Cơm Độn khoai, Độn sắn
Ngoài mỳ hạt và hạt bo bo ăn thay cơm, người ta còn độn khoai chung với cơm để ăn vì tình trạng thiếu gạo trầm trọng. Do đó cơm độn khoai đã trở thành một món ăn vô cùng quen thuộc đối với phần lớn các gia đình Việt thời bao cấp.
Thông thường chỉ nấu một ít gạo sao đó bỏ khoai, sắn vào nấu chung hoặc nấu chín cơm rồi mới độn khoai, sắn vào cùng và lúc nào khoai sắn cũng nhiều hơn cơm, có khi chỉ có khoai sắnthôi không có cơm. Đến bữa, những hạt cơm trắng chỉ xới lên dành cho người già, trẻ nhỏ. Cũng có gia đình xéo chung lẫn lộn vào nhau, nhưng cũng chỉ mỗi người 1-2 bát nhỏ mà không có nhiều.
Bánh đúc chấm tương
Ngày xưa bánh kẹo là thứ hiếm hơn lá mùa thu, thế nên đồng quà tấm bánh khi ấy chỉ gói gọn trong vài thứ dân dã như chiếc bánh đa, tấm bánh đúc mà thôi. Bánh đúc là món bánh truyền thống Việt Nam và đặc biệt phổ biến ở miền Bắc.
Món bánh đúc chấm tương xuất hiện vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XX. Bánh đúc lạc chấm tương bần là một thứ quà quê giản dị mà thân thương. Chẳng cần nguyên liệu cao sang, chỉ từ hạt gạo làng quê với sự khéo léo của các mẹ, các chị, thứ bánh này đã khiến bao người xa quê nhung nhớ.
Bánh đúc có thể ăn kèm với nhiều loại nước chấm, song dân dã và phổ biến hơn cả vẫn là bánh đúc chấm tương. Ngày nay, bánh đúc được bán nhiều ở các gánh hang rong trên phố hoặc các khu chợ Đồng Xuân, Hàng Bè nhưng nhiều nhất vẫn là ở Tây Hồ.
Cháo bẹ
Nói đến cháo bẹ, chắc hẳn nhiều người sinh ra những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỷ XX đều biết. Đây là ký ức không thể nào quên trong những ngày vất vả, đói ăn mùa giáp hạt tháng 4, tháng 5 âm lịch hằng năm. Còn đối với thế hệ trẻ ngày nay có lẽ chỉ biết cháo bẹ qua bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”.
Nói đến cháo bẹ là nói đến cuộc sống của người dân lam lũ trong những ngày giáp hạt nhưng đầy nghị lực, lạc quan vươn lên trong cuộc sống, ước mong sẽ có một mùa bội thu trong sản xuất.
Cháo bẹ được làm từ hạt ngô non còn sữa. Trước đây, hằng năm vào dịp giáp hạt, những hộ đói không có nơi vay mượn lương thực, bữa ăn hằng ngày chỉ biết vào rừng hái rau, tìm củ mài, củ từ ăn qua ngày chờ đến vụ ngô cho thu hoach. Sự mong đợi đến thành quả sản xuất, khi bắp ngô râu chuyển sang màu đen và rụng dần là bắp ngô bắt đầu mẩy hạt. Những gia đình thật sự khó khăn không có nơi vay mượn lương thực đã chọn những bắp ngô mẩy hạt về làm cháo bẹ.
Ngày nay, đời sống ở nông thôn và thị thành trở nên hưng thịnh, cháo bẹ đã trở thành món ăn đặc sản quý báu thu hút khách du lịch đến thăm non nước Cao Bằng.
Canh rau muống + cà dầm tương
Câu ca dao xưa đã từng thống kê đủ 3 thứ “quốc hồn quốc túy” của dân tộc trong một câu là:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.
Có nhiều cách kết hợp giữa tương và rau muống. Đơn giản nhất là rau muống luộc chấm tương, nước luộc rau mang đánh dấm sấu, bữa cơm có thêm cà muối nén nữa là đủ. Thời bao cấp, ông bà ta vẫn thường nấu canh rau muống tương gừng. Rau muống rửa sạch, vò dập. Nước nấu rau đổ thêm chút tương và ít muối, gừng củ đập dập, thả vào nước, khi nước sôi thì thả rau muống vào, rau chín thì tắt bếp là xong. Rau muống nấu với tương thường rất xanh, cho mùi vị riêng.
Thế còn cà dầm tương? Trước đây, ở những vùng quê, nhà nào cũng phải có một vại tương, một vại cà, đó gần như 2 thứ không thể thiếu và nhìn vào đó để mà yên tâm lúc giáp hạt. Cà ở đây là cà bát muối nén cả quả. Mùa cà, có nhiều nhà mua cả tạ, bóc núm cà một cách khéo léo, thả lên mỗi núm cà là một dúm muối, rồi nén cho chặt. Thường cà muối nén phải cả tháng mới ăn được và mặn thì cũng… rụt lưỡi. Nhưng có mặn mới để được lâu. Cách làm cổ truyền món cà dầm tương là cà được ngâm với muối trong khoảng 20-25 ngày cho bớt nước, sau đó được ngâm thẳng trong chum tương trong thời gian khoảng vài tháng.
Đọt sắn muối chua
Những năm 1975, đất nước trong thời ki bao cấp, ngô sắn được trồng rất nhiều, không chì có ở miền núi mà ngay cả đồng bằng cũng nhiều vô kể. Chúng được trồng trong vườn bờ ao và cả ngoài ruộng. Người ta luôn tận dụng hết tất cả những gì có thể ăn được vì gạo thiếu thốn, cái gì cũng khan hiếm nên tất cả đều không được bỉ sót. Ngoài củ sắn độn cơm ăn, những đọt sắn cũng được dùng để muối chua ăn như dưa muối nhưng có vị bùi bùi, ngọt ngọt đặc trưng của lá sắn.
Giờ đây, khi nhắc đến ngọn sắn muối, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ. Ngọn sắn có thể ăn không với cơm hoặc chế biến cùng các nguyên liệu như cá, chân giò, thịt hoặc lạc. Mỗi món ăn lại có hương vị đặc trưng riêng rất hấp dẫn.
Những món ăn ngày xưa, của một thời để nhớ từ những làng quê nghèo, những bữa ăn đạm bạc thiếu thốn,... tất cả đã nuôi sống cả một thế hệ của ông bà, cha mẹ ta lớn lên. Nhờ những phút giây khó khăn ấy mọi người mới trân quý cuộc sống này, trân trọng hơn những điều đang có, quý hơn những giá trị của cuộc sống, giữ gìn những gì tốt đẹp đang diễn ra.
Xem thêm