Nghề làm nem Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Theo đó, nghề thủ công truyền thống - nghề làm nem Lai Vung (xã Tân Thành và thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Ủy ban nhân dân các cấp có di sản văn hóa phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Nghề làm nem ở huyện Lai Vung ra đời vào khoảng năm 1960. Người đầu tiên nghĩ và làm ra món nem Lai Vung là bà Nguyễn Thị Mặn (Tư Mặn) ở ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Nem chủ yếu được bà Tư làm để cúng trong dịp lễ giỗ, Tết. Bà con trong vùng ăn thử thấy ngon, lạ miệng lại có thể bảo quản dùng dần được cả tuần nên nhiều người thích thú tìm đến bà học nghề.
Các nguyên vật liệu chế biến món nem Lai Vung gồm: Thịt heo, da heo, lá vông, lá chuối, dây chuối. Đây là những nguyên liệu quen thuộc sẵn có tại địa phương kết hợp cùng một số gia vị phổ biến trong chế biến thức ăn hằng ngày tạo nên đặc sản nem Lai Vung Đồng Tháp.
Nem Lai Vung thỏa mãn thực khách ở cả thị giác, khứu giác và vị giác. Lớp thịt nem màu đỏ hồng tươi, điểm xuyết bằng hạt tiêu đen, lát tỏi trắng, lót lá vông xanh. Vị nem chua thanh mà ngọt, mặn nồng mà cay… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên món ngon hấp dẫn đi vào lòng thực khách bốn phương với câu thơ quen thuộc: “Lai Vung là xứ lạ lùng/nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say…”.
Nem Lai Vung nằm trong Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam. |
Hiện nay, thị trường tiêu thụ nem Lai Vung được phân phối lẻ ở bến xe khách ở các tỉnh miền Tây, đại lý nem bán dọc tuyến đường, quốc lộ. Nem Lai Vung có mặt trong các siêu thị Big C, Coop mart với hệ thống chi nhánh trải dài từ Bắc tới Nam, trong đó tiêu thụ mạnh nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghề làm nem Lai Vung được hình thành và phát triển hơn 60 năm, dù trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn tồn tại và phát triển. Lúc đầu chỉ có một vài hộ làm nem, đến nay, toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Giáo Thơ, Út Thẳng, Hoàng Khánh, Thanh Xuân, Thanh Sơn, Cô Hiệp… thu hút hơn 300 lao động tham gia. Tổng sản lượng nem sản xuất ra hàng trăm nghìn chiếc mỗi ngày, ước đạt trên 60 tỷ đồng/năm.
Năm 2012, nem Lai Vung được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận nằm trong top 10 đặc sản nem, chả nổi tiếng Việt Nam. Đặc biệt, năm 2013, nem Lai Vung nằm trong top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố. Một số cơ sở sản xuất nem Lai Vung đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao có mặt trong top những mặt hàng quà tặng đặc sản địa phương vang tiếng gần xa.
Hiện nay, nem Lai Vung đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp giấy chứng nhận có giá trị 10 năm cho các cơ sở sản xuất nem: Giáo Thơ (xã Tân Thành), Tư Minh (thị trấn Lai Vung), Út Thẳng (thị trấn Lai Vung) và Thúy Ngoan (thị trấn Lai Vung).
Để giữ vững thương hiệu nem Lai Vung trên thị trường, các cơ sở làm nem xây dựng cho mình thương hiệu uy tín, luôn đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chí về vệ sinh môi trường, không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường và du khách./.