Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), thông tin rằng bệnh nhân P.N.Q.K (25 tuổi) bị ngộ độc methanol đã qua đời vào chiều ngày 1/4. Đây là trường hợp nặng nhất trong nhóm 6 người đàn ông phải nhập viện cấp cứu sau chuyến du lịch.
![]() |
Các bác sĩ đang chăm sóc người bệnh. Ảnh: BVCC. |
Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân tử vong do ngộ độc methanol mức độ nặng, dẫn đến biến chứng toan chuyển hóa, tổn thương đa tạng, phù não lan tỏa gây tụt não, trụy hô hấp tuần hoàn.
Kết quả đo điện não và chụp MRI não cho thấy tổn thương nghiêm trọng, biểu hiện chết não. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ khoa Nội Thần Kinh và Hồi sức cấp cứu, các chuyên gia xác định không còn khả năng cứu chữa.
Trước đó, tối 29/3, anh P.N.Q.K cùng 5 người đàn ông khác đã uống hơn 6 chai rượu trái cây (mỗi chai 500 ml) khi đi du lịch tại Ninh Thuận. Sáng hôm sau, cả nhóm xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn ói. Nghĩ rằng do say rượu, họ tiếp tục cùng đoàn di chuyển về Tiền Giang.
Trên đường đi, triệu chứng trở nặng nên cả nhóm được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cần Giuộc (Long An), sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Long An, nam bệnh nhân có biểu hiện nặng nhất với tình trạng mê sâu, tụt huyết áp, phải thở máy, lọc máu liên tục, kết hợp dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp trước khi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết, trong chùm ca bệnh này còn một trường hợp khác (51 tuổi) cũng phải thở máy nhưng hiện đã tiến triển tốt, tỉnh táo hoàn toàn sau khi lọc máu. Bốn người còn lại nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, được lọc máu nhanh tại khoa cấp cứu để đào thải chất độc và đang hồi phục tốt.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, các bệnh nhân đều có nồng độ methanol trong máu cao vượt ngưỡng đo, kết quả xét nghiệm đều cho thấy >100 mg/dL, chứng tỏ tất cả đều "rơi vào tình trạng ngộ độc cực kỳ nặng". Thông thường, nồng độ methanol dưới 20 mg/dL đã được xác định là ngộ độc, còn từ 50 mg/dL trở lên là ngộ độc mức độ nặng, cần tiến hành lọc máu kết hợp điều trị tích cực. Do bệnh nhân nam có biểu hiện nghiêm trọng nhất nên cả nhóm được đưa vào cấp cứu kịp thời.
"Nếu chậm khoảng 2-3 giờ nữa mới được lọc máu cấp cứu thì tình trạng của 5 bệnh nhân còn lại có lẽ đã nặng hơn rất nhiều, khả năng nguy hại đến tính mạng", bác sĩ Hùng nói.
Liên quan đến vụ việc, mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận và Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phối hợp điều tra nguyên nhân, xử lý vi phạm và tăng cường các biện pháp phòng ngừa ngộ độc rượu.
Theo đó, các cơ quan chức năng được yêu cầu tập trung cứu chữa người bệnh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ, tạm dừng lưu thông sản phẩm này và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ và nấu rượu thủ công, sẽ được tăng cường nhằm ngăn chặn việc lưu thông các sản phẩm không đảm bảo an toàn.
![]() |
![]() |
![]() |