Bộ trưởng Y tế: Cuộc chiến chống hàng giả phải quyết liệt và không khoan nhượng 13 ca COVID-19 mới: Đà Nẵng kích hoạt lại các biện pháp chống dịch Bộ Y tế truy tìm nguồn gốc thuốc NEXIUM® giả |
Tại Hội thảo Điều dưỡng Ung thư Toàn quốc lần thứ hai với chủ đề “Nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh ung thư: Từ lý thuyết đến thực hành”, tổ chức ngày 23/5 tại Bệnh viện K, TS.BS Dương Huy Lương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – đã chỉ ra thực trạng đáng báo động về nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam.
![]() |
Điều dưỡng Trưởng khoa Ngoại Thần kinh (Bệnh viện K) Nguyễn Thúy Hồng chăm sóc cho người bệnh. Ảnh: Thế Mạnh |
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng ở Việt Nam hiện chỉ đạt 11,4 trên 10.000 dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong khi đó, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ cũng đang ở mức rất thấp: chỉ dưới 2 điều dưỡng cho mỗi bác sĩ, so với mức 3–4 ở các nước phát triển và 9–10 tại Nhật Bản.
TS.BS Dương Huy Lương nhận định, tình trạng thiếu hụt này đang đẩy đội ngũ điều dưỡng – đặc biệt ở các bệnh viện tuyến cuối – vào tình thế làm việc quá tải, áp lực cao.
Bằng chứng rõ nét là nghiên cứu mới đây tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho thấy 44% điều dưỡng có dấu hiệu kiệt sức ở mức từ trung bình đến cao, nguyên nhân đến từ cường độ làm việc căng thẳng, thời gian trực kéo dài và môi trường làm việc nhiều áp lực. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, căng thẳng nghề nghiệp xuất phát từ cả yếu tố cá nhân (năng lực chuyên môn, sức khỏe thể chất, tinh thần) và tổ chức (thiếu nhân lực, thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng).
"Nhiều nơi vẫn còn quan niệm cho rằng nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sĩ", ông Lương nói. Điều này cho thấy sự kỳ thị nghề nghiệp vẫn là một rào cản lớn trong việc nâng cao vị thế điều dưỡng tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Quảng – Giám đốc Bệnh viện K – khẳng định vai trò không thể thay thế của điều dưỡng trong điều trị ung thư: "Công tác phòng chống ung thư là một thách thức lớn của ngành y tế toàn cầu. Trong đó, đội ngũ điều dưỡng đóng vai trò thiết yếu, không chỉ thực hiện kỹ thuật chuyên môn mà còn hỗ trợ tâm lý, giảm đau, quản lý tác dụng phụ và tạo điều kiện hồi phục tốt nhất cho người bệnh."
![]() |
GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K phát biểu tại hội nghị. |
Ông nhấn mạnh, điều dưỡng chiếm đến 60–70% lực lượng nhân sự tại các cơ sở y tế và là những người tiếp xúc gần gũi, thường xuyên nhất với người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Không chỉ cần kỹ năng thực hiện y lệnh chính xác, điều dưỡng ung thư còn phải có kiến thức chuyên sâu, sự nhạy bén, đồng cảm và bền bỉ tinh thần để trở thành chỗ dựa cho bệnh nhân và gia đình.
"Họ là những người hùng thầm lặng, làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại nhưng chưa được đánh giá đúng mức", giáo sư Quảng bày tỏ. Ông cũng kêu gọi việc nhìn nhận đúng vai trò của điều dưỡng qua chính sách đãi ngộ phù hợp, bảo vệ người hành nghề khỏi môi trường làm việc nguy hiểm và đặc biệt là đầu tư cho công tác điều dưỡng cả về đào tạo, trang thiết bị và cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Tại hội thảo, TS Trương Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định – nêu rõ: nhu cầu nhân lực điều dưỡng hiện nay là rất lớn, sinh viên tốt nghiệp hầu hết đều được tuyển dụng ngay. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra điểm yếu là chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về điều dưỡng ung thư tại các trường đào tạo trong nước, dẫn đến chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ông cho rằng việc cập nhật và xây dựng các chương trình đào tạo điều dưỡng chuyên ngành là cần thiết, không chỉ để tăng tính chuyên môn mà còn để đưa nghề điều dưỡng Việt Nam tiếp cận tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu.
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, ngành y tế đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. TS.BS Dương Huy Lương cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng chất lượng cao, cải thiện môi trường làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ trong chăm sóc sức khỏe.
Ông nhấn mạnh: "Ngành y tế sẽ tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cấp trang thiết bị và ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện và phát triển bền vững hệ thống y tế."
![]() |
![]() |
![]() |