Lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật
Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, khoảng 111,5 bé trai trên 100 bé gái. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tỷ số giới tính khi sinh đạt từ 104-106 bé trai trên 100 bé gái là mức tỷ số sinh đẻ "tự nhiên" bình thường.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh (là số trẻ nam/ 100 trẻ nữ) của thành phố Hà Nội dự kiến năm 2022 là 112,5 bé trai/100 bé gái.
Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên, tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu tiên.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, xã hội, dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn, từ đó phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.
Lựa chọn giới tính thai nhi hoặc cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Pháp lệnh Dân số năm 2003 và sẽ bị xử phạt theo Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, dân số, trẻ em được quy định trong Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định: “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là vi phạm pháp luật.
Tại Hà Nội, Sở Y tế đã từng xử lý các trường hợp vi phạm công bố giới tính thai nhi ở các phòng khám tư với các mức xử phạt lên tới hàng chục triệu đồng. Cơ sở này đã bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động vì hướng dẫn lấy máu thai phụ để chẩn đoán giới tính thai nhi. Hay một cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Hà Nội cũng từng bị xử phạt vì hành vi quảng cáo lựa chọn giới tính thai nhi trên website.
Lựa chọn giới tính thai nhi cần được kiểm soát chặt
Mặc dù đã có những quy định chính thức cấm lựa chọn giới tính, nhưng siêu âm và nạo phá thai vẫn bị lạm dụng cho mục đích lựa chọn giới tính. Việc giám sát nghiêm ngặt các phòng khám và bệnh viện tư nhân vẫn chưa được thực hiện.
Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (103-106 bé trai/100 bé gái), Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo cụ thể trong các chiến lược, chương trình, văn bản chính sách như “Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020;” “Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020;” đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025;” Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025...
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên,” trước hết, “đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.”
Tại Quyết định 3155/QĐ-BYT của Bộ Y tế về ban hành kế hoạch thanh tra năm 2023 mới đây cho biết, năm 2023, Bộ Y tế sẽ thực hiện 41 cuộc thanh tra, trong đó Tổng Cục Dân số sẽ thanh tra về việc thực hiện quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, các quy định của pháp luật để đảm bảo cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên.
Kế hoạch thực hiện của Sở Y tế Hà Nội 2023
Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 485/KH-SYT ngày 10/02/2023 về việc triển khai thực hiện chương trình hành động trong lĩnh vực y tế.
Theo Kế hoạch, về công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế Tp. Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện và triển khai các Đề án, Kế hoạch của thành phố như:
Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 14/11/2016 của UBND TP Hà Nội về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025;
Kế hoạch số 324/KH-UBND ngày 30/12/2021 về thực hiện “Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030” trên địa bàn thành phố;
Đề án mở rộng Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030…
Bên cạnh đó Sở Y tế TP. Hà Nội sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra ở các cấp đảm bảo thực hiện chính sách dân số ở địa bàn các quận, huyện, thị xã đặc biệt là đối với các xã, phường, thị trấn có mức sinh còn cao. Tăng cường thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập về không chọn giới tính thai nhi theo các quy định của pháp luật.