Sắn dây là loài cây dây leo thuộc họ Đậu, được trồng ở nhiều nơi ở nước ta. Hầu hết các bộ phận của cây sắn dây đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Song bộ phận dùng tốt nhất là rễ (củ sắn dây) được thu hoạch vào mùa đông, xuân. Củ sắn dây được đào lên và rửa sạch đất cát, bỏ lớp vỏ ngoài, cắt khúc hoặc thái lát, sau đó phơi hoặc sấy khô, trong Đông y gọi là cát căn.
Không phải tự nhiên mà nó được mệnh danh là "nhân sâm châu Á" và bột sắn dây còn được gọi là "bột trường sinh". Theo Đông y, sắn dây vị ngọt, tính mát, có công dụng giải cơ thoái nhiệt, phát biểu thấu chẩn, sinh tân chỉ khát, thăng dương chỉ tả, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt do ngoại cảm, đau cổ gáy, đau đầu, sởi, sốt cao khát nước, đái tháo đường, tiêu chảy, kiết lỵ, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, chảy máu cam, nôn ra máu, trĩ xuất huyết và tai ù tai điếc.
Sắn dây vừa là một loại thuốc trong Đông y, vừa làm thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên nhiều người chỉ biết đến tác dụng giải nhiệt của sắn dây mà không biết rằng loại củ này còn có nhiều lợi ích khác.
Bảo vệ tim mạch
Các nghiên cứu dược lý hiện đại đã chỉ ra rằng flavonoid và puerarin của sắn dây không chỉ có thể cải thiện quá trình chuyển hóa oxy của cơ tim mà còn làm giãn mạch máu và cải thiện vi tuần hoàn, có tác dụng lâm sàng tốt đối với bệnh tim mạch vành, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, mất ngủ, lo lắng và các bệnh khác .
Điều hòa nội tiết
Hàm lượng flavonoid trong sắn dây chiếm khoảng 12%, trong đó có hơn 10 thành phần chức năng như isoflavone, daidzein, puerarin, có thể điều chỉnh đáng kể nội tiết và cân bằng estrogen trong cơ thể.
Hạ đường huyết, mỡ máu
Các nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng ăn sắn dây thường xuyên có thể làm giảm lượng đường trong máu và lipid máu, đặc biệt là đối với bệnh mỡ máu có tăng cholesterol.
Giảm đau nhức cổ và lưng
Khi cảm thấy đau nhức dữ dội ở cổ và lưng do phong hàn và cảm lạnh, bạn có thể uống nước sắc bột sắn dây đun sôi để giảm đau.
Nếu cổ bị tê cứng do khí huyết kém lưu thông, ngoài việc uống trà sắn dây, còn có thể dùng củ sắn dây, quế chi, gừng đun lấy nước chườm nóng cổ và lưng hoặc dùng nước này ngâm chân.
Làm dịu cơn say và bảo vệ gan
Tác dụng giải rượu của sắn dây đã được ghi chép rõ ràng trong các tác phẩm y học cổ truyền như Thần Nông Bản thảo kinh, tác phẩm "Essential Formulas for Emergencies Worth a Thousand Pieces of Gold" (Công thức thiết yếu cho trường hợp khẩn cấp trị giá một nghìn miếng vàng) - kiệt tác y học toàn diện về thực hành lâm sàng của "dược vương" nổi tiếng Tôn Tư Mạc.
Nghiên cứu dược lý hiện đại cũng cho thấy sắn dây không chỉ có thể giải tỏa sự hấp thụ rượu trong dạ dày mà còn thúc đẩy quá trình phân hủy và bài tiết rượu trong gan.
Hạ sốt
Sắn dây có chức năng làm dịu cơ bắp, hạ sốt, thúc đẩy chất lỏng trong cơ thể và làm dịu cơn khát. Bột sắn dây được xem là vị thuốc giải nhiệt, hạ sốt an toàn mà hiệu quả vì có tác dụng giải nhiệt, gây ra mồ hôi, khi mới mắc cảm công hiệu giải nhiệt rất tốt.
Làm đẹp và chống lão hóa
Sắn dây có tác dụng nhất định trong việc giải nhiệt và ẩm, làm đẹp, làm trắng da và chống lão hóa.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sắn dây rất giàu isoflavone, có lợi cho việc loại bỏ các gốc tự do, tăng cường khả năng chống oxy hóa của da và đạt được hiệu quả làm trắng da.
Một số bài thuốc từ sắn dây
Chữa trẻ nhỏ cảm phong nhiệt, nôn mửa, đau đầu: Sắn dây 30g giã nát sắc với 2 bát nước lớn, đun cạn còn 1 bát, chắt lấy nước (bỏ bã) nấu cháo với 50g gạo tẻ, thêm chút gừng sống và mật ong và cho trẻ ăn trong ngày. Dùng trong 3 - 5 ngày.
Chữa ngộ độc rượu: Hoa sắn dây 30g, hoàng liên 4g, hoạt thạch 30g (thủy phi), bột cam thảo 15g, tán thành bột mịn, trộn với nước, hoàn thành viên, mỗi lần uống 3g, chiêu thuốc bằng nước mát. Hoặc bạn có thể áp dụng hòa tan bột sắn dây cùng với một cốc nước sau đó cho đường và cuối cùng vắt lấy 1 thìa nước cốt chanh, có thể thêm đá cho dễ uống.
Trường hợp không muốn uống đường, có thể thay thế bằng một chút muối, cách này sẽ khó sử dụng hơn những tác dụng mà nó mang lại hiệu quả hơn rất nhiều. Chúng ta có thể sử dụng 1 cách là khác là sử dụng 30gr sắn dây + 4gr hoàng liên + 30gr hoạt thạch + 15gr cam thảo tán thành bột mịn, sau đó trộn với nước để uống.
Cảm nắng kèm theo sốt nóng, nhức đầu, nóng ruột, nôn oẹ: Dùng 12g bột sắn dây hòa với đường uống hoặc dùng 20g cát căn, 12g đậu ván giã dập, sắc nước uống trong ngày.
Lưu ý khi dùng bột sắn dây
Sắn dây ngoài ăn củ thì bột sắn dây là sản phẩm được dùng phổ biến nhất. Tuy nhiên, có một số điều cần lưu ý khi sử dụng nếu không muốn làm tổn hại tới sức khỏe.
Bệnh nhân thấp khớp không nên ăn sắn dây trong thời gian dài. Người mắc bệnh phì đại tuyến vú, bị hạ đường huyết, hạ huyết áp không nên ăn sắn dây. Không nên ăn khi bụng đói.
Không lạm dụng: Bột sắn dây có tính hàn, giải nhiệt rất mạnh, do đó không uống quá 1 ly/ngày và chỉ nên cho thêm một chút đường.
Không nên thêm hoa bưởi vào nước sắn dây để thơm hơn vì có thể làm giảm dược tính của bột sắn dây một cách đáng kể.
Không nên cho trẻ nhỏ dùng bột sắn dây sống vì nó có tính hàn mạnh, trẻ em cơ thể còn chưa phát triển toàn diện nên nếu dùng sống dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy. Nếu cho trẻ ăn cần quấy chín bột sắn để giảm bớt tính hàn, đồng thời vừa dễ tiêu và hấp thụ tốt hơn.
Phụ nữ mang thai nếu bị nóng có thể uống nước sắn dây nhưng nếu người bị lạnh, cơ thể mệt mỏi, tụt huyết áp thì không nên dùng. Trường hợp có dấu hiệu bị động thai, do dạ con co bóp nhiều thì không được dùng bột sắn dây.