Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ tại tổ dân phố Tiên Thịnh, phường Tiền Châu, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, người chiến sĩ dân quân ngồi nhớ lại thời trai trẻ của mình, ông Nguyễn Đình Cán kể: "Năm 1966, tôi lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị 304A, rồi hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.
Ông Nguyễn Đình Cán, nguyên Trung đội trưởng đội dân quân tự vệ xã Tiền Châu, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú (nay là phường Tiền Châu, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) kể lại câu chuyện bắn rơi chiếc F111 " cánh cụp, cánh xòe" của đế quốc Mỹ. |
Gần 5 năm trời quần nhau với giặc tại đây, tôi và nhiều đồng đội đã nhiễm chất độc màu da cam/dioxin; bị những trận sốt rét rừng hạnh hạ chết đi sống lại, khiến chúng tôi không thể tiếp tục cùng đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu. Tháng 8/1971, tôi được đơn vị chuyển ra an dưỡng tại Đoàn an dưỡng thương binh bệnh binh của tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Sau đó, tôi hoàn thành nhiệm vụ được giải quyết chế độ phục viên về địa phương.
Ngày 10/9/1971 tôi nhận được giấy triệu tập ra xã Tiền Châu (nay là phường Tiền Châu) nhận nhiệm vụ chỉ huy Trung đội dân quân trực chiến bảo vệ cầu Thịnh Kỷ. Trận địa trực chiến đặt ở gò Đồng Tum giữa Thịnh Kỷ và Tiên Non cách cầu Thịnh Kỷ 500m đường chim bay”.
Mặc dù đã bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy", mái tóc nhuộm màu thời gian, nhưng ông Nguyễn Đình Cán vẫn khá nhanh nhẹn và minh mẫn cùng phong thái nghiêm nghị của người chiến sĩ cách mạng. Biết ý định của tôi muốn tìm hiểu về chiến công năm xưa của Trung đội dân quân tự vệ của xã Tiền Châu (nay là phường Tiền Châu), đôi mắt của ông bỗng ánh lên niềm vui. Nhấp một ngụm trà, hút một hơi thuốc, ánh mắt người chiến sĩ dân quân tự vệ nhìn xa xăm nhớ lại kỷ niệm và kể cho tôi rằng: “Năm đó, cái năm 1972 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, ngay trước thời điểm diễn ra Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng, chúng tôi những người dân quân tự vệ vừa có nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa tham gia huấn luyện, bảo vệ địa phương và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống”.
Theo lời của ông Cán kể, đầu năm 1972, Trung đội dân quân của xã Tiền Châu được biên chế 9 cán bộ, chiến sĩ, 3 khẩu đại liên, một số súng trường. Trung đội do ông Nguyễn Đình Cán chỉ huy gồm ông: Nguyễn Đình Cán (Trung đội trưởng), ông Nguyễn Đình Đấu (khẩu đội trưởng), ông Nguyễn văn Tiến (khẩu đội trưởng), ông ông Nguyễn văn Hữu (khẩu đội trưởng), Nguyễn Vinh Cường (chiến sĩ), ông Nguyễn Văn Minh (chiến sĩ), Bà Nguyễn Thị Yên (chiến sĩ), ông Nguyễn Văn Thiệu (chiến sĩ), ông Nguyễn Văn Thành (chiến sĩ). Trong đó có 2 đồng chí đã khuất núi là ông Nguyễn văn Tiến (khẩu đội trưởng) và ông Nguyễn Vinh Cường (chiến sĩ).
Thời gian này, đế quốc Mỹ cho máy bay ra bắn phá miền Bắc với cường độ ngày càng ác liệt, trong đó có làng Đạm Xuyên xã Tiền Châu, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú (nay là phường Tiền Châu, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Đêm 16/10/1972, Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay đánh phá vào các khu vực dân cư, các khu công nghiệp của Hải phòng, Hà Nội và Vĩnh Phúc.
“Tại làng Đạm Xuyên (xã Tiền Châu), chúng bắn 1 quả tên lửa xuống khiến thiện hại nghiêm trọng đến người và của; trong đó, có đồng chí Nguyễn Văn Trọng bị mảnh tên lửa rơi trúng đã hy sinh trong khi đi kiểm tra dân quân ở bên Dạng Vải tại làng Đạm Xuyên”, Trung đội trưởng dân quân Nguyễn Đình Cán bồi hồi nhớ lại.
Trung đội dân quân xã Tiền Châu. Ảnh tư liệu |
Căm phẫn trước tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược, mong muốn được trả thù cho dân làng và đồng chí Nguyễn Văn Trọng đã hy sinh bởi bom đạn giặc, Trung đội dân quân xã Tiền Châu do Trung đội trưởng Nguyễn Đình Cán chỉ huy từng giây, từng phút bám trụ bên ụ sáng, đôi mắt hướng lên bầu trời quê hương, sẵn sàng nhả đạn và tiêu diệt máy bay giặc.
“Thời cơ đã đến, vào khoảng 0 giờ 5 phút ngày 17/10/1972, sau tiếng còi báo động, các chiến sĩ dân quân trong trung đội phát hiện 2 chiếc máy bay của giặc đang trên đường đi gây đội ác. Chúng quần đảo liên tục trên bầu trời Hà Nội, rồi bất ngờ một chiếc lao thẳng lên khu vực dãy Tam Đảo. Vào hồi 1 giờ 5 phút, 1 chiếc máy bay của địch hạ thấp độ cao thả bom ở cầu Thịnh Kỷ, lao về đúng vị trí trận địa của trung đội. Ngay lập tức, chỉ huy trưởng Trung đội dân quân tự vệ đã lập tức ra lệnh cho các chiến sĩ nhanh chóng tính toán, xác định cự ly, vật chuẩn, khi máy bay giặc đã vào đúng vị trí vật chuẩn 1, cả trung đội đồng loạt nổ súng, tiếng đạn vang lên xé toang bầu trời lao thẳng vào quân thù. Lúc đó, tất cả 3 khẩu đội đồng loạt nhả đạn, chiếc máy bay địch đã bị bắn rơi với 26 viên đạn.
Chiếc F111 “cánh cụp cánh xòe” bốc khói, chao đảo rồi đâm đầu xuống khu vực đầm Quận, xã Tiền Châu, cách vị trí trận địa của trung đội khoảng 1km, tạo nên một tiếng nổ dữ dội, lửa bốc ngùn ngụt. Trong giây phút đặc biệt ấy, cả trung đội bỗng ôm chầm lấy nhau xúc động”, ông Nguyễn Đình Cán kể lại với niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt người chiến sĩ.
Ngay hôm sau, tin Trung đội dân quân xã Tiền Châu bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh được loan báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và cả báo chí nước ngoài. Đặc biệt, đến thời điểm ngày 17/10/1972, đây là chiếc máy bay thứ 4.000 của giặc Mỹ phải đền tội trên bầu trời miền Bắc. Do đó, chiến công này của Trung đội dân quân xã Tiền Châu trở thành một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Ông Nguyễn Đình Cán cho biết: “F111 ”Cánh cụp cánh xòe” là loại máy bay rất ưu việt, được mệnh danh là “kẻ đột nhập thần kỳ” với nhiều lợi thế: Bay nhanh, bay thấp, giỏi luồn lách, rất khó phát hiện, rất khó bắn trúng. Tuy nhiên, dù có hiện đại thế nào, ma mãnh ra sao, chúng vẫn phải đền tội bởi lưới lửa phòng không, bởi lòng căm thù giặc Mỹ và tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân và quân ta”.
Từ chiến công vang dội đó, Trung đội dân quân tự vệ xã Tiền Châu như được tiếp thêm sức mạnh, luôn chủ động, sẵn sàng trong mọi nhiệm vụ bảo vệ địa phương. Tiếp tục tham gia canh gác cầu Thịnh Kỷ, xã Tiền Châu trong chiến tranh biên giới năm 1979, bảo vệ và xây dựng địa phương vững mạnh trong thời bình.
Sau 15 năm góp sức xây dựng lực lượng dân quân địa phương vững mạnh, năm 1986, Trung đội trưởng Nguyễn Đình Cán về nghỉ chế độ. Với những đóng góp vào phong trào bảo vệ Tổ quốc và công tác an ninh địa phương, ông đã được nhận Bằng khen của Quân khu Việt Bắc và của Chủ tịch UBND tỉnh./.
Xem thêm