Bác sĩ chia sẻ vai trò của sữa và cách "né" sữa giả Bộ Y tế lên tiếng về vụ sữa bột giả Vụ sản xuất sữa bột giả: Hiệp hội sữa Việt Nam đề nghị 4 bộ vào cuộc |
![]() |
Cơ quan Công an bước đầu làm rõ đường dây sữa giả đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột khác nhau. |
Chiêu trò "ve sầu thoát xác"
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa bắt giam 8 bị can để điều tra về hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và sản xuất hàng giả là thực phẩm. Nhóm bị can bị cáo buộc sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả để bán ra thị trường trong suốt 4 năm, thu về gần 500 tỉ đồng. Đặc biệt, nhóm này còn vi phạm nghĩa vụ về thuế, gây thiệt hại ngân sách hàng chục tỉ đồng.
Kết quả điều tra xác định, Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường là 2 người có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Cả hai cùng bị khởi tố về hai tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma) và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood) do Hà và Cường góp vốn chính, mở nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để sản xuất các loại sữa bột giả. Ngoài ra, bị can này còn đứng ra liên kết, góp vốn, huy động cổ đông sáng lập ra hệ sinh thái gồm 9 công ty để kinh doanh, phân phối, tiêu thụ các loại sữa bột giả.
Mặc dù có vai trò chính, nhưng Hà và Cường dùng chiêu trò "ve sầu thoát xác" khi đã chuyển chức danh Giám đốc Rance Pharma và Hacofood cho hai nhân viên kinh doanh là Nguyễn Văn Tú và Nguyễn Thành Luân. Thời điểm bị bắt, Hà chỉ là cổ đông góp vốn của Hacofood và Cường là cổ đông góp vốn của Rance Pharma.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Hà và Cường vẫn chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh, tài chính, kế toán của hai công ty nêu trên. Do vậy, mọi thông tin về khách hàng, nhà phân phối, giá sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận Hà và Cường đều nắm rõ và là người quyết định.
Cảnh sát cũng xác định Hà là người trực tiếp ký vào các văn bản gửi cơ quan nhà nước, thể hiện qua các bản thuyết minh báo cáo tài chính hàng năm từ năm 2021 - 2024.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ 2021 đến nay, dưới sự thống nhất, điều hành của Hà, Cường, Đặng Trung Kiên (cổ đông góp vốn, Phó giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood) và bộ phận kế toán, hai doanh nghiệp này đã lập hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế. Hành vi trốn thuế này gây thiệt hại hơn 28 tỉ đồng ngân sách nhà nước.
Quá trình kiểm tra hệ thống sổ sách kế toán của Công ty Rance Pharma, bước đầu cảnh sát xác định tổng lợi nhuận thực tế 4 năm từ 2021-2024 là hơn 102 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ khai báo thuế 4,7 tỉ đồng, để ngoài sổ sách lợi nhuận 97,7 tỉ đồng.
Khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các bị can, cảnh sát đã thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột giả khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra.
Trốn thuế 'khủng' sao cơ quan thuế không biết?
![]() |
Kho sản xuất sữa bột giả bị công an phát hiện, triệt phá. |
Theo Thanh Niên, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, phân tích sản xuất sữa giả, đầu vào rất rẻ, giá bán thành phẩm lại rất cao, thường khoảng vài trăm nghìn đồng mỗi hộp.
"Nếu hạch toán đúng, lợi nhuận rất lớn, từ đó 20% thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải nộp cũng tăng vọt. Các doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, một để kê khai doanh thu, chi phí thực tế phục vụ nhu cầu quản trị. Hệ thống còn lại để tối ưu hóa, giúp công ty phải nộp mức thuế thấp nhất", ông Tú nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Được, ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, cơ chế quản lý thuế hiện nay là quản lý rủi ro. Doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm với số liệu của mình. Cơ chế này có nhiều lợi ích, nhưng doanh nghiệp lại lợi dụng khe hở từ sự thông thoáng của pháp luật để phạm luật.
"Kiểm tra rủi ro thì chuyện chậm phát hiện gian lận của người nộp thuế là điều khó tránh. Nếu người nộp thuế gian manh, sử dụng những thủ đoạn tinh vi cố tình trốn thuế sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý", ông Được nói.
Ông Tú còn lưu ý vấn đề, các đối tượng sản xuất, phân phối sữa giả thành lập hệ sinh thái nhiều doanh nghiệp, có thể là dạng "quân xanh quân đỏ", đưa hàng hóa bán qua, bán lại lòng vòng, thậm chí có những lô hàng bán lỗ… Đây cũng là cách để doanh nghiệp lách luật, trốn thuế.
Vị này nhấn mạnh, trong vụ việc sửa bột giả, doanh nghiệp rất khôn ngoan. Sữa được bán chủ yếu qua kênh các hộ kinh doanh cá thể như cửa hàng sữa, cửa hàng thuốc, bán online… Tiêu thụ qua các kênh này không yêu cầu phải xuất hóa đơn nên cơ quan thuế khó kiểm soát.
Bên cạnh các yếu tố khách quan, theo ông Tú, cũng cần nhìn nhận lại trách nhiệm của cơ quan thuế trong khâu thanh tra, kiểm tra.
"Doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, sự thông thoáng của của cơ chế chính sách để trốn thuế. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng chưa phát huy hết trách nhiệm", ông Tú nhấn mạnh.