So với đầu tháng 4, sầu riêng Ri 6 tại vườn tiếp tục mất giá 30-40% về 50.000-55.000 đồng một kg. |
So với đầu tháng 4, sầu riêng Ri 6 tại vườn tiếp tục mất giá 30-40% về 50.000-55.000 đồng một kg. Khảo sát tại các nhà vườn Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ cho thấy, giá sầu riêng Ri6 được thương lái thu mua tại vườn (mua xô) chỉ còn 50.000 đồng một kg, giảm 20.000 đồng so với đầu tháng 4, mất 120.000 đồng so với mức giá kỷ lục đầu tháng 2.
Theo một số tiểu thương, nguyên nhân khiến sầu giảm giá về bằng với mức thu mua năm ngoái là vì các đối tác Trung Quốc đang không còn mua ồ ạt như trước đó. Họ tỏ ra không nóng vội vì hàng Thái Lan, Philippines cũng đang vào vụ. Họ đang cân nhắc nhiều hơn trong hoạt động nhập khẩu sầu riêng để có mức giá hợp lý. Hiện, Philippines – quốc gia vừa được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng – kỳ vọng sẽ xuất 54.000 tấn trong năm nay.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân có thể là do Trung Quốc nguồn cung mới từ đảo Hải Nam. Tuy nhiên, tình trạng giảm giá mạnh như hiện nay có thể sẽ sớm kết thúc vì nguồn cung từ đây không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường nên nước láng giềng sẽ tiếp tục mua nhiều sầu riêng từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Sầu riêng giảm do đối tác Trung Quốc đang không còn mua ồ ạt như trước đó. |
Thông tin mới nhất về giá sầu riêng đăng ngày 18-3 trên South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng), tờ báo có trụ sở tại Hồng Kông thì Hải Nam, một tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch sầu riêng. Dự kiến, sầu riêng ở Hải Nam (Trung Quốc) sẽ được thu hoạch và bán ra từ tháng Sáu tới.
Trung bình một héc-ta sầu riêng trồng ở Hải Nam mang về cho người nông dân gần 117 kg, giá trị ước tính là 6.665 nhân dân tệ, tương đương 127.000 đồng/kg. Bài báo dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, với nguồn cung mới từ Hải Nam, giá sầu riêng bán tại Trung Quốc sẽ giảm. Điều này đã tác động đến giá sầu riêng của những nước xuất khẩu. Trong đó, giá sầu riêng tại Việt Nam và Thái Lan đã bắt đầu giảm từ cuối tháng Ba, đầu tháng Tư vừa qua.
Năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 4 triệu tấn sầu riêng, trở thành nước tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Giá nhập khẩu cũng tăng. Cụ thể, giai đoạn 2017-2019, giá nhập khẩu sầu riêng chỉ ở mức 2,5 đô la Mỹ/kg nhưng sau đó tăng hơn 2 lần, đạt mức 5,1 đô la Mỹ/kg (gần 120.00 đồng/kg) vào năm 2021.
Tính đến thời điểm trước 2021, nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất là Thái Lan, nay có thêm Malaysia và Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.
Theo thông tin từ trang web của Chợ đầu mối nông sản Thái Lan (talaadthai), trong 3 tháng đầu năm nay, giá sầu riêng Monthong của nước này được thương lái mua ở mức 150-160 baht/kg (103.000 – 110.00 đồng) nhưng giá bắt đầu giảm từ đầu tháng 4 vừa qua. Theo cập nhập vào ngày 29-4, giá loại này chỉ còn 120-125 baht (82.000 – 86.000 đồng). Sầu riêng Monthong là một loại sầu riêng đặc sản của Thái Lan.
Tại Việt Nam, giống này được nông dân nhập về trồng với tên gọi là sầu riêng Monthong hoặc sầu riêng DONA. So với giá sầu riêng Ri6 – loại đặc sản của Việt Nam, giá của hai loại chênh nhau trên dưới vài chục ngàn đồng/kg tùy từng thời điểm.
Thời điểm này các tỉnh miền Tây đang vào thu hoạch sầu riêng chính vụ. |
Theo nhiều nguồn tin, sau mấy tháng tăng liên tục, giá bán sầu riêng tại vườn ở Việt Nam đã giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 50.000 đồng, bằng với giá của giai đoạn trước tháng 8-2022, thời điểm Việt Nam chưa xuất khẩu chính ngạch loại trái cây này sang Trung Quốc.
Một số ý kiến cho rằng, giá sầu riêng của Việt Nam và Thái Lan giảm có thể do thông tin Trung Quốc có thêm nguồn sầu riêng từ tỉnh Hải Nam. Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia trong bài viết nói trên thì về lâu dài, nguồn cung sầu riêng từ Hải Nam cũng chỉ đáp ứng được một phần của nhu cầu nội địa. Vì thế, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu từ các nước ASEAN như Việt Nam và Thái Lan nên giá sầu riêng xuất khẩu có thể tăng trở lại trong vài tháng tới.
Theo thông tin từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ thu hoạch sầu riêng từ tháng Ba đến tháng Bảy còn các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng thu hoạch từ tháng Bảy đến tháng 11 hàng năm.
Vì thế, trong trường hợp giá sầu riêng không tăng trở lại thì năm nay, giá trị thu về trên mỗi héc ta trồng sầu riêng của nông dân Tây Nguyên có thể thấp hơn nông dân ở Tiền Giang hay Đồng Nai.
Lý do là vì thời gian qua, khi giá sầu riêng đạt đỉnh, nông dân trồng sầu riêng ở miền Tây và Đông Nam Bộ đã bán được với giá cao, từ 100.000 đến 150.000 đồng/kg. Trong khi đó, nếu giá không tăng trở lại, vẫn ở mức 50.000 đồng/kg như hiện tại thì khi vào vụ thu hoạch, nông dân ở Tây Nguyên sẽ không được giá và thu nhập trong cả năm sẽ kém hơn.
Trước những diễn biến bất thường về giá sầu riêng trong bối cảnh các tỉnh miền Tây bước và thu hoạch, qua tìm hiểu được biết, hiện các Sở Nông Nghiệp Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Bình Phước cho biết đang lên kế hoạch kết nối tiêu thụ sầu riêng cho xuất khẩu và trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt trồng sầu riêng để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung. Thời gian tới, các nhà vườn cần tiếp tục cải thiện quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã, giữ được sản lượng ổn định nhằm đảm bảo xuất khẩu quanh năm./.