Kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường dược phẩm và thực phẩm chức năng
![]() |
Lực lượng công an kiểm tra thuốc tân dược giả. |
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1703/QĐ-BYT về kế hoạch triển khai tháng cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chiến dịch diễn ra từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Trong suốt một tháng, Bộ Y tế tập trung siết chặt quản lý, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền và thiết bị y tế.
Để thực hiện, nhiều tổ kiểm tra chuyên ngành đã được thành lập và phối hợp chặt chẽ giữa các cục chức năng. Cục Quản lý Dược tổ chức 5 đoàn kiểm tra, chủ yếu rà soát việc thực thi quy định pháp luật tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và phân phối dược phẩm, mỹ phẩm. Song song đó, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thành lập 2 tổ công tác chuyên sâu nhằm giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc cổ truyền, dược liệu và phòng khám y học cổ truyền, bảo đảm chất lượng, an toàn cho người sử dụng.
Cục An toàn Thực phẩm cũng triển khai 5 đoàn kiểm tra nhằm kiểm soát quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, nguyên liệu thực phẩm và sữa trên thị trường. Trong khi đó, Cục Hạ tầng và Thiết bị Y tế chịu trách nhiệm tổ chức 3 đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thiết bị y tế – lĩnh vực then chốt trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Bộ Y tế còn phối hợp với các Sở Y tế địa phương thành lập các đoàn kiểm tra chuyên trách, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các vi phạm tại địa bàn quản lý. Đồng thời, một mạng lưới giám sát toàn quốc với phạm vi rộng khắp, hiệu quả đã được xây dựng nhằm bảo đảm tính liên tục và đồng bộ trong công tác kiểm tra, xử lý. Thị trường dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng tại Việt Nam phát triển nhanh chóng, kéo theo sự gia tăng của các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả và hàng nhái.
Những sản phẩm này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm của Bộ Y tế là bước đi thiết yếu nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, củng cố niềm tin vào thị trường và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính. Tháng cao điểm cũng là dịp để các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá hiệu quả các quy định hiện hành, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý sản phẩm y tế, phù hợp với thực tiễn hội nhập và phát triển kinh tế số.
Siết chặt quản lý quảng cáo và nâng cao nhận thức cộng đồng
![]() |
Siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo các sản phẩm y tế – đặc biệt là thuốc cổ truyền và thực phẩm chức năng. |
Bên cạnh việc kiểm tra, siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo các sản phẩm y tế – đặc biệt là thuốc cổ truyền và thực phẩm chức năng – cũng là nội dung trọng tâm của tháng cao điểm. Bộ Y tế nhấn mạnh sự cần thiết trong việc kiểm tra nghiêm ngặt các hình thức quảng cáo có sự tham gia của nhà khoa học và cán bộ quản lý ngành y tế, nhằm ngăn chặn tình trạng thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật gây hiểu nhầm và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Các nhà khoa học và cán bộ ngành y tế khi tham gia quảng cáo sản phẩm bắt buộc phải ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật, không được cung cấp thông tin thiếu cơ sở khoa học hoặc chưa được kiểm chứng pháp lý. Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo gian dối, bảo vệ uy tín và sự minh bạch trong ngành y tế. Cùng với công tác kiểm tra, Bộ Y tế đẩy mạnh truyền thông cảnh báo người dân về nguy cơ sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bộ phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Hoạt động này không chỉ góp phần tạo sự minh bạch trên thị trường mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Kết thúc tháng cao điểm, Bộ Y tế sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả triển khai, từ đó rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thị trường dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế. Đây được xem là bước chuẩn bị quan trọng để chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực này, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển ngành y tế bền vững.