![]() |
Trái bấn từ thân phận quả dại đã trở thành đặc sản xuất khẩu sang nhiều nước. |
Ở miền Tây có câu ca dao "Muốn ăn mắm sặc bần chua/Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm". Dường như con nước tháng 9 không chỉ đem đến nguồn cá tôm trù phú mà còn là mùa bội thu của các loại cây trái hoang dại. Người ta thường nhớ đến bông súng, bông điên điển nhưng quên mất rằng, trái bần cũng là một đặc sản quý giá mà thiên nhiên đã dành tặng cho vùng đất này.
Không biết bần đã có mặt từ bao đời và tại sao lại được đặt cho cái tên "thô kệch" như thế. Chỉ biết chúng là loại quả dại, thường xuất hiện ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long với hình dáng nhỏ nhắn đáng yêu. Trái bần có hình tròn dẹt tựa như bánh cam, phần đuôi nhọn và cuống có nhiều cánh tỉa ra như hình ngôi sao.
Bần còn gọi là cây thủy liễu. Trái bần xanh ăn có vị chua và hơi chát, lúc chín tới thì vừa chua, vừa thơm, ngọt. Người miền Tây thường tận dụng cả hoa và trái bần để chế biến thành những món ăn dân dã.
![]() |
Trái bần gắn với sông nước miền Tây. |
Ngoài việc chế biến thành thực phẩm, cây bần được cho là rất hữu ích trong đông y. Trái bần chua được sử dụng làm thuốc đắp vào chỗ viêm tấy vì bong gân. Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch trái lên men làm thuốc ngăn chặn chứng xuất huyết. Ở Malaysia, người ta giã lá lẫn với cơm làm thuốc đắp chữa bí tiểu tiện rất hiệu quả.
Từ loại cây bần mọc hoang mà người dân lấy trái nấu các món ăn dân dã hàng ngày, trái bần đã được bà Tư Cúc (ở ấp Long Trị, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh) chế biến ra nhiều sản phẩm ngon và lạ mắt hết ý như: mứt bần, bột bần, kẹo bần... đưa vào siêu thị và còn dò đường xuất sang Đức.Canada, Úc...
Bà kể: Đầu năm 2006, bà mở quán bán nước giải khát, quanh nhà bà đều toàn là những cây bần lớn nhỏ, bốn mùa gió đùa lá lao xao. Nhưng sức sống cây bần thật mãnh liệt, tươi tốt phơi phới quanh năm, mùa hoa trái từ tháng 4 đến hết tháng 2 năm sau. Bần nhiều quá chín rơi rụng trước sân nhà. Bà Cúc nói: “Bần là trái nhà nghèo, hồi đó ít ai thèm ăn. Nhưng rồi chợt có khách vào quán nghỉ chân gợi ý – trái bần chín có làm được món ngon gì không?’’.
![]() |
Bà Tư Cúc người tiên phong đưa trái bần xuất khẩu. |
Thế là từ đó bà Cúc nảy ra ý tưởng chế biến món ăn từ... trái bần. Vốn ban đầu gần 3 chỉ vàng, bà mở quán ăn với món "độc chiêu" lẩu bần chín với cá bông lau được nhiều người ăn khen ngon đáo để. Thế nhưng trái bần nào có giữ được lâu, sang tháng mùa nghịch bần chưa ra trái thì lấy đâu ra bần nấu bán? Câu hỏi khó đó thôi thúc bà Cúc nghĩ tìm cách.
Rồi bà cũng có cách. Bà xay bần chín thành bột, dùng lửa nhỏ để sên, thêm muối, ớt, bột ngọt và cho vào keo để dự trữ những tháng trái mùa. Làm như thế có thể bảo quản được một đến hai tháng. Chưa dừng lại, đến năm 2007 bà chế biến thêm món bần chín với đường làm món giải khát, rất ngon với mùi thơm và vị chua chua. Lần lượt các món mứt bần, kẹo bần ra đời. Tiếng gần đồn xa. Sản phẩm mứt bần của bà được siêu thị đặt hàng. Từ một trái cây hoang dã tưởng chừng như bỏ đi nhưng bà Cúc đã hái ra tiền.
Sản phẩm từ trái bần của bà tiện lợi chế biến món ăn trong gia đình nên ai cũng thích dùng. Gần đây sản phẩm từ bần của bà Cúc còn tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm theo các chợ phiên đưa hàng Việt về nông thôn ở tỉnh Trà Vinh. Hiện nay mỗi ngày, cơ sở của bà sản xuất khoảng 3000 hộp mứt bần và bột bần, với giá bán 16.000đ/hộp.
Số lượng hàng cung cấp ngày càng nhiều nên bà Cúc phải thu mua bần từ những người đi hái, giá 6.000 – 8.000đ/kg. Công việc làm ăn thuận lợi không chỉ giúp gia đình bà có thu nhập cao mà còn tạo công ăn việc làm cho con em ở cù lao.
![]() |
Những sản phẩm chế biến sâu từ trái bần. |
Chuyện sản phẩm bần của bà Cúc xuất ngoại cũng hết sức tình cờ, theo bà Cúc, lần đầu tiên sản phẩm bần của bà được đi ra nước ngoài là nhờ một Việt kiều Đức. Qua tivi, người đàn ông này thấy cảnh bà Cúc chế biến trái bần thành bột nấu lẩu và mứt bần được nhiều người ưa chuộng. Ông liền liên hệ với một người em ở Trà Vinh qua cơ sở của bà Cúc lấy liền 50 hũ chuyển sang Đức cho ông dùng thử ở quán ăn của mình. Cũng từ đó ông là khách hàng ngoại quốc thường xuyên của bà.
Bà Cúc cho biết, mấy năm nay có nhiều đối tác ở TP.HCM đến cơ sở của bà để tìm hiểu sản phẩm nhằm mục đích hợp tác ký kết hợp đồng xuất khẩu sang nước ngoài với số lượng lớn. Hiện sản phẩm chế biến từ trái bần do bà làm ra đã trở thành thương hiệu độc quyền, được bày bán nhiều trong siêu thị trên cả nước. Hiện đã có đối tác hợp đồng xuất sang các nước Úc, Canada, Đức, Lào và Campuchia.
Cứ ngỡ trái cây mang tiềng nghèo này sẽ chỉ gói gọn trong ẩm thực vùng quê nhưng bần đã vươn mình đến nhiều vùng đất trên thế giới. Thực khách Việt kiều cứ mãi vấn vương hương vị này nên đã mang chúng sang tận Úc, Mỹ, Canada. Khi trái bần từ vùng quê tới khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu đã đem lại cơ hội tăng thu nhập cho người dân./.