![]() |
Tỷ phú nuôi bò Trần Văn Thắng mỗi năm bán 1.000 con bò, thu về 65 tỷ đồng. |
Lang thang khắp ngoại thành nghĩ cách nuôi bò
Ông Trần Văn Thắng kể rằng, bố mẹ anh là nông dân, quanh năm chăm chỉ cấy hái rất vất vả nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Nhà anh có tới 8 anh chị em. Đến khi trưởng thành, anh từng bươn trải đủ nghề, từ đi chợ đến đi buôn lợn… để lo cho cuộc sống gia đình.
Quê anh là huyện thuần nông, mỗi khi thấy bà con thu hoạch mùa màng bỏ phí rơm rạ thấy tiếc của vô cùng. Sau đó, anh nảy ra ý định nuôi bò để tận dụng những phụ phẩm đó. Nhưng lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, anh chỉ là nuôi bò truyền thống, quy mô đàn khá nhỏ.
Đến năm 2014, khi đi lang thang khảo sát vùng chăn nuôi, anh thấy có quá nhiều khu đô thị, khu công nghiệp ở Hà Nội bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Anh vui mừng vì biết đây là cơ hội để mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi bò của mình mà không cần diện tích đất trồng cỏ.
![]() |
Sở hữu trang trại nuôi bò khủng, quay vòng 1.000 con bò mỗi năm, nhưng ông Thắng không cần trồng mét vuông cỏ nào. |
Được sự trợ giúp của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, anh nhập các giống bò ngoại chất lượng cao như bò 3B, bò Brahman... đưa vào nuôi vỗ béo, với quy mô mỗi lứa nuôi 200 con bò thịt thương phẩm. Ngoài ra, anh nuôi thêm 50 con bò sinh sản. Cứ như vậy, chỉ với 1.000m2 đất trang trại, mỗi năm anh Thắng nuôi và xuất bán được 5 lứa bò thịt (1.000 con), trong đó chủ lực là giống bò 3B.
“Xung quanh huyện Đan Phượng có rất nhiều dự án bỏ hoang, tôi đã đi một vòng và nhận thấy đây là nguồn thức ăn cho bò miễn phí. Điều này giúp tôi tăng thêm lợi nhuận và phát triển đàn bò rất tốt trong những năm qua" - ông Thắng chia sẻ.
Nhìn thấy mỏ vàng từ những dự án bỏ hoang
Theo ông Thắng cho biết: “Bình thường, để nuôi được một lượng lớn bò như vậy phải có ít nhất khoảng 50-60ha diện tích đất trồng cỏ. Còn tôi thì không có 1m2 đất trồng cỏ nào nhưng vẫn nuôi được rất nhiều bò”. Anh nói và cho biết, anh thuê 4 nhân công lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Hàng ngày, họ chỉ việc đi khắp các khu đô thị bỏ hoang cắt cỏ, sau đó chất đầy lên xe ô tô tải chở về trang trại cho bò ăn.
Nói về hiệu quả của việc tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, ông Thắng phân tích: Chăn nuôi bò không cần kỹ thuật nhiều, tuy nhiên điều khó nhất chính là nguồn thức ăn. Mỗi năm, tôi nuôi quay vòng được 1.000 con bò thương phẩm. Hiện nay trang trại của tôi chỉ có 1.000m2 trang trại, 600m2 chế biến chăn nuôi, tổng số tiền thu về khoảng 65 tỉ đồng mỗi năm (chưa trừ chi phí). Đây là điều mà mọi người nuôi bò không làm được nếu như không biết tận dụng nguồn thức ăn sẵn có.
![]() |
Chăn nuôi bò không cần kỹ thuật nhiều, tuy nhiên điều khó nhất chính là nguồn thức ăn. |
“Để có được trang trại như ngày hôm nay, tôi đã phải đi sang Thái Lan, Australia để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi bò công nghệ cao về áp dụng cho mô hình của mình…, vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa chăn nuôi ổn định”, anh Trần Văn Thắng nói.
Theo ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, với nhiều năm kinh nghiệm nuôi bò, trải qua không ít gian nan, vất vả, từ mô hình nuôi bò vỗ béo đến kinh doanh chế biến thực phẩm, hiện tại, trang trại của anh Trần Văn Thắng cho doanh thu 65 tỷ đồng mỗi năm; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập trung bình từ 6 đến 9 triệu đồng/người. Không chỉ thế, mô hình này còn góp phần hình thành và nhân rộng chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Đan Phượng.
![]() |
Để có nguồn thức ăn cho bò, các công nhân chỉ việc ra các dự án bỏ hoang cắt cỏ chất lên ô tô đưa về trang trại. |
Khát khao làm giàu và có tầm nhìn hơn người, ông Trần Văn Thắng đã phát triển trang trại nuôi bò quy mô lớn mà không cần 1m2 trồng cỏ. Những dự án bỏ hoang luôn là biểu tượng của sự lãng phí, nhưng ông Thắng lại nhìn ra nguồn tài nguyên to lớn để phát triển nghề nuôi bò. Không chỉ làm giàu cho bản thân, trang trại nuôi bò ở Thủ đô còn tạo việc làm cho nhiều lao động và gợi mở hướng làm giàu cho nhiều nông dân có khát khao học hỏi./.