Về An Giang thưởng thức vị đắng “đầy mê hoặc” của đặc sản gỏi sầu đâu, ăn “quên sầu” 5 món đặc sản miền Tây ngon quên lối về Đặc sản miền Tây giòn xôm xốp, ngọt thanh "đổ bộ" Hà Nội |
Mắm sống
Nghe có vẻ khó ăn nhưng mắm sống lại là món ăn gây “nghiện" cho những ai yêu thích hương thơm của các món mắm. Không những ăn thô, mắm sống còn được chế biến theo nhiều kiểu như chưng, kho, hấp,...
Vì thế, mắm sống thường xuất hiện trong dịp ngày lễ, Tết hay đám tiệc linh đình ở miền Tây. Mắm ăn sống rất đa dạng về chủng loại. Trước khi ăn, người ta sẽ pha thêm chanh, ớt, đường, sả, tỏi để làm mất mùi tanh, cũng như giảm độ mặn của mắm.
Mắm thái cá lóc
Nếu muốn thưởng thức mắm thái cá lóc ngon, bạn nên đến Châu Đốc - thủ phủ của các loại mắm. Món này thậm chí có thể “giải cứu" cơn đói của bạn khi ăn cùng cơm trắng.
Mắm thái cá lóc được chế biến bằng cách xắt thịt cá lóc ướp với đường, tỏi và đu đủ bào nhỏ. Những cọng đu đủ giòn giòn, thịt cá lóc tan trong miệng, ăn kèm rau sống, thêm tí ớt cay cay sẽ làm cho bữa ăn của bạn trở nên tròn vị và hấp dẫn hơn.
Mắm tép
Từ lâu, mắm tép (nem mắm) được xem là món ngon đặc sắc ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh... Loại mắm này thường được trộn với đu đủ mỏ vịt, củ riềng và một số gia vị khác tùy theo khẩu vị từng người. Mắm tép vừa mang màu sắc bắt mắt, vừa có vị chua cay, ngọt ngọt đặc trưng.
Mắm cá rô đồng
Mắm cá rô đồng là hương vị đặc trưng quê hương miền Tây. Đây cũng là món được nhiều người chọn làm quà biếu tặng sau mỗi chuyến du lịch miền sông nước. Con mắm này vừa dai dai, vừa mềm thích hợp dùng với cơm trắng hoặc cuốn bánh tráng đều ngon.
Mắm đầu cá lóc
Hầu hết, người dân miền Tây thường chọn cá lóc để biến tấu nhiều loại mắm khác nhau. Thêm vào đó, họ còn tận dụng đầu cá lóc để tạo ra loại mắm có hương vị riêng. Đúng với câu dân gian “miếng ngon nhớ lâu", bạn sẽ khá ngạc nhiên khi ăn thử loại mắm này với bún hoặc dùng làm lẩu mắm đấy.
Mắm ba khía
Không ai ở miền Tây mà không biết đến mắm ba khía quen thuộc. Sau khi cắn vỡ những chiếc càng ba khía mập mạp đỏ au, bạn sẽ cảm nhận vị mằn mặn, thơm thơm khá giống với thịt cua muối.
Với những đầu bếp cao tay, món mắm ba khía có thể lên một cấp độ hoàn toàn mới làm đốn tim nhiều thực khách. Một số món bạn có thể thử như gỏi ba khía tôm khô đu đủ, ba khía trộn gỏi khế, gỏi cuốn thịt luộc chấm mắm ba khía,....
Mắm ruột cá lóc
Người ta thường chọn ruột cá lóc cỡ vừa đến lớn để làm mắm ruột. Lúc này, mắm mới có đủ độ béo và thơm ngon. Mắm ruột cá lóc sau khi ủ xong có thể chế biến theo nhiều kiểu khác nhau. Nếu ăn sống, bạn nên ăn kèm với rau thơm, ớt sừng, tạo vị cay the thé giúp ngon miệng hơn.
Hiện nay, ở chợ chỉ còn cá lóc nuôi nên càng khó tìm được ruột cá lóc đồng tự nhiên. Vì thế mà món mắm này khá đắt tiền và khó mua.
Mắm rươi
Mắm rươi thì phổ biến hơn ở vùng Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Hương vị mắm rươi rất riêng, hậu ngọt và có màu mật ong bắt mắt. Chỉ cần rắc một chút hạt tiêu vào mắm cho dậy mùi thơm hăng là đã có thể thưởng thức được rồi. Mắm rươi hợp ăn với cơm nóng hơn ăn với bún.
Mắm còng
Mắm còng là đặc sản ngon thượng hạng ở Gò Công, Tiền Giang. Mắm có vị thơm nhẹ chứ không nồng như mắm tôm. Mùi tanh và vị hơi mặn của gạch còng kết hợp cùng tỏi ớt cay cay trở nên rất hài hòa. Mắm còng được dùng làm nước chấm cho các món luộc, món nướng, gỏi cuốn hoặc dùng với bún cũng rất ngon.
Mắm cá sặc
Những con cá sặc sống tự nhiên trong nước ngọt thường được người dân dùng để làm ra món mắm đặc sản ở miền Tây. Loại mắm này thích hợp ăn sống, chưng thịt, trứng, làm lẩu mắm, mắm kho,… Thậm chí, mắm cá sặc chế biến theo cách nào cũng đều mang lại vị ngon hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, một số người không ăn được mắm sẽ cảm thấy có mùi hôi. Ngược lại, món mắm này được xem là “tuyệt phẩm” cho người sành ăn mắm.