Thời tiết lạnh giá như những ngày qua khiến nhiều người lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình. Ngoài việc mặc quần áo ấm, có người còn thay đổi chế độ ăn uống, ăn đồ cay nóng, nhiều calo, nhiều gia vị như tỏi, ớt, gừng, tiêu… để chống lạnh. Thậm chí, có người còn uống cả các loại rượu để làm cơ thể nóng lên. Vậy những thói quen này có thực sự đúng?
Ngộ nhận về các thực phẩm làm cơ thể ấm lên
Rượu
Sau khi uống rượu, nó có thể thúc đẩy sự giãn nở của các mạch máu, khiến một lượng lớn máu chảy lên bề mặt da, do đó cơ thể sẽ cảm thấy ấm áp trong một thời gian sau khi uống. Tuy nhiên, sau vài giờ, các mạch máu không thể co lại ngay được nên nhiệt lượng trong cơ thể bị thất thoát khiến mọi người rất dễ bị lạnh, trường hợp nặng có thể gây cảm lạnh.
Thực phẩm nhiều calo
Các loại thực phẩm phổ biến có hàm lượng calo cao gồm các loại thực phẩm chiên rán, bánh mì, khoai tây chiên và món ăn có bột chiên xù, thịt mỡ… Chúng hoàn toàn không thể chống lại cái lạnh mà ngược lại, chúng sẽ đi vào cơ thể và chuyển hóa thành chất béo tích tụ, từ đó gây béo phì.
Đồ ngọt
Thực phẩm nhiều đường như đồ ăn nhẹ có vị ngọt, bánh ngọt và bánh quy mật độ dinh dưỡng thấp, ảnh hưởng đến quá trình sinh nhiệt của cơ thể. Đồng thời, nó cũng sẽ tiêu hao vitamin B trong cơ thể, khiến cơ thể dễ nổi nóng, gây ra những vấn đề sức khỏe bất ổn như đau mắt, viêm khóe môi và viêm lưỡi.
Top 5 thực phẩm giúp làm ấm cơ thể
Lauren Minchen - một Chuyên gia Dinh dưỡng đã đăng ký có trụ sở tại Thành phố New York, Hoa Kỳ đưa ra gợi ý về những loại thực phẩm có thể giúp cơ thể bạn ấm từ bên trong để đối phó với nhiệt độ thấp bên ngoài.
1. Thịt nạc
Nếu bạn luôn có bàn tay và bàn chân lạnh, bạn có thể bị thiếu sắt hoặc thiếu máu. Một số người mắc bệnh này ăn đủ chất dinh dưỡng nhưng cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ sắt; những người khác chỉ đơn giản là không ăn đủ thực phẩm giàu chất sắt.
Nếu bạn nói chuyện với bác sĩ của mình và biết rằng bạn ở trường hợp thứ 2, thì việc bổ sung thực phẩm giàu khoáng chất có thể giúp bạn ấm lên. Thịt bò nạc, thịt gia cầm và thịt lợn thăn đều phù hợp để tăng cường chất sắt cho cơ thể trong khi vẫn ít chất béo bão hòa.
Thịt bò nạc và thịt lợn nạc cung cấp khoáng chất cần thiết mà lại ít chất béo.
Minchen cho biết: Mặc dù có những nguồn dinh dưỡng từ thực vật, như ngũ cốc và đậu tăng cường chất sắt, cơ thể hấp thụ nhiều chất sắt từ thịt hơn là từ các nguồn khác. Minchen lưu ý thêm, đừng quên thêm một quả quýt vào hỗn hợp salad rau bina của bạn, vì trái cây họ cam quýt giúp cơ thể bạn hấp thụ chất sắt từ rau bina của bạn.
2. Ngũ cốc nguyên hạt và carbs phức hợp
Vì chứa nhiều chất xơ nên ngũ cốc nguyên hạt và các loại carbs phức hợp khác như khoai tây và đậu lăng cần nhiều năng lượng hơn để phân hủy so với các loại carbs đơn giản như bánh quy và bánh mì trắng. Quá trình này không chỉ giúp bạn no lâu hơn mà còn vì cơ thể đang phải làm việc rất chăm chỉ để tiêu hóa.
"Những loại thức ăn này cũng có thể làm tăng thân nhiệt," Minchen nói. Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng cho thấy, cơ thể tăng cường sự sinh nhiệt sau những bữa ăn giàu carb.
3. Gừng
Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Metabolism cho thấy loại gia vị này giúp tăng cường sinh nhiệt. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng gừng làm giảm cảm giác đói và có thể đóng một vai trò tiềm năng trong việc giảm cân.
Gừng là một loại gia vị khá quen thuộc. Nó có thể được thêm vào các món thịt, súp và thậm chí cả món sinh tố với kết quả ngon bất ngờ. Bạn cũng có thể pha trà gừng mật ong và thưởng thức mỗi tối mùa đông để giữ ấm cơ thể và giúp ngủ ngon.
4. Chuối
Minchen giải thích: Loại trái cây cực kỳ phổ biến này rất giàu vitamin B và magie, giúp tuyến giáp và tuyến thượng thận điều chỉnh nhiệt độ cơ thể trong thời tiết lạnh. Một quả chuối lớn cung cấp khoảng 10% lượng magiê trong ngày và một lượng vitamin B tốt cho sức khỏe.
Để được hưởng những lợi ích sức khỏe phong phú của chuối, hãy ăn chuối hàng ngày. Bạn có thể thêm chuối vào ngũ cốc ăn sáng của bạn hoặc ăn cùng 2 thìa bơ đậu phộng tự nhiên cho bữa ăn nhẹ buổi chiều.
5. Cà phê
Minchen giải thích: "Caffeine làm tăng quá trình trao đổi chất bằng cách kích thích giải phóng axit béo từ các mô mỡ của cơ thể, do đó có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể".
Cách đảm bảo sức khỏe trong mùa đông
Giữ ấm vùng đầu
Mùa đông là thời điểm có nhiều loại bệnh tật phát sinh, ngoài cúm và các bệnh về xương khớp, các bệnh về tim mạch, mạch máu não, hệ tiêu hóa cũng rất dễ xảy ra các vấn đề rắc rối. Vì vậy, việc giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng bàn chân, lưng, đầu và ngực là vô cùng quan trọng.
Khi ra ngoài, bạn cần đội mũ, mặc áo đủ ấm, đi giày.
Đi ngủ sớm
Trọng tâm của việc giữ gìn sức khỏe mùa đông là "ẩn mình", điều này có nghĩa là bạn nên tranh thủ đi ngủ sớm và dậy muộn hơn so với mùa hè, ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm và ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Vào mùa đông, bạn nên chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, thái cực quyền, đạp xe, chạy bộ… tác dụng kéo giãn cơ và xương, ra mồ hôi ít thì tốt hơn, không cần phải đổ mồ hôi nhiều.
Thời gian tập thể dục buổi sáng mùa đông không nên quá sớm, cần đợi đến khi mặt trời mọc mới đi ra ngoài, nên khởi động khoảng 15 phút rồi mới tập để tránh chấn thương khi chơi thể thao.