“Phố ông đồ” sẵn sàng đón Tết
Ông đồ tại cửa hàng Hương Nam đang giới thiệu các mẫu chữ tới khách hàng. |
Sáng 20 tháng Chạp chúng tôi tìm đến phố Quốc Tử Giám hay còn được gọi với cái tên thân quen là “Phố ông đồ” thuộc phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội, không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2024 đã trở nên tất bật, nhộn nhịp.
“Phố ông đồ” có chiều dài khoảng 600m kéo dài từ phố Tôn Đức Thắng, chạy qua quần thể di tích lịch sử Văn Miếu tới đoạn giao với đường Ngô Sĩ Liên. Mặc dù còn 10 ngày nữa mới đến Tết nhưng “phố chữ” này đã rất đông du khách đổ về xin chữ với mong muốn thông qua con chữ gửi gắm tâm nguyện, mong cầu những điều tốt đẹp cho năm mới.
Theo ông đồ Bùi Minh Đạo (chủ cửa hàng Minh Đường Đạo Học tại địa chỉ 63 Quốc Tử Giám), những người viết chữ đẹp, không chỉ thể hiện sự rèn giũa luyện tập mà còn thể hiện hoa tay khéo léo. Ngày nay, viết chữ còn được nâng tầm lên thành Thư pháp, nhiều người coi chữ viết đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.
Ngày xưa, để xin chữ thầy đồ, người xin phải sắm một lễ mọn, thành tâm đến nhà. Người cho chữ cũng luôn phải trang nghiêm, tôn kính đạo học, không cho những người “thích làm sang”, chỉ cho người trọng chữ. Đến nay, việc xin chữ cũng không còn nặng nghi lễ như thuở xưa.
Ông đồ Bùi Minh Đạo tâm sự: “Có một thời gian dài, phong tục xin-cho chữ ngày xuân cũng bị mai một, chỉ còn được lưu giữ ở một vài gia đình truyền thống. Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, cùng với việc phát triển của nghệ thuật Thư pháp, phong trào xin chữ dần trở lại, đặc biệt ở một vài thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh”.
Thầy đồ Phạm Văn Tuất - chủ cửa hàng Hương Nam cho biết: “Cùng hòa chung với không khí đón Tết Nguyên đán 2024, cửa hàng của ông đã trang trí lại từ không gian cửa hàng, nghiên mực, mực, giấy, bút lông,… để đón khách thập phương đến xin chữ đầu năm”.
Theo ông Tuất, Trang phục truyền thống của ông đồ là áo dài, đội khăn đóng màu đen bên cạnh “mực tàu giấy đỏ”. Hỏi lý do tại sao tết đến thầy đồ không mặc áo dài màu đỏ hoặc màu vàng, ông Tuất cho biết, đối với ông đồ áo dài màu đỏ và màu vàng là không nên dùng vì tuy rực rỡ nhưng mặc vào bị nóng. Đặc biệt, thời xưa áo dài màu đỏ là dành cho quan, còn áo dài màu vàng để dành cho vua chúa.
Khi được hỏi giá khi xin chữ tại cửa hàng, ông Tuất chia sẻ: “Tùy vào loại giấy khách chọn để xin chữ mà giá sẽ khác nhau. Để chuẩn bị cho dịp tết cửa hàng ông đã chuẩn bị nhiều loại giấy với giá dao động từ 100.000 - 300.000 đồng. Ngoài ra, còn có nhưng loại giấy cao cấp hơn, giá từ 500. 000 - 1.000.000 đồng”.
Xin chữ theo ý tưởng của từng người
Ồng đồ Bùi Minh Đạo. |
Cũng tại cửa hàng Hương Nam, thầy đồ Lê Chí Chung cho biết: “Những chữ Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Đức, Nhẫn, Tâm, Tài, Đăng Khoa, Hoà, An, Lạc, Nhân, Học, Gia, Quý, Hành, Hòa, Duyên, Hỷ, Minh, Vinh... được xin nhiều nhất”.
Người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn... Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Lộc, chữ Tín, chữ Phát Tài... Người đi làm xin chữ Danh. Xin cho gia đình thường là chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, An. Người già thích xin chữ Phúc, chữ Thọ với mong muốn giữ phúc cho con cháu, sống khỏe để được nhìn con cháu trưởng thành. Chữ Tâm lứa tuổi nào cũng cần. Thanh niên nam nữ xin chữ: Danh, Duyên, Hiếu, Trung. Tặng bố mẹ xin chữ: Tâm, An Khang, Bình An. Ngoài ra, các bạn thanh thiếu niên đang phấn đấu, thích chữ “Việt”, chữ “Thành”, chữ “Đạt”, chữ “Đắc”.
Nhiều người thích xin chữ Nhẫn (nhẫn nại, nhẫn chịu...) nhưng không phải ai cũng hợp với chữ này. Chẳng hạn, một người mới lớn đừng nên vội vàng nhận vào mình chữ Nhẫn, bởi nó là con dao hai lưỡi. Người thành đạt treo chữ Nhẫn trước mặt để cầu luôn tỉnh táo. Người mới có việc làm cũng xin chữ Nhẫn. Nhưng trẻ mẫu giáo, học sinh thì chữ Nhẫn không hợp. Cơ quan mà treo chữ Nhẫn dễ bị hiểu nhầm là thủ tiêu đấu tranh phê bình…
Ngoài ra, nếu ông đồ thấy người đến xin chữ thực cần đến may mắn, họ sẽ cho chữ “May mắn”; hoặc sau một hồi trò chuyện, ông đồ nhận thấy người này cần hơn cả là phải biết chăm sóc mẹ mình nhiều hơn để thực sự được an lòng, ông sẽ cho chữ Hiếu. Vì thế, đối với các ông đồ ở phố, việc tư vấn cho khách chọn chữ rất quan trọng, tùy lứa tuổi, thành phần xã hội, già hay trẻ, gái hay trai mà cho chữ phù hợp.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hằng năm gia đình thường đi xin chữ để cầu may mắn, vừa như tự căn dặn bản thân cần cố gắng hơn trong năm mới. Theo anh Sơn, hình ảnh ông đồ cho chữ trên giấy đỏ mang tính hoài niệm, truyền thống, đồng thời tượng trưng cho một năm mới may mắn, thuận lợi, suôn sẻ.
Sơn chia sẻ: “Chữ mình xin không đơn giản là được viết bằng mực, mà đó còn là tâm huyết của người viết, đồng thời chứa đựng những mong ước của mình cho một năm sắp tới”.
Theo chị Lan Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) thì quan niệm rằng, việc xin chữ đầu năm ngoài cầu mong một năm mới bình an thì đó còn được coi như một nét đẹp không thể thiếu được trong những ngày đầu năm mới.
"Nét đẹp này được duy trì nhiều năm và ai cũng cảm thấy ý nghĩa. Bản thân em cũng thấy rất vui, phấn khởi khi được ông đồ cho chữ đầu năm", chị Lan Phương chia sẻ thêm.