Những thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản dịp cuối năm Tinh bột sắn Việt Nam gây sốt thị trường xuất khẩu Trung Quốc Người trồng bưởi gặp khó khi bưởi đỏ Trung Quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam |
Những tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu trái cây, rau củ quả sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn. |
Nghịch lý xuất giảm, nhập tăng
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 9 tháng năm 2022, xuất khẩu trái cây, rau của Việt Nam đạt 2,45 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh.
Từ nay đến cuối năm, nhiều loại trái cây của Việt Nam như: chuối, thanh long, dưa hấu, bưởi, xoài, mít… sẽ vào cao điểm thu hoạch và thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường này đang đặt ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật gắt gao hơn để kiểm soát trái cây, rau củ nhập khẩu.
Từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại trái cây trong nước giảm sâu, thậm chí nhiều thời điểm không tiêu thụ được do Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu. Thời gian qua, hàng trăm ha thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bị nông dân đồng loạt chặt bỏ vì càng để càng thua lỗ.
Thanh long là loại nông sản xuất khẩu chủ lực sang thị trường Trung Quốc. |
Ông Đoàn Trung Ngọc, chủ cơ sở thu mua và đóng thanh long xuất khẩu, cũng là nông dân tiên phong trồng thanh long ruột đỏ tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) chia sẻ, trước đây toàn bộ gần 10ha diện tích đất canh tác của gia đình ông đều trồng thanh long ruột đỏ. Nhưng hiện nay, gia đình ông đã chuyển đổi gần hết diện tích này sang những cây trồng khác vì giá thanh long những năm trở lại đây thường đứng ở mức thấp, có thời điểm bán tại vườn chỉ còn 1-2 ngàn đồng/kg mà thương lái vẫn không mặn mà thu mua.
“Đặc điểm của cây thanh long cho thu hoạch nhiều đợt trong năm nên chi phí đầu tư phân, thuốc rất lớn, giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao suốt thời gian qua trở thành gánh nặng không nhỏ cho nông dân trồng thanh long” - ông Ngọc nói.
Đây cũng là tình trạng chung với nhiều loại trái cây mà thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc như: xoài, bưởi, mít… giá từ vài chục ngàn đồng/kg giảm xuống chỉ còn vài ngàn đồng/kg mỗi khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.
Vụ thu hoạch xoài trong năm 2022, các giống xoài trước đây tiêu thụ tốt, giá cao đều giảm mạnh. Cụ thể, có thời điểm cả xoài 3 mùa mưa và xoài Đài Loan bán tại vườn chỉ còn 2-3 ngàn đồng/kg, trong khi những năm trước đó, vào thời điểm xuất khẩu tốt, giá xoài Đài Loan được thương lái mua tại vườn có khi lên đến 30-40 ngàn đồng/kg.
Có một nghịch lý là trái cây trong nước rơi vào cảnh ùn ứ do không tiêu thụ được nhưng nhập khẩu trái cây từ các nước vẫn tăng mạnh. Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 9 tháng năm 2022, nhập khẩu rau, trái cây ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu rau, trái cây từ Trung Quốc đạt 473 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ.
Thực tế, nhiều loại trái cây trong nước không cạnh tranh lại với hàng nhập khẩu ngay trên sân nhà. Ông Phan Thế Khánh, chủ vựa thu mua xoài tại xã Ngọc Định (H.Định Quán) nhận xét, trước đây trái xoài 3 mùa mưa, xoài Đài Loan xuất khẩu tốt đi Trung Quốc nên thường bán được với giá cao. Khi thị trường xuất khẩu gặp khó, giá bán giảm sâu chỉ vài ngàn đồng/kg nhưng vẫn rơi vào cảnh ùn ứ vì khó tiêu thụ. Trong khi đó, xoài keo Campuchia vẫn được nhập khẩu về ồ ạt bán ra thị trường cũng như được doanh nghiệp sản xuất sử dụng làm nguyên liệu chế biến.
Xuất khẩu cuối năm đối mặt với rủi ro
Trong những tháng cuối năm, nhiều cây ăn trái có diện tích lớn của Đồng Nai sẽ vào vụ thu hoạch như: chuối, xoài, bưởi… Thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng này vẫn là Trung Quốc. Rủi ro về đầu ra là rất lớn khi thị trường này đặt ra yêu cầu các vùng trồng cùng cơ sở đóng gói phải được cấp mã số truy xuất nguồn gốc với hàng loạt các yêu cầu như: trồng theo quy chuẩn an toàn, nông dân phải ghi chép, lưu trữ hồ sơ, giám sát sinh vật gây hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, chủ vựa đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) cho biết, hiện bắt đầu vào mùa thu hoạch, đóng chuối xuất khẩu. Mọi năm, thương lái thường mua trước theo kiểu bao vườn nhưng năm nay đa số đều chọn làm theo từng đơn hàng cụ thể. Khách phải đặt hàng, chốt giá rồi thương lái mới thỏa thuận giá cả, số lượng với nông dân. Có sự e dè này là do năm ngoái, rất nhiều vựa chuối đều bị thua lỗ nặng do xuất khẩu gặp khó khăn.
Việt Nam cần mở rộng những thị trường xuất khẩu tiềm năng. |
Đưa ra góc nhìn rộng hơn, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) nhận định, khởi động vụ xuất khẩu trái cây, nông sản hiện nay thuận lợi hơn vì chi phí vận chuyển đã giảm rất nhiều so với hồi đầu năm. Giá chuối xuất khẩu nông dân bán tại vườn hiện ở mức từ 7-8 ngàn đồng/kg, mức giá này nông dân đã có lợi nhuận.
Tuy nhiên, thị trường năm nay, Trung Quốc áp dụng chặt chẽ quy định về mã số vùng trồng cũng như mã số cơ sở đóng gói. Đây là một rủi ro rất lớn vì năm nay diện tích chuối cấy mô xuất khẩu tăng mạnh, trong khi diện tích chuối được cấp mã số vùng trồng còn khá hạn chế. Nếu xuất khẩu đường tiểu ngạch bị hạn chế thì rủi ro khủng hoảng đầu ra của trái chuối nói riêng, trái cây tươi nói chung là rất lớn.
Theo ông Hùng: “Tôi vừa có chuyến công tác tại châu Âu để tìm cơ hội mở rộng xuất khẩu nông sản vào những thị trường khó tính. Đi rồi mới biết, lợi thế cạnh tranh của mình ở thị trường này không lớn vì khoảng cách địa lý quá xa, chi phí lớn. HTX đang tập trung vào các thị trường gần hơn như: Nhật Bản, Hàn Quốc… và chọn hướng tăng sản lượng xuất khẩu với những khách hàng đã có chứ không chỉ tập trung mở rộng đối tượng khách hàng như trước”.
Nông sản xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc do đây là thị trường chiếm tỷ trọng lớn. Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn đơn phương đưa ra những hàng rào kỹ thuật nhằm gây bất lợi cho nông sản nhập khẩu vào nước này. Do vậy, việc mở rộng tìm kiếm những thị trường xuất khẩu tiềm năng là hướng khả quan để nông sản Việt yên tâm với đầu ra./.