Theo kế hoạch, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020 và điều này sẽ góp phần quan trọng tạo “cú hích” lớn để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU. Cụ thể, xuất khẩu tăng 42,7% vào 2025, 44,4% vào 2030; đầu tư từ EU, các nước khác gia tăng để tận dụng EVFTA; cải cách thể chế tiếp tục được đẩy mạnh nhờ các cam kết của hiệp định; EVFTA có tác động lớn đến xã hội, dự kiến tạo ra 146.000 việc làm/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ hội của EVFTA mang lại sẽ song hành cùng khó khăn và thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến SHTT.
Các vấn đề liên quan đến SHTT có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
Tại Hội thảo: “CPTPP&EVFTA: Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp Việt” TS. Võ Chí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh (BCSI) cho biết: Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs). Trong đó, hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có mức độ tự do hóa thương mại đầu tư rất cao, phạm vi điều chỉnh bao trùm nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, cam kết về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong hai hiệp định này sâu hơn đáng kể so với chuẩn mực trong Hiệp định về quyền SHTT liên quan đến thương mại (TRIPs) của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Việc nhận thức và thực thi đầy đủ các cam kết về quyền SHTT trong CPTPP & EVFTA có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế thị trường và phát triển bền vững.
Thách thức trong SHTT được các chuyên gia ví von “Hiệp định EVFTA là một cửa lớn rất sáng sủa nhưng không phải dễ vào”. Sản phẩm mang nhãn hiệu/sáng chế/kiểu dáng công nghiệp đến từ Việt Nam cần tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền tại EU với mức chi phí khá cao; thủ tục đăng ký phức tạp với điều kiện để được bảo hộ khắt khe. Vì vậy, các DN khá e dè tính toán để thực hiện công việc này. Trên thực tế, các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp đều ít quan tâm đến SHTT.
Nói rõ hơn về các cam kết trong EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) - cho hay, kiểu dáng công nghiệp bảo hộ không chỉ có sản phẩm hoàn chỉnh mà cả linh kiện/bộ phận nhìn thấy được trong quá trình thông thường. Các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền SHTT (TPMs) trong EVFTA mở rộng các hành vi sử dụng xâm phạm TPMs không chỉ sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê mà còn tàng trữ với mục đích thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy.
Cách thức bảo hộ mở rộng phạm vi các thiết bị/công cụ có thể bị xử lý không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp vô hiệu hóa TPMs. Về thông tin quản lý quyền (RMI), cách thức bảo hộ không chỉ bảo vệ RMI trên bản gốc mà còn trên cả bản sao, bản công bố ra công chúng. Cơ hội sẽ biến thành thách thức nếu DN vẫn mơ hồ về pháp luật SHTT.
Chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Nhìn toàn cảnh về Hiệp định CPTTP và EVFTA cho ta thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội về xuất khẩu; nâng cao thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, kỉ luật sản xuất kinh doanh chặt chẽ, minh bạch.
Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, các bộ, ngành, DN cần có những kiến nghị, đề xuất nhằm thực thi quyền SHTT ngày càng đầy đủ hơn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý, góp phần tích cực bảo vệ những DN kinh doanh chân chính, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm.
Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU, nhưng để khai thác được thị trường rộng lớn này, DN cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU. Điều đó đòi hỏi các DN phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực SHTT, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm....
Tuấn Anh