Người tiêu dùng đang hồi hộp chờ chính sách giảm thuế trước bạ. |
Lệ phí trước bạ là một khoản phí quan trọng trong việc thực hiện các giao dịch tài sản. Nó đảm bảo rằng việc chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản được công nhận hợp pháp và tài sản được sử dụng đúng theo quy định của pháp luật. Việc hiểu rõ quy định về lệ phí trước bạ sẽ giúp các cá nhân và tổ chức thực hiện các thủ tục một cách chính xác và đầy đủ.
Kể từ năm 2020, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô-tô lắp ráp, sản xuất trong nước. Trong hai lần trước (từ ngày 29/6 - 31/12/2020 và từ ngày 1/12/2021 - 31/5/2022) chính sách này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô-tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô-tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số. Lần gần đây nhất là đề xuất việc triển khai thực hiện từ ngày từ 1/8/2024 đến 31/2/2025.
Những ngày cuối tháng 7/2024, nhiều người tiêu dùng đang ngóng chờ chính sách để tính toán việc “mua hay không mua” nhằm hưởng ưu đãi tốt nhất.
Sở dĩ người tiêu dùng “thấp thỏm” trước chính sách giảm thuế trước bạ lần này hơn so với những lần trước là bởi cách đây chưa lâu, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là bởi lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ với sẽ vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III năm nay. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7.Tuy nhiên, đến hết ngày 30/7, việc có chính sách giảm thuế trước bạ hay không vẫn là một “ẩn số”.
Quan ngại vi phạm cam kết quốc tế
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), giải pháp giảm mức thu LPTB là biện pháp tạm thời, chỉ thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, đã được Chính phủ ban hành 3 Nghị định giảm thu lệ phí trước bạ (LPTB).
"Theo nội dung báo cáo của Bộ Tài chính, có thể khẳng định Việt Nam vi phạm cam kết về hàng hóa mà Chính phủ Việt Nam đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách giảm LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước"- Bộ KH-ĐT nêu rõ.
Bộ KH-ĐT cho rằng việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm mức thu 50% LPTB dẫn tới nguy cơ bị xử phạt do vi phạm các Hiệp định quốc tế. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính phân tích thêm lý do giảm LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm 2024. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung đánh giá việc có nên tiếp tục thực hiện chính sách giảm mức thu LPTB hay không sau khi Nghị định hết hiệu lực thi hành vào ngày 31-1-2025.
Góp ý về dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã nêu bức tranh khá khó khăn của thị trường ô tô trong các năm vừa qua và 6 tháng đầu năm 2024 khi doanh số sụt giảm đáng kể. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được kiến nghị của VAMA, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Thaco Auto về việc ban hành chính sách giảm LPTB cho khách hàng mua ôtô để kích cầu tiêu dùng một cách mạnh mẽ và hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất và kinh doanh, đảm bảo duy trì nguồn thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ôtô.
Bộ Công Thương dẫn quy định của Thỏa thuận về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU) và cho biết trường hợp Việt Nam bị kiện và kết luận vi phạm các quy định của WTO do ban hành các chính sách về mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam phải dừng ngay các biện pháp vi phạm theo các kết luận và khuyến nghị của cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) trong WTO.
"Trường hợp không thực hiện theo các kết luận và khuyến nghị trong một khoảng thời gian hợp lý, Việt Nam có thể phải bồi thường hoặc đối mặt với việc bị trả đũa từ các nước đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước"- Bộ Công Thương nêu rõ.
Cơ quan này nêu rõ ủng hộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nói riêng. Trong trường hợp tiếp tục áp dụng chính sách này trong năm 2024, Việt Nam cần có những biện pháp ngoại giao phù hợp để tránh bị ảnh hưởng uy tín với các đối tác thương mại, dẫn đến khả năng bị khiếu kiện hoặc trả đũa như đã nêu.
Về phía Bộ Tư pháp, cơ quan này khẳng định việc Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước là phù hợp với nhiệm vụ được giao và phù hợp về thẩm quyền theo quy định Luật Phí và lệ phí.
Đối với các cam kết quốc tế khi thực hiện chính sách giảm LPTB, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát kỹ các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có nguyên tắc đối xử quốc gia, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm mức thu 50% LPTB dẫn tới nguy cơ bị xử phạt do vi phạm các Hiệp định quốc tế. |
Tình hình kinh doanh xe ô tô ảm đạm
Anh Nguyễn Hoàng (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, bản thân cũng biết được thông tin sắp giảm 50% thuế ô tô trước bạ với xe sản xuất và lắp ráp trong nước nên anh dự định mua thêm 1 chiếc xe phân khúc hạng B cho vợ. Tuy nhiên, chờ suốt mấy tháng nay vẫn chưa có thông tin chính thức.
"Vợ chồng tôi cũng đi xem xe mấy nơi rồi, chờ đến ngày có thông tin chính thức là sẽ giảm thuế để mua mà mãi không thấy đâu. Mà lại mới nghe nói Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ, đề xuất cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nữa. Sợ là đã chờ đợi "công cốc" rồi", anh Hoàng nói.
Tuy vậy, anh Hoàng vẫn đang chờ thông tin chính thức từ Chính phủ. Anh vẫn hy vọng và đang "nín thở" đợi đến ngày 1/8 xem thuế trước bạ có được giảm như "lời đồn" hay không.
Khảo sát tại một số showroom ô tô ở Hà Nội thời điểm hiện tại, dù vẫn có khách hàng xem xe nhưng chủ yếu để xem ghe tư vấn, khảo giá… Lượng đặt cọc hợp đồng, chốt mua xe chưa nhiều.
Anh Trường, nhân viên bán hàng của một đại lý xe ô tô ở Hà Nội cho rằng, lùi thời gian mua xe là tâm lý chung của khách hàng khi biết được thông tin sắp giảm 50% lệ phí trước bạ.
"Một số mẫu xe lắp ráp trong nước với phân khúc hạng A, B nếu được áp dụng lệ phí trước bạ sẽ giảm được khoảng 30-40 triệu đồng. Số tiền này đủ lớn để nhiều người hoãn lại việc tậu xe của mình", anh Trường nói.
Anh Trường cũng chia sẻ, việc khách hàng mang tâm lý chờ giảm lệ phí trước bạ mới hoàn tất thủ tục thanh toán, đăng ký nhận xe đã khiến một số đại lý xe ô tô rơi vào cảnh "dở khóc, dở cười. Một số khách hàng mua xe thậm chí đặt trước 50%-70% giá trị hợp đồng nhưng chưa lấy xe, đại lý cũng chưa xuất hóa đơn. Khách hàng muốn chờ đến khi áp dụng mức thuế trước bạ mới, thì mới đến trả nốt tiền xe. Sau đó mới đi đăng ký để được hưởng lợi.
Anh Trường cho rằng, khách hàng không nên quá chú tâm vào vấn đề có giảm lệ phí trước bạ hay không, nhất là đối với những người đang cần ô tô để sử dụng ngay. Thay vào đó có thể cân nhắc lựa chọn những mẫu xe đang được hãng và hệ thống đại lý áp dụng ưu đãi, giảm giá mạnh để xả hàng hoặc giải quyết bài toán doanh số.
Trong khi đó, các hãng lắp ráp ô tô trong nước vẫn đang trông ngóng việc giảm lệ phí trước bạ để giúp thị trường ô tô và DN tăng trưởng trở lại. Đại diện hãng Toyota Việt Nam cho rằng nếu lệ phí trước bạ giảm từ ngày 1-8 như kế hoạch sẽ giúp DN ô tô giảm bớt gánh nặng về tài chính đáng kể cũng như tạo được sức hút thị trường. Mức giảm có thể không nhiều so với những ưu đãi khác nhưng giúp tâm lý người tiêu dùng thoải mái hơn.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng tin rằng việc giảm lệ phí trước bạ nếu được thực hiện sẽ rất tốt cho thị trường và nên thực hiện sớm. Bởi, giảm 50% lệ phí trước bạ cũng chỉ chiếm 5% giá trị xe, trong khi các loại thuế khác chiếm đến 50% giá trị xe nên khi lượng xe bán ra tăng lên sẽ giúp thu ngân sách tăng lên rất lớn.
Còn nếu tiếp tục trì hoãn, khách hàng có tâm lý chờ đợi, dẫn đến sức tiêu thụ chững lại, xe tồn kho tăng lên, dòng tiền của hãng cũng như khách hàng cũng đóng băng. "Luồng tiền bị tắc, kế hoạch kinh doanh không đạt, các hãng phải điều chỉnh lại kế hoạch năm sau" - đại diện VAMA phân tích.
Tính đến hết tháng 6/2024, tổng doanh số bán xe toàn thị trường tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước (159.265 xe). Theo VAMA, đây là lần giảm năm thứ 4 liên tiếp và thấp nhất cùng kỳ 4 năm vừa qua.
Con số này tiếp tục thể hiện sự sụt giảm của thị trường xe Việt dưới tác động từ tình hình kinh tế kéo theo sức mua giảm từ người dân.
Giai đoạn đầu năm 2024, thị trường xe xuống ở mức cực thấp sau đợt ưu đãi phí trước bạ lần 3 (từ 1/7-31/12/2023).
Điểm rơi thấp nhất của năm 2024 là vào tháng 2 khi chỉ có 13.666 xe bán ra, giảm 1/2 so với cùng kỳ năm trước. Doanh số tháng 3 được cải thiện nhưng vẫn khó lòng vượt mốc doanh số tháng 3/2023. Tình hình kinh doanh xe ô tô ảm đạm khiến các hãng xe buộc phải tính toán và đưa ra nhiều giải pháp để kéo doanh số.
Giảm 50% phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước |
Chính phủ ban hành Nghị định mới về lệ phí trước bạ |
Mức thu lệ phí trước bạ ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm |