Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 282/KH-SYT về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ngành y tế Hà Nội năm 2023.
Theo Kế hoạch, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn. Đồng thời, kiện toàn và củng cố Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa/tổ, màng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn tại các đơn vị, đảm bảo chế độ và điều kiện làm việc cho cán bộ làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Mục đích nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo hướng dẫn của Thông tư số 16/2018/TT-BYT ngày 20/7/2018 của Bộ Y tế.
Trong đó, tăng cường vệ sinh tay, đảm bảo việc thực hiện vệ sinh tay của cán bộ, nhân viên y yế, người bệnh, người nhà người bệnh…. Đồng thời đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn trong chăm sóc, điều trị người bệnh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, tổ chức điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn bệnh viện, có các biện pháp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Các đơn vị cần triển khai tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải tại các đơn vị. Tập huấn, cập nhật kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn, kỹ năng kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện…
Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy chế chuyên môn trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế. Các đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát quy chế chuyên môn về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng. Phối hợp kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo các cấp độ…
Bệnh viện Phụ sản Trung Ương chất đống quần áo vải y tế sạch ra sàn nhà |
Tầm quan trọng của kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) tại các quốc gia châu Âu chiếm khoảng 5%, tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7% - 19,1% trên tổng số người nhập viện.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV từ 3,5% đến 10% số người nhập viện. Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện và tỷ lệ tử vong.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng nếu không kiểm soát nhiễm khuẩn tốt sẽ dễ xảy ra tình trạng người bệnh khi đến các cơ sở y tế thì bệnh nhẹ, trong quá trình điều trị, do kiểm soát nhiễm khuẩn cơ sở không tốt dẫn tới bệnh nặng hơn, thậm chí gây tử vong.
Tuy nhiên, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn y tế còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều cơ sở y tế chưa được quan tâm đầu tư, chưa có chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả trong các trường... Do vậy, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác chưa đủ kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Thậm chí, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn mới tập trung vào khâu giặt ủi, hấp sấy, quản lý chất thải, chưa chú trọng vào công tác giám sát, như giám sát thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát tỷ lệ kiểm soát nhiễm khuẩn.
Trước đó, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm cũng đã có chuỗi bài về Công tác phòng chống nhiễm khuẩn của các bệnh viện chưa đảm bảo khi sử dụng dịch vụ giặt là không đảm bảo, tắc trách trong khâu kiểm soát nhiễm khuẩn.
Cụ thể, ngày 05/4 - 10/05/2021, Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm có loạt bài viết phản ánh về việc Công ty Cổ Phần dịch vụ môi trường y tế Mesco cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải cho một số bệnh viện khu vực Hà Nội trong đó có Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn… không bảo đảm tuân thủ quy trình xử lý đồ vải y tế, thiếu sự giám sát thường xuyên của các bệnh viện từ đó có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống dịch bệnh.
Qua đó thấy được công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm sát sao và việc giám sát thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn chưa thực sự hiệu quả, tiếp đó có thể dẫn đến nhiều rủi ro, đe dọa sự an toàn của người bệnh. Do vậy việc Sở Y tế thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy chế chuyên môn trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế là hết sức cần thiết.