngạnh có màu hồng nhạt mọc riêng lẻ hoặc thành chùm nhỏ, 4-6 cái, ở kẽ lá. Quả thành ngạnh là quả nang, dài 1,5cm. Mùa ra hoa kết quả của cây thành ngạnh là vào tháng 5-7.
Cây thành ngạnh là loại cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao. Ở nước ta, cây thành ngạnh thường mọc lẫn với nhiều loại cây bụi khác ở đồi, ven rừng thưa hoặc bờ nương ở nhiều nơi thuộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Tây...,
Về thành phần hóa học, vào năm 1995, các bác sĩ thuộc Học viện Quân y đã tìm thấy hoạt chất flavonoid và tanin trong cây đỏ ngọn. Hai thành phần này có tác dụng chống oxy hóa mạnh.
Cây thành ngạnh có tác dụng gì?
Bộ phận được sử dụng làm thuốc của cây thành ngạnh là lá, vỏ thân và rễ thu hái quanh năm dùng tươi hoặc ủ rồi phơi khô.
Những tác dụng của cây thành ngạnh
Theo nghiên cứu hiện đại, trong lá thành ngạnh có tanin và flavonoid, dịch nước chiết của lá đỏ ngọn có tác dụng chống oxy hóa mạnh.
Cao thành ngạnh có công dụng hoạt hóa hệ thần kinh, trong đó có hệ thần kinh thực vật, với biểu hiện của sự tăng hàm lượng catecholamin trong máu và tăng nhẹ sóng beta trên điện não đồ ở thỏ uống thuốc.
Thí nghiệm trên động vật cho thấy dịch chiết cây thành ngạnh có tác dụng làm tăng khả năng thành lập phản xạ có điều kiện và tăng khả năng dập tắt phản xạ trên chuột nhắt trắng. Như vậy nó sẽ làm tăng các quá trình hưng phấn và ức chế có điều kiện.
Theo Y học Cổ Truyền, lá thành ngạnh có vị đắng chát, tính mát, nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tốt cho tiêu hóa. Theo kinh nghiệm dân gian, mỗi ngày có thể dùng 15 – 30g lá thành ngạnh, hoặc có thể thêm ít lá vối đun nước uống, để giúp tiêu hóa tốt hơn, giúp ăn ngon, hoặc phối hợp với lá ngải hoa vàng (thanh cao hoa vàng) sắc uống để chữa sốt, ra mồ hôi trộm, chân tay mỏi rã rời.
Ngoài ra, thành ngạnh còn được sử dụng để chữa cảm sốt, tiêu chảy, viêm ruột, khản cổ, ho mất tiếng bằng cách sử dụng lá hoặc vỏ cây để sắc nước uống.
Do cây thành ngạnh có tác dụng hạ huyết áp và chống đông máu nên cần tránh sử dụng đồng thời với các thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống đông máu, Aspirin,...
Một số bài thuốc từ cây thành ngạnh
Bài thuốc hỗ trợ tiêu hóa và kích thích vị giác cho phụ nữ sau khi sinh
Chuẩn bị: Lá thành ngạnh 15 – 30g.
Thực hiện: Rửa sạch và đun sôi uống thay trà, có thể dùng hằng ngày cho đến khi triệu chứng giảm hẳn. Với những trường hợp có triệu chứng nặng nề, nên gia thêm lá vối.
Cây thành ngành có hoa màu trắng |
Bài thuốc trị rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi và đau đầu ở người bị cao huyết áp
Chuẩn bị: Hoa hòe 15g và lá thành ngạnh 30g.
Thực hiện: Rửa sạch rồi cho vào ấm, đổ nước sôi vào hãm lấy nước uống hằng ngày.
Bài thuốc chữa cảm gây sốt cao, chân tay mỏi
Chuẩn bị: Thanh hao hoa vàng (lá ngải hoa vàng) 15g và lá cây thành ngạnh 15g.
Thực hiện: Rửa sạch dược liệu và sắc với 500ml nước còn lại 250ml. Mỗi lần uống 125ml, ngày uống 2 lần. Nên dùng khi thuốc khi còn nóng, có thể ăn cháo tía tô giải cảm để bệnh nhanh khỏi.
Bài thuốc chữa bỏng
Chuẩn bị: Nước vo gạo đặc và lá thành ngạnh tươi.
Thực hiện: Rửa sạch lá thành ngạnh rồi giã nát và trộn với nước vo gạo rồi đắp lên vùng da bị bỏng.
Bài thuốc chữa lỵ và phòng cảm nắng
Chuẩn bị: Lá thành ngạnh non.
Thực hiện: Sắc uống hằng ngày thay cho trà, nên dùng vào những ngày nắng nóng.
Thuốc sắc từ lá cây thành ngành có tác dụng chữa giảm đau nhức và mỏi sốt |
Bài thuốc chữa bí tiểu tiện
Chuẩn bị: Thân rễ mía dò 10g và lá thành ngạnh 20g.
Thực hiện: Đem dược liệu băm nhỏ rồi sắc với 400ml nước còn lại 100ml. Mỗi lần uống 50ml, ngày uống 2 lần cho đến khi tiểu tiện thông.
Bài thuốc chữa vết thương
Chuẩn bị: Vôi bột 40g, cọ nhọ nồi 50g, ngọn non thành ngạnh 60g và hạt cau già (binh lang) 30g.
Thực hiện: Đem dược liệu phơi cho khô hoàn toàn, sau đó tán thành bột và rây mịn. Phủ một lớp gạc mỏng lên vết thương rồi rắc bột vào. Thuốc bột có tác dụng hút mủ, làm khô vết thương, giảm ngứa và giúp vết thương nhanh lên da non.
Cây Thành ngạnh có công dụng giải độc cơ thể, thanh nhiệt, hỗ trợ trị xơ vữa động mạch, thiểu năng tuần hoàn não, tăng cường sức khỏe, cải thiện tim mạch
Bài thuốc hỗ trợ điều trị teo não
Chuẩn bị: Thông đất 5g, thành ngạnh 10g
Thực hiện: Đem rửa sạch, nấu cùng với 1 lít nước và uống trong ngày. Nên kiên trì thực hiện mỗi ngày 1 lần, kéo dài trên 3 tháng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc chữa ho và khàn giọng
Chuẩn bị: 20 - 30 lá cây thành ngạnh phơi khô hoặc rễ vỏ cây phơi khô.
Thực hiện: Đem hãm hoặc sắc nước uống. Nên uống thường xuyên để nhận được kết quả tốt.
Giải độc cơ thể
Lá cây thành ngạnh khô 15g đem hãm với nước sôi để uống thay trà mỗi ngày sẽ giúp thanh nhiệt.
Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả sử dụng bài thuốc tốt nhất, bà con cần được tư vấn và nhận lời khuyên từ bác sĩ để biết rõ tình trạng bệnh cũng như liều lượng sử dụng sao cho phù hợp với từng bệnh nhân.
Một số lưu ý khi sử dụng cây thành ngành để làm thuốc chữa bệnh
Trong quá trình sử dụng cây đỏ ngọn điều trị bệnh, các bạn cần chú ý:
Mặc dù là thảo dược tự nhiên có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh và khá an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các bạn chỉ nên dùng thuốc khi có sự đồng ý từ thầy thuốc. Đặc biệt, nên tuân thủ đúng liều dùng và cách sử dụng. Tuyệt đối không tự ý gia giảm liều lượng thuốc nhằm tránh làm giảm tác dụng chữa trị của thảo dược
Không sử dụng cây đỏ ngọn chung với các loại thảo dược hoặc thuốc Đông y, Nam khác,…
Bên cạnh pha trà hoặc sắc thuốc uống, có thể dùng cây thành ngạnh trong chế biến món ăn để tăng cường sức đề kháng và bồi bổ cơ thể
Cây thành ngạnh có tác dụng thanh giải nhiệt và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, để bệnh mau khỏi và đảm bảo an toàn người dùng cần kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý và dùng thuốc đều đặn theo hướng dẫn của chuyên gia.