Bộ Y tế truy tìm nguồn gốc thuốc NEXIUM® giả Báo động đỏ nhân lực điều dưỡng Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc yêu cầu kiểm soát dịch COVID-19, sốt xuất huyết |
Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh thời tiết bất thường và mùa du lịch cận kề
Ngày 25/5, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo về nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới, trong bối cảnh tình hình dịch tễ toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Dù Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, song số ca mắc một số bệnh truyền nhiễm như COVID-19, sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng trở lại tại một số địa phương, đặc biệt từ đầu tháng 5 đến nay.
![]() |
Ngày 25/5, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo về nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới. (Ảnh minh họa) |
Điều đáng lo ngại là, dù mùa mưa chính thức chưa bắt đầu, nhiều nơi trong cả nước đã xuất hiện mưa lớn kèm theo dông lốc, sạt lở đất – những yếu tố môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và mầm bệnh phát tán. Trong khi đó, mùa cao điểm du lịch hè 2025 đang đến gần, kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu đi lại và tụ tập đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 640 ca mắc COVID-19 tại 39 tỉnh, thành phố, không có trường hợp tử vong. Hà Nội hiện dẫn đầu với 153 ca, tiếp đến là Hải Phòng (138 ca), TP.HCM (80 ca), Quảng Ninh (46 ca)... So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc giảm tới 83,7%. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, số ca có xu hướng tăng nhẹ trở lại.
Đáng chú ý, ngày 24/5, TP.HCM lần đầu phát hiện biến thể phụ NB.1.8.1 của virus SARS-CoV-2. Đây là một biến thể mới của Omicron, được ghi nhận tại 22 quốc gia trên thế giới tính đến ngày 22/5. Dù hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về mức độ lây lan hoặc độc lực của biến chủng này, song Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương cần nâng cao cảnh giác, sẵn sàng các phương án ứng phó.
Bên cạnh COVID-19, sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng đang là những mối lo ngại lớn. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần qua thành phố ghi nhận tới 916 ca tay chân miệng – tăng 40% so với mức trung bình của bốn tuần trước đó. Một số trẻ có diễn biến bệnh nặng, cần nhập viện điều trị tích cực.
Còn sốt xuất huyết đang bước vào thời điểm nhạy cảm khi mùa mưa tới gần. Bộ Y tế cảnh báo, trong ba năm gần đây, Việt Nam ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc và nhiều ca tử vong do sốt xuất huyết, khiến căn bệnh này trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng.
Chủ động các phương án ứng phó, không để bị động khi dịch bùng phát
Trước nguy cơ dịch bùng phát, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương và cơ sở y tế cần chủ động xây dựng, triển khai các phương án phòng chống dịch phù hợp. Các bệnh viện phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men, trang thiết bị y tế, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh; phân tuyến điều trị hợp lý để tránh tình trạng quá tải.
![]() |
Trước nguy cơ dịch bùng phát, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương và cơ sở y tế cần chủ động xây dựng, triển khai các phương án phòng chống dịch phù hợp.. (Ảnh minh họa) |
Các địa phương có nguy cơ cao cần bố trí các đội cơ động ứng phó nhanh, triển khai công tác phòng dịch tận cơ sở. Đặc biệt, việc giám sát và truyền thông phòng dịch phải được đẩy mạnh. Cụ thể:
Với bệnh sốt xuất huyết: Phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy ở từng tổ dân phố; lật úp, đậy kín các dụng cụ chứa nước, vệ sinh môi trường định kỳ.
Với bệnh tay chân miệng: Tăng cường vệ sinh tay, đồ chơi, vật dụng cá nhân cho trẻ nhỏ, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
Với COVID-19: Khuyến khích người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người, đặc biệt tại các khu vực kín hoặc có nguy cơ cao.
Bộ cũng yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo ngành y tế tăng cường phối hợp giữa hệ thống dự phòng và điều trị, giám sát sát sao tình hình dịch bệnh, đặc biệt với các bệnh có khả năng lây lan nhanh, phát hiện sớm ca bệnh và những dấu hiệu bất thường.
Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở, đảm bảo sự chỉ đạo từ trung ương được thực hiện đồng bộ và hiệu quả trên toàn quốc.
![]() |
![]() |
![]() |