Ẩm thức Huế: Độc lạ thức uống có nhân thịt lợn 10 loại bánh đặc sản đậm vị cố đô nhất định bản phải thử khi đến Huế Bún bò Huế - Niềm tự hào ẩm thực của Việt Nam |
Từ món ăn giản dị đến đậm tính chất cung đình
![]() |
Món ăn Huế rất phong phú, có thể giản dị, mang hương vị đồng ruộng, đầm phá, núi sông, song cũng không kém phần sang trọng, tinh tế với cách bài trí món ăn mang đậm tính chất cung đình. |
Huế từng có mấy thế kỷ là trung tâm xứ Đàng trong thời các chúa Nguyễn, đến thế kỷ XIX là đất kinh kỳ phồn hoa đô hội, với non một thế kỷ rưỡi làm kinh đô nước Việt là nơi quy tụ một vương triều với biết bao quan lại, nho sĩ. Ở đó, ngoài chốn vương phủ còn có các tầng lớp quý tộc và thượng lưu, trí thức đều tụ họp về đây. Điều đó đã đòi hỏi người Huế phải giỏi chế biến các món ăn không chỉ ngon mà phải cực kỳ tinh tế chỉ dùng trong chốn vương phủ.
Do đó, ẩm thực Huế có thể làm say lòng thực khách khắp nơi bởi mang trong mình sự giao thoa độc đáo giữa truyền thống và hiện đại. Từ sự tinh tế của ẩm thực cung đình đến sự mộc mạc trong món ăn dân gian. Từng món ăn là một trải nghiệm văn hóa và cũng là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, nơi mỗi hương vị đều kể một câu chuyện về cố đô Huế.
Món ăn Huế rất phong phú, có thể giản dị, mang hương vị đồng ruộng, đầm phá, núi sông, song cũng không kém phần sang trọng, tinh tế với cách bài trí món ăn mang đậm tính chất cung đình. Chính trong sự đa dạng của nguồn nguyên vật liệu, từ dân dã cho tới sơn hào hải vị và điểm đặc biệt nhất chính là bàn tay, tâm huyết và tài năng của các thế hệ, từ bình dân cho tới quý tộc thượng lưu, cung đình đã nâng tầm văn hóa ẩm thực Huế lên đẳng cấp cao.
Món ngon Huế không chỉ được thưởng thức bằng miệng, mà trước hết phải là bằng mắt thấy đẹp, mũi ngửi thấy thơm, cảm giác thấy thèm, tai nghe những âm thanh gây cuốn hút, tò mò, tức là ăn bằng ngũ quan.
Ví như các món gỏi vả hình rồng, nem công - chả phụng… đều được người nấu tỉa rau củ thành những tác phẩm nghệ thuật. Sự hài hòa về màu sắc, hương vị, hài hòa về âm - dương, nóng - lạnh, hài hòa trong bố cục chén, đũa, bát, dĩa... hài hòa như tự nhiên, thiên nhiên, chính là văn hóa ẩm thực Huế.
![]() |
Từng món ăn của Huế luôn là biểu hiện của sự cầu kỳ, tinh túy và đầy sức hấp dẫn. |
Có thể nói, ẩm thực cung đình Huế đã đạt đến đỉnh cao trên bản đồ ẩm thực Việt Nam. Mỗi mâm tiệc đều như một tác phẩm điêu khắc sống động với rau - củ - quả được sắp đặt, cắt tỉa đầy tính mỹ thuật. Lịch sử dù sang trang, nhưng quá khứ đã để lại cho Huế những dấu ấn không thể phai nhòa, bởi vẫn còn đó: “Ngọ Môn năm cửa, chín lầu/ Cột cờ ba bậc, Phú Văn Lâu hai tầng”.
Từng món ăn của Huế luôn là biểu hiện của sự cầu kỳ, tinh túy và đầy sức hấp dẫn. Bởi lẽ, trước khi nếm thử để thỏa mãn vị giác, trước tiên phải thỏa mãn được thị giác và khứu giác. Chỉ với một dòng chữ ngắn gọn “Ẩm thực cung đình Huế” là đã đủ uy tín để khẳng định giá trị thương hiệu. Ai cũng hiểu, để đạt đến đẳng cấp hoàng gia thì đương nhiên phải tuân thủ những luật lệ nghiêm ngặt nhất, từ cung ứng thực phẩm, quá trình chế biến, chất lượng phục vụ cho đến cung cách bày biện (như mâm nào thì dùng bát nào, đĩa nào, đũa nào) tất cả đều có nguyên tắc.
Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” quy định rõ cho từng loại tiệc. Tiệc tiếp sứ bộ với 3 loại. Loại 1: 1 mâm gồm 50 món. Loại 2: 7 mâm gồm 40 món. Loại 3: 25 mâm gồm 30 món. Những món này được bày trong 1.080 bát đĩa quý vốn chỉ dùng cho hoàng gia và vương phủ.
Đến Huế, bất cứ người dân nào cũng có thể kể cho du khách câu chuyện về lối sống hoàng cung xưa như: Điểm tâm sáng 12 món; ăn trưa 50 món mặn và 16 món ngọt, trong đó phải có vài món thuộc “bát trân” (8 món quý nhất, gồm: Nem công, chả phượng, da tây ngưu, bàn tay gấu, gân nai, môi đười ươi, thịt chân voi, yến sào).
Trải nghiệm những món “ngự thiện”
![]() |
Theo thông tin từ Sở Du lịch Huế, cả nước hiện có 3.000 món ăn thì ẩm thực Huế góp mặt khoảng 1.300 món. |
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi nền ẩm thực Việt Nam nhanh chóng được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới, thì ở trong nước, các tour ẩm thực vùng miền cũng được du khách hào hứng đón nhận. Do đó, khi du khách đến với Huế có thể dễ dàng trải nghiệm những món “ngự thiện” bởi các dịch vụ đều sẵn có.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Huế, cả nước hiện có 3.000 món ăn thì ẩm thực Huế góp mặt khoảng 1.300 món. Tour ẩm thực Huế - Food tour Huế cùng các trào lưu trên mạng xã hội như “Tour ẩm thực 3 ngày 2 đêm xứ Huế” hay “Tour ăn “sập” Huế” được giới trẻ vô cùng yêu thích. Ngoài thăm thú những cảnh đẹp, thành quách, lăng tẩm, mục đích chính “đến Huế để ăn” không chỉ ở những món ăn đẳng cấp hoàng gia mà còn cả những món dân dã.
Cũng vì thế mà cơm Hến thôn Vĩ Dạ nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Một bát cơm là tổng hòa của các vị, một chút ngọt thanh của hến, rau thơm, bắp chuối, giá đỗ, lạc vừng, nước mắm tỏi, tóp mỡ, cơm trắng, đặc biệt là… mắm ruốc. Một bát cơm thôi mà hội tụ đủ cả âm dưỡng ngũ hành, hài hòa giữa màu sắc, mùi vị. Sự đậm đà trong món Huế thường khiến thực khách không thể quên.
Ngoài cơm hến, đến Huế không thể quên ăn bánh khoái. Món này có hình dáng bên ngoài gần như bánh xèo nên thường xuyên bị nhầm lẫn. Bánh khoái được làm từ bột gạo có pha trộn với bột năng. Hỗn hợp này sẽ được pha thêm chút muối và nước lọc sao cho hơi sệt. Bánh có lớp vỏ ngoài giòn kết hợp cùng nhân tôm, thịt và giá đỗ. Cách làm bánh khoái cũng không khác bánh xèo là mấy. Khác biệt lớn nhất là bánh khoái được chấm với nước lèo. Nước lèo lại được nấu từ sự kết hợp giữa các nguyên liệu bột, thịt lợn, gan lợn băm nhỏ, vừng, lạc rang giã nhỏ, tương đậu nành...
Huế cũng là thiên đường của các loại bánh. Nhắc đến các loại bánh Huế, nhiều người sẽ nhớ ngay tới bánh bột lọc. Món ăn này giờ chẳng còn xa lạ vì nó được cấp đông rồi bán đi muôn nơi. Khi ăn chỉ cần cho lên bếp hấp chín là xong. Nước chấm, rồi chanh Huế, ớt Huế… cũng “chuẩn chỉnh” luôn. Thế nhưng, cũng giống như những món “độc quyền xứ Huế” khác, chỉ khi đến với Cố đô, người ta mới có thể thưởng thức món bánh này một cách trọn vẹn nhất. Bánh được làm từ bột lọc, trong suốt, dai dai, nhân tôm thịt đậm đà.
![]() |
Nhắc đến các loại bánh Huế, nhiều người sẽ nhớ ngay tới bánh bột lọc. |
Món bánh Huế đặc trưng tiếp theo chính là bánh ép. Bánh ép Huế thơm, nhân đẫm pate, trứng và thịt lợn, được ép chặt tay trên than hồng. Bánh cuốn cùng rau ăn kèm và chấm nước mắm chua ngọt. Do được làm thủ công và không thể cấp đông nên muốn thưởng thức bánh ép thì chỉ có thể ăn ở Huế. Độ nổi tiếng của nó không thể bằng bánh bột lọc được.
Tiếp nữa phải kể đến là bánh ram ít. Đây là loại bánh được vua chúa ngày xưa thưởng thức, chính vì thể bánh ram ít trông vừa cầu kỳ, vừa đẹp mắt, nhân bột dẻo mịn kết hợp với phần đế bánh giòn tan. Bánh nậm Huế được nhiều người yêu thích bởi vị ngọt của tôm, dai dai của bột gạo, đặc biệt là hương vị đậm đà của nước mắm cay ngọt. Ở Huế, món ngon nổi tiếng này được tìm thấy tại mọi gánh hàng rong, quán ăn đường phố hay những nhà hàng tên tuổi.
Huế còn có bánh sắn, loại bánh thường được bán từ các gánh hàng rong gói bằng lá chuối với hai loại nhân mặn - ngọt. Bánh thuẫn Huế không quá phổ biến với khách du lịch vì nó thường chỉ xuất hiện vào mâm cơm ngày lễ, Tết của Cố đô. Loại bánh này có hình dáng của hoa mai, mang ý nghĩa như một lời chúc năm mới may mắn, thịnh vượng.
Bánh in là loại bánh mới nhìn qua trông đơn giản, nhưng chế biến lại tỉ mỉ và cầu kỳ với 10 công đoạn. Bánh có nhiều loại nhân, nhưng ưa chuộng nhất vẫn là loại bánh ngũ sắc đậu xanh bởi vị ngọt, thơm và bùi. Bánh in cũng là một trong những loại bánh được người Huế dâng lên cúng tổ tiên vào những ngày Tết. Bánh ướt Huế cũng là một trong những đặc sản. Phần bột và cách tráng bánh khá giống bánh cuốn của người Bắc, nhưng sẽ dùng để cuốn thịt heo nướng hay các loại tôm chua. Khi ăn, chấm bánh ướt Huế cùng nước mắm chua ngọt.
Ở các hàng ăn tại Huế có bán nhiều bánh bèo. Đó là loại bánh với lớp bột mỏng, mềm dẻo được gói trong lá, bên trên là lớp tôm, hành phi. Bánh dễ ăn nên được rất nhiều du khách yêu thích. Loại bánh sặc sỡ và có tạo hình cầu kỳ nhất phải kể đến là bánh đậu xanh trái cây. Bánh có ngoại hình đẹp bởi lớp rau câu bọc ngoài. Còn rất nhiều các loại bánh khác của Huế như bánh khọt, bánh đúc Huế, bánh phu thê Huế, bánh cuốn tôm chua Huế… Mỗi loại bánh lại gắn liền với một địa danh như: Bánh khoái Đông Ba, bánh bèo Ngự Bình, bánh canh Nam Phổ, bánh ướt thịt nướng Kim Long…
Huế còn có mắm sò Lăng Cô, mắm cá rò, mắm tôm chua, mắm dưa cà, mắm ruốc, mắm nêm, mè xửng, kẹo cau, mứt gừng Hà Cảng, trà cung đình- loại trà có sự kết hợp 16 loại thảo dược quý của xứ Huế như: Tim sen, khổ qua, nụ vối, atiso, thảo quyết minh, hồi hoa, hồng táo, hoa hòe, hoa cúc, hoài sơn, đại táo, cỏ ngọt, cam thảo bắc, hoa lài, kỳ tử và đẳng sâm…