Trung bình 1.000 người Việt thì có 63 người sở hữu ô tô. Ảnh: Thành Nhạn |
Theo đó, dự thảo nêu quan điểm phát triển ngành ô tô trên cơ sở “đi tắt đón đầu” các xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ của sản xuất, tiêu dùng, từ sử dụng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe tiết kiệm nhiên liệu, xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác…
Về thực trạng tiêu thụ trong nước, dẫn số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết đến hết 31/12/2010 tổng lượng xe lưu hành trên cả nước là 1,62 triệu xe các loại, tăng 7,51% so với năm 2009. Tính trên đầu người, thời điểm năm 2010, tỷ lệ sở hữu xe là khoảng 18,7 xe/1.000 dân.
Đến năm 2023 trên toàn quốc đăng ký mới 408.542 ô tô, lũy kế tổng số xe đã đăng ký tính đến cuối năm 2023 là 6,31 triệu ô tô, theo báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia.
"Mức sở hữu xe bình quân đầu người là 63 xe/1.000 dân năm 2023. Nếu chỉ tính xe du lịch dưới 9 chỗ (3,05 triệu chiếc), tỷ lệ sở hữu ô tô là 30 xe/1.000 dân. Hiện tỷ trọng xe cá nhân, gia đình và tổ chức chiếm 67% tổng lượng ô tô đang lưu hành toàn quốc", Bộ cho biết.
Bộ Công Thương đánh giá lượng xe tiêu thụ trong nước từ năm 2016 đến nay đã tăng gần gấp 2 lần, nhưng sản lượng xe lắp ráp trong nước được tiêu thụ trong giai đoạn này ít thay đổi.
"Cơ cấu tiêu thụ xe liên tục thay đổi trong mấy năm gần đây. Từ chỗ thị trường xe chủ yếu là xe sản xuất, xe nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 25-28% thì đến năm 2019 xe nhập khẩu bắt đầu tăng vọt lên 42% và từ đó tăng đều qua các năm", cơ quan quản lý cho biết.
Năm 2022, lượng xe sản xuất trong nước giảm xuống chỉ còn chiếm khoảng 55% sản lượng tiêu thụ toàn thị trường. Điều này cho thấy xe nhập khẩu đang chiếm ưu thế và sản xuất ô tô trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các nước trong khu vực.
"Thực tế giai đoạn 2018-2022, Hiệp định thương mại hàng hóa nội khối ASEAN (ATIGA) được áp dụng đã mở đường cho nhiều loại ô tô từ Thái Lan và Indonesia tràn vào Việt Nam, chiếm tỷ lệ 30-35% tổng sản lượng ô tô tiêu thụ mỗi năm tại Việt Nam", Bộ Công Thương đánh giá.
Sản xuất xe ô tô của một doanh nghiệp trong nước. |
Cơ quan quản lý đánh giá dù đạt doanh số hơn 510.000 chiếc nhưng thực tế, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa thực sự bứt ra khỏi "mác" thị trường nhỏ lẻ. Một phần lý do đến từ tỷ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn còn khá lớn và có dấu hiệu tăng mạnh trong vài năm trở lại đây.
Dự thảo đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 tăng trưởng thị trường xe ô tô bình quân từ 14 - 16%/năm, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1 - 1,1 triệu chiếc; tỉ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, năng lượng mặt trời đạt 350.000 chiếc, xe lắp ráp sản xuất trong nước đạt tốc độ tăng 18 - 20%/năm, sản lượng đạt 600.000 - 700.000 chiếc, lượng tiêu thụ năm 2023 là 302.000 chiếc.
Đến năm 2045, tăng trưởng của thị trường là 11 - 12%, tổng lượng xe đạt 5 - 5,7 triệu chiếc, gồm tỉ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, năng lượng mặt trời, nhiên liệu xanh đạt 4,3 - 4,4 triệu chiếc, chiếm 80 - 85%.
Xe lắp ráp sản xuất trong nước tăng trưởng bình quân là 13 - 14%, sản lượng đạt 4 - 4,6 triệu chiếc, chiếm 80 - 85% nhu cầu nội địa.
Dự thảo cũng đạt ra mục tiêu xuất khẩu đến năm 2030 với phương tiện vận tải, linh kiện và phụ tùng ô tô đạt 14 tỉ USD; năm 2024 đạt 36 tỉ USD.
Đến năm 2030 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ, đủ khả năng cung ứng 55 - 60% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Đến năm 2045, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 80 - 85% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Thị trường ô tô “nín thở” chờ giảm lệ phí trước bạ |
Showroom ô tô “ngóng” khách khi chính sách giảm thuế trước bạ vẫn là “ẩn số” |
VinFast bàn giao lô xe điện VF 3 đầu tiên cho khách hàng |