Sản phẩm tràn ngập thị trường
Một trong những thương hiệu đồ chấm được nhiều người dân biết đến là Tâm Đức, hiện diện trên bàn ăn hàng vạn gia đình. Từ cửa hàng tạp hóa nhỏ cho tới các siêu thị lớn, người dân đều dễ dàng mua được các sản phẩm như nước mắm, tương ớt, nước mầu, mắm tép, mắm tôm, dấm gạo… mang tên Tâm Đức.
Các sản phẩm này do Hợp tác xã Thủy sản Tâm Đức, có địa chỉ thôn Đại Tài, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên) sản xuất. Theo lời giới thiệu trên website của Hợp tác xã Thủy sản Tâm Đức, đơn vị này được thành lập từ năm 1996 bởi các chuyên gia đầu ngành Thủy sản Việt Nam.
Tâm Đức nhận là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất nước mắm nguyên chất từ cá biển tươi theo phương pháp cổ truyền từ những vùng biển có nguồn nguyên liệu nổi tiếng là đảo Phú Quốc, biển Nha Trang và Phan Thiết. Ngoài ra Tâm Đức còn sản xuất nhiều sản phẩm truyền thống như mắm tôm Thanh Hóa, tương nếp Bần – Hưng Yên, dấm gạo Hà Nội, tương ớt và các loại rau quả đóng lọ: Măng mai vàng, cà muối, sung muối, dưa chuột v.v…
Chủ thương hiệu Tâm Đức khẳng định Tâm Đức đã gửi trọn chữ ”Tâm” của người sản xuất và chữ ”Đức’‘ của nhà kinh doanh vào từng sản phẩm. Và dù theo tay bà nội trợ đến với các bữa ăn trong từng ngôi nhà trên khắp các tỉnh thành của cả nước, nhưng liệu các sản phẩm của thương hiệu Tâm Đức có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như đã quảng cáo trên website?
Rùng mình quy trình sản xuất
Để tìm hiểu về quá trình sản xuất sản phẩm của Hợp tác xã Thủy sản Tâm Đức, phóng viên đã nhập vai công nhân lao động xâm nhập vào cơ sở sản xuất của Hợp tác xã Thủy sản Tâm Đức địa chỉ tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Nhìn bên ngoài, khó ai có thể nghĩ đây là công ty sản xuất đồ ăn và thức uống sẵn bởi bên ngoài công ty tập kết vật liệu xây dựng, bụi bặm bẩn thỉu bám đầy, từng đoàn xe ben chở vật liệu xây dựng phóng rầm rập cả ngày lẫn đêm. Thứ duy nhất giúp nhận diện cơ sở là biển hiệu có kích thước chỉ vẻn vẹn như tờ giấy A4.
Sau khi được nhận vào làm việc, như các nhân viên khác, phóng viên được phân công làm việc theo từng khâu. Đáng nói, công nhân bên trong dù ở khâu nào cũng đều không mặc đồ bảo hộ lao động. Thắc mắc về vấn đề này với người phụ nữ được cho là điều hành công việc tại đây, phóng viên nhận được câu trả lời: “Khi nào bọn cơ quan chức năng đến mới mặc”
Kinh khủng hơn, các công nhân lao động người mặc quần đùi, người áo cộc thi thoảng lại gãi tai, móc mũi rồi thản nhiên mở van rót các thành phẩm vào chai lọ. Sau đó, công nhân dùng chiếc khăn được cho là sạch sẽ lau vào miệng chai rồi nắp lại. Khăn lau miệng chai bẩn rồi, người này quệt xuống đất, vò qua dưới xô nước và lại dùng tiếp.
Chiếc khăn được công nhân lau xuống sàn rồi giặt và dùng tiếp
Vào trong nơi sản xuất nước màu, nước mắm, tương ớt, … phóng viên rung mình khi chứng kiến cảnh tượng bẩn thỉu, lộn xộn tại đây. Bẫy ruồi muỗi được đặt khắp nơi. Khu vực được cho là kho nguyên liệu cũng lộm nhộm, ngổn ngang bám đầy bụi bặm.
Tưởng chừng những nơi này đảm bảo vệ sinh, nhưng ruồi nhặng vẫn xuất hiện tại các phòng sản xuất
Đặc biệt, theo nhãn mác và lời giới thiệu của cơ sở này, tất cả sản phẩm từ thiên nhiên và nguyên chất nhưng phóng viên phát hiện bên trong khu sản xuất lại có những can dung dịch nghi là hóa chất, bên trên toàn chữ nước ngoài.
Ngày 28/7, phóng viên được phân công làm dán tem mác vào bắn date ngày sản xuất - hạn sử dụng trên các chai nước mầu. Không biết các sản phẩm này được sản xuất bao giờ nhưng ngày sản xuất lại in ngày 1/8. Tức thời điểm in ngày sản xuất còn trước cả ngày được ghi trên bao bì 4 đến 5 ngày.
Lạ lùng trong quy trình dán tem mác và in ngày sản xuất hạn sự dụng
Trao đổi với công nhân làm việc tại đây về các sản phẩm liên quan nước mắm nhiều chủng loại, đặc biệt là các chai mắm chắt nhìn bắt mắt, phóng viên nhận câu trả lời "Lấy đâu ra mắm nguyên chất, pha hết e ạ".
Với những hình ảnh, thông tin phóng viên thu thập được về quy trình sản xuất sản phẩm bên trong cơ sở của Hợp tác xã Thủy sản Tâm Đức, phóng viên đặt câu hỏi liệu cơ sở này có đảm bảo vệ sinh thực phẩm?
Sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng, chịu hậu quả không ai khác chính là người tiêu dùng. Vậy ai chịu trách nhiệm khi lòng tin của người dân bị lợi dụng, sức khỏe của người dân bị tổn hại? Câu hỏi này chúng tôi xin dành cho cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên.
Đình Trọng