Với người Việt, cúng rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng, chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán. |
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, người Việt thường coi trọng cái ban đầu vì tin rằng "đầu xuôi đuôi lọt". Do đó, không chỉ ngày đầu năm, mà tháng đầu năm cũng được coi trọng. Ngày rằm tháng giêng là ngày rằm khởi đầu của năm, người Việt thường đi chùa để cầu bình an đến mình và gia đình, mọi người xung quanh.
Vì sao rằm tháng Giêng được coi trọng?
Trong cuốn Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam (Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc, 1996), nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh cho rằng tục ta tin rằng ngày rằm tháng giêng, Đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các Phật tử.
Ngày mùng 1 là ngày đầu tháng nhưng đêm lại tối đen; còn ngày rằm lại có trăng sáng sủa. Trong một năm, ngày rằm đầu tiên là rằm tháng giêng nên người ta mới rủ nhau đi chùa.
Ông Toan Ánh kể thêm về nguồn gốc của lễ Thượng nguyên.
Theo đó, lễ Thượng nguyên còn có một cái tên cũ hơn là Tết Trạng nguyên.
Vào ngày này, nhà vua hội họp với các ông trạng để thết tiệc và mời vào vườn thượng uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ.
Tết cũng có một tên gọi khác là Tết Nguyên tiêu. Dịp này, ban đêm ở kinh thành xưa và các nơi có chăng đèn, kết hoa.
Một số nơi có bơi thuyền. Một số nơi khác có nhiều trò vui như đánh gươm, nhảy múa, cưỡi ngựa…
Có nhiều nguồn gốc khác nữa nhưng theo tác giả Toan Ánh, "dân ta làm lễ Thượng nguyên vì lòng tôn kính chư Phật, đồng thời có cúng gia tiên, Thổ Công và Thần Tài…".
Đại đức Thích Minh Phú, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó ban Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM cũng chia sẻ, ngày rằm hay còn gọi là ngày vọng, tức ngày 15 âm lịch mỗi tháng, riêng rằm tháng giêng còn được biết đến với một tên gọi khác là rằm Thượng Nguyên.
"Ngày này được xem là một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo. Do quan niệm "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng" nên vào ngày này, Phật tử cũng như những người có tâm Phật đều sẽ đến các tự viện để lễ bái, hy vọng một năm suôn sẻ, bình an", đại đức Minh Phú nói.
Ngày rằm tháng giêng, các tự viên cũng tổ chức nhiều pháp hội vào ngày lễ đặc biệt này, trong đó tiêu biểu là Pháp hội Dược Sư và tổ chức cúng thí thực, cầu quốc thái, dân an, tiêu tai, giải ách và siêu độ cho chư vị vong linh quá vãng.
Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cho biết, Phật giáo quan niệm trong năm có 4 rằm lớn là: rằm tháng giêng (Thượng Nguyên), rằm tháng 4 (Phật Đản), rằm tháng 7 (Vu Lan) và rằm tháng 10 (Hạ Nguyên).
Vào ngày rằm đầu năm, Phật tử thường đi lễ chùa, làm các việc thiện, cầu mong năm mới an lành, tốt đẹp.
Phật tử nên làm gì vào ngày rằm tháng Giêng để được may mắn, phước lành cả năm
Theo Ni trưởng Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) cho biết, ngày rằm tháng Giêng còn gọi là lễ Thượng Nguyên – thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Ngày này, mọi người thường đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến với mình và gia đạo.
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là tết Thượng Nguyên nằm trong cùng hệ thống với các tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy, địa quan xá tội) và tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười, thủy quan giải ách).
Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo, vào ngày này chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đức Phật... Nhiều người tin rằng đây là đêm Phật giáng lâm nên rằm tháng Giêng thường là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may, cúng sao giải hạn…
Việc cúng lễ trong ngày này phần lớn được tổ chức tại chùa, vì ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Vào ngày này, người Việt thường đi chùa lễ Phật để cầu mong quanh năm an lành cho bản thân và gia đình. Hoặc cũng có gia đình Việt Nam tụ tập ở nhà trưởng họ hay nhà thờ họ.
Tuy nhiên, một số người vẫn đang hiểu sai rằng chỉ cần đi lễ chùa ngày này thì mọi lỗi lầm, sai trái đều được bỏ qua để cho đón nhận nhiều điều phước lành. Thật ra không phải vậy, Ni trưởng Thích Đàm Lan khuyên mọi người cả năm cần ăn ở tích đức, làm nhiều việc thiện, tâm bình an thì mọi chuyện đều suôn sẻ.
Theo đại đức Thích Minh Phú, là Phật tử, khi đến ngày rằm tháng giêng nên ăn chay, dọn dẹp bàn thờ tại nhà, sắm nhang, hoa, đăng, trà, quả, thực, dâng cúng thập phương Phật và ông bà tổ tiên đã mất, nhằm thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân và sự kính ngưỡng đối với đức Phật.
"Nếu có thời gian, Phật tử có thể đến chùa để lễ bái, cúng dường, tham gia các khóa lễ tụng kinh hay nghe thuyết pháp để trưởng dưỡng từ tâm. Đặc biệt hãy học cách sống bao dung và tha thứ không chỉ trong ngày rằm tháng giêng mà trong mỗi phút giây của hiện tại để đạt được an lạc nơi tự thân", đại đức Thích Minh Phú nhấn mạnh.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng 2024 đầy đủ gồm những gì?
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng có thể là cỗ chay hoặc mặn. |
Tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế, thời gian của từng gia đình mà mâm lễ mỗi nhà mỗi khác, nhưng tất cả đều thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và tấm lòng thành kính, tri ân Phật, thánh, tổ tiên.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng có thể là cỗ chay hoặc mặn, hoặc cả hai - gồm cỗ mặn cúng gia tiên và cỗ chay để cúng thần linh.
Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng
Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng dâng lên gia tiên thường có 4 bát, 6 đĩa. Thông thường, 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến và mọc; 6 đĩa gồm thịt gà hoặc lợn luộc, giò/chả, nem, món xào, dưa hành, xôi hoặc bánh chưng.
Ngoài ra, mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng phải bao hàm đầy đủ các vị: Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.
Ngoài các món mặn, gia đình còn cần chuẩn bị các lễ vật: Hương, hoa, đèn nến, vàng mã, trầu cau, rượu.
Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng
Mâm cỗ chay cúng thần linh phải có 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành - màu đỏ (hành Hỏa), màu xanh (hành Mộc), màu vàng (hành Thổ), màu đen (hành thủy), màu trắng (hành kim) - và đủ 10 món, gồm các món ăn từ tứ phương - sông, núi, biển, đồng bằng.
Đặc biệt, trong mâm cỗ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Nhiều gia đình không muốn sát sinh trong ngày rằm tháng Giêng nên thường chọn mâm cỗ chay để dâng lên bàn thờ Phật và gia tiên, mong trong năm gia đình bình an, gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, gia chủ lưu ý, nên làm đồ thuần chay, không dùng đồ chay giả mặn để đảm bảo sự tôn nghiêm của lễ cúng và sự thành kính đối với thần linh, chư Phật, tổ tiên.