Sức hút của sứa đỏ
Sứa đỏ là món ăn chơi nổi tiếng ở Hà Nội, là món ăn đường phố nhưng lại thể hiện sự "ăn chơi", sành ẩm thực của người dùng. Sứa đỏ khi ăn thân thì mềm như thạch, còn chân lại giòn sần sật. Sứa đỏ vốn không có vị nhưng khi kết hợp cùng lá tía tô, đậu phụ, cùi dừa rồi chấm một chút mắm tôm lại đem lại một hương vị độc lạ khó quên.
Sự độc đáo và hương vị thanh mát của món ăn này không chỉ hấp dẫn giới trẻ mà cả những người trung niên cũng thích thú. Đàn ông hay phụ nữ đều hào hứng khi thưởng thức nó. Một yếu tố khiến sứa đỏ "gây sốt" là sự hiếm hoi của nó. Sứa đỏ chỉ xuất hiện theo mùa chứ không có quanh năm. Mùa sứa đỏ thường diễn ra từ khoảng cuối tháng Giêng đến tháng 5 âm lịch.
Chị Hà Linh (40 tuổi, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: "Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, gia đình mình đã lên Hàng Chiếu thưởng thức món sứa đỏ, một suất tại đây bán với giá 35.000 đồng, ăn vào mình cảm thấy thích thú bởi vị thanh nhẹ của sứa, khi ăn với các đồ ăn kèm thì lại cảm thấy vị bùi của dừa, rau sống quyện với sứa nên rất ngon".
Sứa đỏ - món ăn được nhiều người Hà Thành ưa chuộng. |
Nhiều người rất ưa thích sứa đỏ bởi món ăn này có tác dụng thanh nhiệt. Trong Đông y, sứa đỏ có rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe như thanh nhiệt giải độc, hóa đờm hạ áp, khứ phong trừ thấp...
Sứa đỏ - loại thực phẩm rất kén người ăn
Dù trong sứa đỏ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe, thế nhưng sứa đỏ là một món ăn sống và không phải ai cũng có thể ăn được. Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, sứa đỏ rất kén người ăn là vì nó có chứa độc tố, nếu không biết cách sơ chế phù hợp thì món ăn này sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Có không ít trường hợp đã gặp phải tình trạng dị ứng sau khi ăn sứa đỏ, thậm chí một số còn bị ngộ độc. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do cơ địa của mỗi người, hoặc cũng có thể là do việc sơ chế sứa chưa đúng cách nên chưa thể loại bỏ hết độc tố trong sứa.
Tại những nụ sứa, xúc tua có nematocysts - có chứa chất độc khi chạm vào những xúc tua này sẽ gây nên dị ứng. Một số biểu hiện phổ biến khi ngộ độc sứa đỏ như nôn nao khó chịu, đau bụng, buồn nôn, nhức đầu... khi có biểu hiện nặng thì da tím tái, co giật thâm chí hôn mê.
Không chỉ vậy, sứa đỏ còn có thể chứa nhiều mầm bệnh và vi khuẩn, bao gồm cả các loại vi khuẩn gây bệnh như E. coli, salmonella và vibrio. Vì vậy, nếu sứa không được làm sạch đúng cách, những vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng và nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Những ai không nên ăn sứa đỏ
Cần cẩn trọng khi ăn sứa đỏ. |
Dù có nhiều chất dinh dưỡng nhưng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, một số đối tượng sau đây không nên ăn sứa đỏ:
Đối với những người có tiền sử dị ứng hải sản thì không nên ăn sứa. Sứa là động vật dưới biển, khi bị dị ứng gây nên hiện tượng mẩn đỏ, khó thở... Đặc biệt là phụ nữ mang thai không nên ăn món sứa đỏ do có nhiều độc tố gây dị ứng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch, đề kháng yếu cũng không nên ăn sứa đỏ, vì đề kháng kém sẽ nhạy cảm hơn với các chất độc. Do đó, việc ăn sứa đỏ có thể gây ra nguy cơ dị ứng và ngộ độc cao hơn người bình thường.
Những người bị huyết áp thấp cũng không nên sử dụng sứa đỏ, sứa có tác dụng làm giảm áp lực máu. Do vậy người có tiền sử huyết áp thấp, khi sử dụng món ăn này dễ xảy ra hiện tượng chóng mặt, choáng váng và khó thở.
Bên cạnh đó, những người bị xơ gan hoặc viêm gan nên hạn chế tiêu thụ sứa đỏ để đảm bảo sức khỏe gan. Vì trong sứa đỏ có chứa collagen - một loại protein quan trọng trong cơ thể và là thành phần chính của da, sụn, mô liên kết và các cấu trúc khác trong cơ thể. Tuy nhiên, thành phần này có thể gây căng thẳng cho chức năng gan.