“Kiện tướng” gùi hàng và kỷ lục “Đi bộ một vòng trái đất”
Chúng tôi về xóm 10, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn (Nghệ An) tìm đến nhà Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Viết Sinh (sinh năm 1940). Ngôi nhà nhỏ với những chậu cây cảnh làm cho bất cứ ai ghé thăm đều có một cảm giác yên bình đến lạ. Rót bát nước chè xanh mời khách, đôi mắt bà Đinh Thị Vân ánh lên niềm tự hào khi kể về người chồng của mình...
Người lính Trường Sơn gùi 55 tấn hàng đi trọn 1 vòng trái đất với khẩu hiệu nổi tiếng: “Một viên đạn là một quân thù. Một cân hàng là đồng bào miền Nam bớt đổ máu” |
21 tuổi, chàng thanh niên của đồng ruộng Nguyễn Viết Sinh nô nức vác ba lô lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là những năm tháng chiến tranh điên cuồng của giặc Mỹ. Bữa cơm lính đầu tiên của ông là ở “lực lượng đặc biệt” của Đoàn 559, đóng chân ở miền Tây Quảng Bình.
Vào những năm tháng đó, quân ta vừa tiến vào Nam vừa mở đường trong điều kiện các phương tiện vận tải cơ giới không có. Lúc này, để vận chuyển súng đạn, thực phẩm tiếp viện cho miền Nam chỉ bằng cách gùi thồ bằng sức người. Cùng được chọn vào đơn vị đặc biệt của ông có 600 thanh niên Nghệ - Tĩnh khác. Họ đều là những thanh niên nghèo miền Trung đã quen với công việc nặng nhọc, chịu khó, chịu khổ. Công việc của những người lính giao liên lúc bấy giờ vô cùng vất vả, gian nan. Ấy vậy mà họ vẫn luôn yêu đời với niềm tin chiến thắng.
“Có những ngày ngồi hát trên bom nổ chậm để canh cho các chuyến xe của bộ đội ta đi qua được an toàn và vững tâm, tất cả anh em đều lạc quan, coi cái chết nhẹ như lông hồng”, Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh kể.
Từ huyện Lệ Thủy, Đại đội 3 của ông Nguyễn Viết Sinh hành quân lên sát biên giới Việt - Lào rồi gùi hàng qua đèo 800 sang đỉnh 1001 nhận hàng của Đại đội 2 sau đó gùi về chuyển cho Đại đội 4 mang qua giới tuyến quân sự. Công việc gùi hàng cực kỳ căng thẳng và gian khổ. Mỗi ngày, cả đi lẫn về phải cuốc bộ quãng đường hơn 40 km trong điều kiện địa hình phức tạp, rừng núi âm u, đường sá lầy lội và đủ loại côn trùng, rắn rết nguy hiểm rình rập.
Đại tá - Anh hùng Nguyễn Viết Sinh nhớ lại: Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng mỗi ngày, bình quân mỗi người trong đơn vị đều gùi được gần 30 kg hàng, riêng bản thân ông mỗi ngày gùi được từ 40 - 50 kg, thời điểm nhiều nhất là cõng 75 kg hàng trên lưng, hơn cả trọng lượng của cơ thể. Đặc biệt là vào những năm 1965, ông đã gùi đến 70-80kg với quãng đường dài 20km.
Thời tiết thuận lợi, đường đi bằng phẳng, việc cõng trên lưng gần cả trăm kg hàng như vậy quá vất vả, ấy là chưa kể địa hình nơi đây vốn là những con đèo dốc đá dựng đứng, hết sức hiểm trở gập ghềnh, ngày nắng thì như đổ lửa, ngày mưa thì té tát mặt mũi. Không những vậy, rắn rết lại rình mò khắp mỗi bước đường, bệnh tật ngày đêm đe dọa, bom đạn ẩn họa khắp nơi. Ông không thể nhớ nổi mình đã thay bao nhiêu đôi dép cao su, sờn rách bao nhiêu chiếc áo lính. Thế nhưng suốt những năm tháng khốc liệt đó, chưa một buổi phục vụ nào thiếu bóng người giao liên Nguyễn Viết Sinh.
Dấu chân hào hùng của anh "Bộ đội cụ Hồ" trên dãy Trường Sơn năm xưa |
Mùa khô 1966-1967, đơn vị ông đóng tại Mường Pìn, Lào. Mùa khô ở đây gần như không có mưa, việc tắm giặt, ăn uống rất khó khăn nhưng anh em vẫn phát động phong trào thi đua “kiện tướng” bốc vác. Đợt thi đua nào ông cũng là tấm gương điển hình trong toàn đơn vị, là nhân vật chính của các tác phẩm văn chương, báo chí ca ngợi lúc bấy giờ. Kinh ngạc trước sức mạnh phi thường của người lính giao liên ấy, chúng tôi tò mò hỏi ông có một động lực gì chăng, ông cười hiền: “Điều này là hết sức bình thường đối với cả một thế hệ như chúng tôi. Những lúc gùi hàng, anh em trong đơn vị luôn khắc ghi quyết tâm với một khẩu hiệu “Mỗi kilôgam hàng là một đồng bào miền Nam bớt đổ máu, mỗi viên đạn là một quân thù”.
Bảng thành tích của ông được xác nhận: Năm 1962 ông gùi được 13.553 kg hàng và 296 cáng thương trên đoạn đường 10.196 km. Năm 1963 gùi được 9.365 kg và khiêng 23 cáng thương trên nhiều đoạn đường dài. Năm 1964 mang vác 11.445 kg, thồ với tổng số 8.230 kg, khiêng 62 ca thương binh, trong tổng thời gian 323 ngày trên đoạn đường 10.982 km. Với thành tích đó, ngày 01/01/1967, Nguyễn Viết Sinh được Bác Hồ ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, với quân hàm Trung sỹ. Ông cũng là người anh hùng đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn lúc bấy giờ.
Ngày 21/4/2012, đại diện Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ trao Bằng kỷ lục Việt Nam cho Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh - "Người chiến sĩ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dẫn quân với đoạn đường dài nhất". Trong vòng 6 năm với 1.089 ngày làm việc, ông đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025 km, quãng đường ông đi làm nhiệm vụ gùi hàng được tính chiều dài bằng một vòng trái đất.
Nỗi niềm khắc khoải của người Anh hùng
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những năm tháng về một thời binh nghiệp hào hùng vẫn chưa phút giây nào phai mờ trong tâm trí Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh. Những kỷ niệm và cả nỗi tiếc nuối xen lẫn day dứt vẫn còn chạy dài, không nguôi ngoai mãi theo thời gian...
Chiến dịch đầu Xuân 1968, đơn vị của ông phục vụ cấp hàng hóa và gạo ở Tà Ôi (Quảng Trị). Chiến tranh ác liệt, hy sinh và trọng thương nhiều đồng đội là điều không thể tránh khỏi. Nhớ lại những ngày tháng huy hoàng nhưng cũng đầy đau thương ấy, đôi mắt người Anh hùng ngấn lệ. Những chiến sĩ bị thương được điều chuyển ra miền Bắc để điều trị. Có những đêm chiếc xe thương chở đầy 3 - 4 chục thương binh. Họ nằm dài trên xe, trải mình trên lá khô, chịu những cú xóc đau đớn suốt tuyến đường ra hậu phương tìm sự sống. Thế nhưng tang thương thay, sự sống đã bị đẩy lùi để nhường chỗ cho cái chết đầy tiếc nuối, nhiều chiến sĩ đã phải bỏ mạng dọc đường khi hình ảnh về một đất nước hòa bình, Bắc Nam sum họp đang sáng rực trong đầu, khi ước mơ được cầm súng trở lại chiến trường nhằm thẳng vào quân thù chỉ còn trong gang tấc.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh chia sẻ: "Ai ở trong hoàn cảnh đó cũng biết, mình được tuyên dương anh hùng thì biết là mình được vinh dự, thay mặt cho anh em. Thành tích là do anh em đóng góp, trong đó xây dựng cho mình...". Ảnh: Thanh Bình |
Đến tận bây giờ, nỗi đau về sự hy sinh của đồng đội vẫn luôn thường trực và nhói đau trong tim Anh hùng Nguyễn Viết Sinh. Để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh xương máu vì Độc lập Tự do cho Tổ quốc, hàng năm ông thường kêu gọi đồng đội, tổ chức những cuộc viếng thăm như: về Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Nghĩa trang Việt - Lào, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Quyết Thắng... dâng hương, tưởng niệm, thăm lại chiến trường xưa.
Suốt những năm tháng gắn bó với rừng núi Trường Sơn và nước bạn Lào, vô vàn kỷ niệm trong ông cứ sống dậy mỗi lần hoài niệm. Đói rét, nhịn ăn là chuyện thường tình nhưng không hề làm các anh nao núng. Có lúc các anh phải ăn măng rừng trừ bữa, cả tháng không biết đến vị mặn của muối là gì. Năm 1962, đơn vị ông đóng ở bên kia đường 9, do lụt lội, thức ăn tiếp tế cạn kiệt, tất cả anh em phải nhịn đói suốt một thời gian dài. Đến ngày thứ 10, đồng chí Thạnh – Phó Đoàn trưởng đoàn 559 mang đến cho anh em một lọ nhỏ khoảng 200gam muối trắng. Mọi người mừng mừng, tủi tủi chia nhau từng hạt.
Trong khó khăn, vất vả càng lấp lánh tình người, tình đồng đội. Đó không chỉ là tình cảm anh em trong nhà, trong làng quê, trong một đất nước mà đó là những tình cảm vượt qua cả ngoài biên giới. Do điều kiện chiến tranh, đơn vị bộ đội ta hoạt động ở đâu cũng phải tuyệt đối yên lặng để đảm bảo bí mật. Thấu hiểu những thiếu thốn của các chiến sĩ, đồng bào các dân tộc Lào luôn hết lòng động viên anh em bộ đội ta. Họ bí mật treo đậu, gạo, dưa ở dọc các đoạn đường bộ đội mình thường xuyên đi qua.
Anh hùng - Đại tá Nguyễn Viết Sinh thời trai trẻ (ảnh tư liệu) |
Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh xúc động: “Từ lúc lọt lòng đến khi trưởng thành gia nhập quân đội, chúng tôi đều từ tay Người Mẹ Việt Nam nuôi nấng, lúc vào chiến trường, trong khi đói khổ lại có Người Mẹ Lào. Cả hai Người Mẹ ấy đều theo tôi trong suốt cuộc đời”.
Những kỷ niệm trên dãy Trường Sơn lịch sử ấy sẽ không bao giờ kể hết. Những người anh hùng quả cảm trong chiến tranh càng không thể nào đếm xuể... Họ càng mạnh mẽ, dũng cảm trong chiến đấu bao nhiêu, thì khi hoà bình lập lại, ai cũng hiền hòa, mẫu mực, sống yêu thương, trọn nghĩa vẹn tình. Anh hùng Nguyễn Viết Sinh cũng vậy, nghỉ hưu từ những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi ngày của ông là những giây phút vui vầy bên cháu con, xóm làng. Ông sống những ngày tuổi già bình dị, là người Anh hùng làm tấm gương sáng ngời truyền thống “Anh Bộ đội cụ Hồ” và tinh thần thép "Bộ đội Trường Sơn" một thời hoa lửa.
Chiến thắng 30/4/1975 là trang sử hào hùng, mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam |
Khi lịch sử dùng 3 chữ “không điều kiện” |