Những công dụng của nước ép khoai tây tươi đối với sức khỏe Nơi khác ruộng bỏ không, trồng cây này trong vụ đông bới đất ra "vàng" Loại củ bề ngoài "xấu xí" nhưng giàu sắt gấp 3 lần thịt gà |
Khoai tây chuyển màu xanh dễ gây ngộ độc |
Tại sao khoai tây chuyển sang màu xanh?
Khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, khoai tây dần xuất hiện mảng màu xanh và lan dần ra nguyên củ. Nguyên nhân chính là do sự xuất hiện của chất diệp lục ở lớp bên dưới của vỏ khoai.
Mặc dù chất diệp lục có mặt ở các loại rau xanh hay ăn hàng ngày và không gây hại đến sức khỏe, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy khoai tây đã bắt đầu sản sinh ra glycoalkaloid, hay còn được gọi là solanine.
Solanine là cơ chế bảo vệ tự nhiên của khoai tây khỏi tác nhân của tia UV, côn trùng, động vật và các loại nấm gây hại. Cơ chế hoạt động của hợp chất này chính là ức chế enzyme dẫn đến phá hủy một vài chất dẫn truyền của thần kinh. Bên cạnh đó, solanine còn gây hỏng màng tế bào và tính thấm của ruột.
Khoai tây chuyển sang màu xanh dễ gây ngộ độc
Theo tạp chí Best Life, hàm lượng solanine cao có thể gây ngộ độc cho con người. Cụ thể hơn, khi khoai tây có vỏ xanh thì tinh bột trong khoai được chuyển thành đường, lượng đường này sẽ biến đổi thành các alcaloid gọi là solanine và chaconine-alpha có hại gây nên ngộ độc khoai tây. Nếu ăn một lượng ít, các alcaloid này có thể gây nên các bệnh về đường tiêu hóa.
Hàm lượng solanine thường được chứa nhiều trong vỏ khoai tây, do đó bạn có thể gọt bớt vỏ khoai tây hoặc bỏ bớt một vài mắt nhưng cách này chỉ giảm được 30% các chất độc hại. Do đó, các chuyên gia không khuyến khích ăn và bạn nên bỏ đi những củ khoai tây đã xuất hiện các vệt xanh.
Bác sĩ Tạ Tùng Duy, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết một củ khoai tây cỡ trung bình nặng khoảng 150 g cung cấp 110 calo, không chứa natri hoặc cholesterol. Ăn cả vỏ, một củ khoai tây trung bình cung cấp 18% nhu cầu kali, 8% lượng chất xơ, 45% lượng vitamin C, 10% lượng vitamin B6 và 6% lượng sắt khuyến nghị hàng ngày.
Khoai tây có thể bảo quản được khá lâu nhưng thời gian phụ thuộc vào giống cây và điều kiện bảo quản. Bảo quản trong điều kiện không tốt, khoai tây có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh, mọc mầm, mất nước hoặc chuyển sang màu xanh. Thông thường, tùy theo giống, vỏ củ khoai tây có màu vàng, hồng, nâu hoặc tím.
"Khoai tây chuyển sang màu xanh là quá trình hoàn toàn tự nhiên nhưng cũng cảnh báo hợp chất gây hại solanine", bác sĩ Duy nói. Khi tiếp xúc với ánh sáng, củ khoai bắt đầu hình thành chất diệp lục, là một sắc tố tạo màu xanh cho thực vật. Chất diệp lục cho phép thực vật hấp thu ánh sáng mặt trời thông qua quá trình quang hợp, từ đó tạo ra carbohydrate, nước, oxy và carbon dioxide.
Ánh sáng mặt trời còn kích thích khoai tây sản xuất một số hợp chất bảo vệ chống lại tác động gây hại từ côn trùng, vi khuẩn, nấm mốc hoặc động vật. Không may, những hợp chất này cũng gây độc cho con người, theo bác sĩ Duy. Trong đó, chất độc solanine có thể ức chế một loại enzyme liên quan đến quá trình phá hủy một số chất dẫn truyền thần kinh của cơ thể, phá hủy màng tế bào, ảnh hưởng đến tính thấm của ruột.
Bình thường solanine xuất hiện mức độ thấp trong vỏ và thịt khoai tây, phần lớn tập trung ở các bộ phận khác của cây. Tuy nhiên, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc bị hư hại, củ khoai tây sản sinh ra nhiều chất này hơn. Các giống khoai tây khác nhau có độ nhạy với ánh sáng và khả năng tạo ra độc tố khác nhau. Củ có vỏ màu sáng thường dễ chuyển sang xanh hơn củ màu nâu nhạt.
Theo bác sĩ Duy, các báo cáo về những vụ ngộ độc solanine trên thế giới cho thấy liều lượng chất khoảng 1,25-2 mg/kg trọng lượng cơ thể là đủ để gây triệu chứng ngộ độc. Ngoài ra, mức độ ngộ độc còn phụ thuộc vào khả năng chịu đựng và cơ thể mỗi người.
Gọt lớp vỏ màu xanh của khoai tây thì ăn củ có bị ngộ độc không? Theo bác sĩ Duy, nồng độ solanine được tìm thấy trong vỏ, xung quanh mắt hoặc mầm khoai tây, do đó gọt vỏ sẽ giảm khoảng 30% nồng độ solanine. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa còn 70% độc tố trong phần thịt khoai. Vì vậy ngay cả khi đã gọt vỏ, bạn vẫn có thể bị ngộ độc nếu ăn. Các phương pháp chế biến như luộc, nướng hoặc chiên rán không làm giảm đáng kể lượng solanine.
Bác sĩ khuyên nếu củ khoai tây chỉ xuất hiện một vài đốm nhỏ có màu xanh lá cây, mọi người có thể gọt bỏ những phần này. Khoai tây đã chuyển sang màu xanh và có vị đắng, tốt nhất không nên sử dụng.
Bảo quản khoai tây đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa độc tố của solanine phát triển. "Bảo quản khoai tây ở nơi tối và mát mẻ, hạn chế cho tiếp xúc với ánh sáng", bác sĩ Duy nói và thêm rằng tủ lạnh cũng không phải là môi trường lý tưởng để giữ khoai tây. Một số nghiên cứu cho thấy nhiệt độ quá lạnh sẽ khiến nồng độ solanine trong khoai tây tăng lên.
Điều gì xảy ra nếu ăn phải khoai tây màu xanh?
Solanine khi ăn vào có vị đắng và gây nên cảm giác nóng, ngứa trong cổ họng. Nếu bạn lỡ ăn phải khoai tây màu xanh, cần phải liên tục theo dõi các triệu chứng ngộ độc mà solanine gây ra.
Các triệu chứng nhẹ và phổ biến bạn có thể gặp phải như đau bụng, sốt, tiêu chảy, đau đầu, nôn mửa, khó thở,...hoặc gây ra những triệu chứng nặng, trầm trọng hơn như tê liệt, co giật, hôn mê và có thể gây tử vong. Đối với các triệu chứng nhẹ có thể thuyên giảm và biến mất trong vòng 24h, hoặc đối với các triệu chứng nặng hơn, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và chữa trị.
Cách bảo quản khoai tây đúng cách
Sau khi mua khoai về, bạn nên sàng lọc và bỏ đi những củ khoai bầm dập, hư mềm để không ảnh hưởng đến những củ khác rồi cất khoai ở những nơi tối, thoáng mát như gầm tủ bếp, tầng hầm, tránh xa ánh sáng từ mặt trời, đèn điện huỳnh quang và nơi ẩm ướt để tránh tình trạng khoai mọc mầm.
Trước khi bảo quản khoai, bạn không nên rửa với nước vì sẽ khiến vỏ khoai bị ẩm và khiến các vi khuẩn “sinh sôi”, dễ làm cho khoai bị hỏng. Hãy sử dụng khăn hoặc bàn chải khô để làm sạch bớt lớp đất có trên mặt khoai.
Bạn nên sử dụng túi lưới để bảo quản khoai tây như các siêu thị hay thực hiện. Nếu không, hãy cất khoai vào túi giấy hoặc hộp có lỗ thông hơi, đặt một tờ báo giữa các củ khoai tây và đậy kín hộp bằng báo để đảm bảo sự thông thoáng.
Ở nhiệt độ 6 - 10 độ C, bạn có thể an tâm bảo quản trong nhiều tháng mà không sợ khoai nảy mầm. Theo một nghiên cứu, bảo quản khoai ở nhiệt độ mát giúp tăng 4 lần thời hạn sử dụng so với nhiệt độ phòng và vẫn giữ được hàm lượng vitamin C có trong khoai. Tuy nhiên, nhiệt độ quá thấp có thể gây ra hiện tượng ngọt khoai, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.