Cảnh báo đỏ khi sử dụng nha đam để làm mát cơ thể trong mùa hè |
Nha đam hay lô hội là loài cây quen thuộc, không chỉ được dùng chế biến thức uống mà còn là một vị thuốc trong Đông y và mỹ phẩm bôi ngoài da. Tuy nhiên, nếu không dùng đúng cách có thể trở thành độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe.
Công dụng của nha đam
Nha đam thuộc họ cây xương rồng, có nhiều tên gọi khác nhau như: lô hội, long tu... và có tên khoa học là Aloe vera L var. Nha đam được dùng để làm cảnh trong gia đình rất nhiều, có khả năng chịu hạn, sống khỏe, lá đẹp xanh quanh năm. Ngoài được trồng là cây cảnh, nha đam còn được dùng làm mỹ phẩm bôi ngoài da, vị thuốc Đông y và trong ẩm thực.
Làm đẹp da
Nha đam có tác dụng trong làm đẹp da để bạn có thể sở hữu một làn da đẹp, mịn màng. Theo đó, nó cung cấp nước, bổ sung độ ẩm, dưỡng ẩm cho da. Đồng thời, với tính kháng khuẩn, chống viêm, có thể giúp làm lành và trị thâm cho các vết thương xuất hiện do mụn. Cùng với đó, có tác dụng trong việc ngăn ngừa và hạn chế một cách hiệu quả tình trạng mụn. Ngoài ra, nha đam còn có tác dụng kích thích sự tổng hợp collagen, các elastin, tăng cường tái tạo tế bào mới, chống lão hóa, ngăn ngừa nếp nhăn.
Hỗ trợ giảm cân
Lô hội có ít calo, nên những người đang ăn kiêng và thực hiện giảm cân có thể lựa chọn bổ sung loại thực phẩm này vào thực đơn của mình.
Không những vậy, nó còn có thể giúp hỗ trợ cơ thể tăng cường trao đổi chất, tăng lượng calo được đốt cháy trong ngày. Từ đó, thúc đẩy quá trình giảm cân diễn ra hiệu quả.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Đây cũng là một câu trả lời khác cho câu hỏi nha đam có tác dụng gì. Cụ thể, nha đam giúp làm giảm những triệu chứng khó chịu ở dạ dày. Cùng với đó, cũng giúp người bệnh đang mắc phải hội chứng rối loạn ruột kích thích hay bệnh viêm ruột kết và những chứng rối loạn khác có thể cải thiện tình trạng bệnh của mình.
Ngoài ra, lô hội cũng giàu một loại chất có tác dụng nhuận tràng gọi là anthraquinone. Vì thế, nó cũng được sử dụng với mục đích làm giảm tình trạng táo bón, hỗ trợ cho lợi khuẩn đường ruột hoạt động hiệu quả, kích thích nhu động ruột.
Cải thiện tình trạng rụng tóc, giúp tóc chắc khỏe
Lô hội chứa nhiều các axit amin cùng enzyme proteolytic, các loại vitamin tốt đối với tóc. Sử dụng nó giúp sức khỏe của da đầu được cải thiện một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng giúp tóc chắc khỏe, không bị khô, khắc phục tình trạng rụng tóc, thúc đẩy tóc nhanh mọc lại. Đồng thời, cũng trị gàu, ngăn ngừa các bệnh da đầu.
Giảm đau, trị loét dạ dày
Với khả năng kiểm soát sự tiết axit trong dạ dày, lô hội có thể giúp giảm đau khi gặp tình trạng ợ nóng. Đi kèm với đó, nó còn có thể giúp trị loét dạ dày, chống lại các vết loét và giữ cho chúng không trở nên lớn hơn.
Giúp điều hòa kinh nguyệt
Chu kỳ "nguyệt san" có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của phái yếu. Vì thế, bị rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều có thể khiến chị em lo lắng.
Để khắc phục tình trạng này, các chị em có thể sử dụng nha đam như uống nước ép. Bởi đây là loại thực phẩm sẽ giúp điều hòa kinh nguyệt nhờ tác dụng trong việc điều hòa hormone của cơ thể.
Các tác dụng khác
Ngoài ra, nha đam còn có các tác dụng khác như:
- Chống sâu răng, hôi miệng, ngăn ngừa bệnh nướu răng;
- Trị tình trạng khô môi, nứt nẻ để làn môi trở nên căng mọng, ẩm mịn và giúp tẩy tế bào chết hiệu quả cho da mặt và đôi môi;
- Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu;
- Thanh nhiệt, đào thải độc tố;
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống mệt mỏi;...
Lưu ý khi sử dụng nha đam
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết dù nha đam là một loại cây có dược liệu tốt nhưng có tính độc, nên vẫn cần phải cẩn trọng khi dùng. Trong Đông y, nha đam còn được dùng làm thuốc tẩy xổ với liều 1 - 2g.
Trong cây nha đam có chứa chất latex (mủ), nếu dùng liều cao sẽ không an toàn cho sức khỏe. Mủ nha đam có thể gây ra các tác dụng phụ cho người có bệnh lý về dạ dày. Nếu sử dụng mủ nha đam lâu dài, một lượng lớn mủ nha đam có thể gây tiêu chảy, các vấn đề về thận, máu trong nước tiểu, kali thấp, yếu cơ, giảm cân và rối loạn tim. Thậm chí, nếu uống 1g nha đam mỗi ngày trong vài ngày có thể gây tử vong.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay do nha đam có tính độc nên cần phải cẩn trọng khi dùng. Người có bệnh về tim mạch không nên dùng nha đam vì sẽ có nguy cơ gây loạn nhịp tim. Đặc biệt, phụ nữ có thai không nên sử dụng nha đam vì tiềm ẩn nguy cơ gây sẩy thai.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra chất aloin trong phần lá của nha đam có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho gan, đại trực tràng. Điều này xảy ra ở những người quá mẫn cảm với aloin.
Để sử dụng nha đam an toàn, lương y Bùi Đắc Sáng khuyến cáo:
- Khi dùng nha đam làm vị thuốc cần lưu ý sử dụng đúng với tình trạng bệnh và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Người cao tuổi nên thận trọng khi dùng nha đam.
- Phụ nữ có thai không nên dùng.
- Nha đam có tác dụng tẩy mạnh, vì vậy nên giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng hoặc người bị đi ngoài phân lỏng thì không nên dùng.