Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm ước đạt 4,92 tỷ USD Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hà Lan tăng 20,2% Vải thiều Việt Nam gây “sốt” tại Hà Lan |
Quả vải Việt Nam lên kệ siêu thị Hà Lan |
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên 2021 thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.
Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu là đại diện các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tham dự.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cho biết qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp tham dự, các vấn đề doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu tập trung vào 6 nhóm nội dung chính.
Cụ thể, gồm: (1) Yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường Hà Lan đối với một số mặt hàng nông sản tươi, đồ khô, gia vị, đồ uống, thủy sản, (2) Bao bì, quy cách đóng gói nông sản tươi, đông lạnh, sấy khô nhập khẩu vào Hà Lan, (3) Bộ chứng từ xuất khẩu và thủ tục thông quan hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu vào Hà Lan, (4) Những rào cản thương mại (về thuế quan, phi thuế quan), (5) Quy tắc xuất xứ cho hàng nông sản, thủy sản vào EU để được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA và (6) Tiềm năng, dư địa thị trường Hà Lan cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Theo đó, những mặt hàng được các doanh nghiệp đề cập bao gồm trái cây tươi (bưởi da xanh, chanh, chuối, nhãn), trái cây chế biến (đông lạnh IQF, sấy khô, xay nhuyễn, cô đặc), bột rau sấy lạnh (cần tây, cải bó xôi, rau má...), nấm mối đen, hạt điều chế biến, thủy sản (tôm thẻ, tôm sú…).
Bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan |
Tại phiên tư vấn, bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan và ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu LTP (Hà Lan) đã giải đáp hơn 20 câu hỏi liên quan tới 6 nhóm vấn đề doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nêu trên.
Bà Diệp cho biết, Hà Lan là thị trường mở, không có bất cứ ưu tiên hoặc hạn chế hàng nông sản, thủy sản từ quốc gia nào. Họ sẵn sàng nhập khẩu những mặt hàng đáp ứng được tiêu chuẩn của Châu Âu nói chung, của thị trường Hà Lan nói riêng và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng nơi đây.
Từ tháng 8/2020, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) mà Hà Lan là thành viên, đã triển khai Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), có nhiều ưu đãi về thuế, mang lại nhiều cơ hội và thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng hóa sang các nước này.
Tư vấn xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Hà Lan |
Cũng theo bà Diệp, hiện các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực thuộc Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đang cấp C/O ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu đi EU. Các thông tin này được công khai đăng tải trên website Bộ Công Thương. Từ tháng 8/2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vận dụng tốt C/O này để được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu hàng hóa vào Hà Lan.
Khẳng định hàng thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang EU từ rất lâu, có tiềm năng, thế mạnh tại Hà Lan, song bà Diệp cũng lưu ý, những năm gần đây, hàng thủy sản của Việt Nam phải cạnh tranh với thủy sản từ một số nước như Bangladesh, Ấn Độ, Ecuador…
Với mặt hàng trái cây, bà Diệp cho biết, hiện nay, đa số trái cây tươi tại Hà Lan được nhập khẩu từ Nam Mỹ do sự cạnh tranh về thời gian vận chuyển và giá.
Những thông tin trên đòi hỏi để hàng nông sản, thủy sản Việt Nam thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Hà Lan nói riêng, EU nói chung đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có tâm thức cạnh tranh, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm và giải những bài toán để cạnh tranh được về giá.
Ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu LTP (Hà Lan) |
Về phía nhà nhập khẩu, ông Phạm Văn Hiển khẳng định sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Hiển, hiện nay 50% hàng nhập khẩu của Công ty Xuất nhập khẩu LTP là sản phẩm đến từ Việt Nam. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Ông Hiển cho biết, hàng nông, thủy sản, đặc biệt là đặc sản các vùng miền của Việt Nam gần đây được người tiêu dùng Hà Lan đón nhận.
Ông Phạm Văn Hiển cũng tư vấn các doanh nghiệp về quy cách đóng gói sản phẩm. Cụ thể, với mặt hàng đồ khô, khi đóng gói cho khách bán sỉ nên đóng túi 20-25kg, nhưng đưa vào các chuỗi siêu thị chỉ nên đóng khoảng 400gr hoặc 500gr, hạt điều chế biến sấy tẩm gia vị, sấy khô có thể đóng gói 100-500gr khi bán cho siêu thị, quả bưởi da xanh cần đóng mỗi thùng 9 quả, v.v…
Theo ông Hiển, thị trường Hà Lan có những đòi hỏi về chỉ tiêu môi trường nên sẽ không nhập khẩu những sản phẩm đóng gói bằng ni lông. Vì vậy, các doanh nghiệp cần sử dụng bao bì được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường, dễ phân hủy.
Ngoài ra, ông Hiển cũng lưu ý các doanh nghiệp, đối với sản phẩm nông sản, thủy sản muốn vào được thị trường EU nói chung, Hà Lan nói riêng bắt buộc phải đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được dư lượng thuốc trừ sâu trong giới hạn cho phép (đối với hàng rau quả tươi và sấy khô).
Các đại biểu tham dự Phiên tư vấn đánh giá rất cao ý nghĩa thực tiễn của sự kiện. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trực tiếp trao đổi với đại diện thị trường của nước sở tại về những vấn đề liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm thông tin hữu ích để có chiến lược và kế hoạch phát triển xuất khẩu bài bản sang thị trương Hà Lan nói riêng và EU nói chung