Pha Đin được mệnh danh là một trong tứ đại đèo vùng Tây Bắc |
Truyền thuyết về đèo Pha Đin
Người Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) và Sơn La từ xa xưa còn lưu truyền câu chuyện kể về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin.
Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ hai dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch nhiều.
Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.
Chính vì thế, ngày nay đèo Pha Đin có phần đèo thuộc về Điện Biên nhiều hơn phần thuộc về phía tỉnh Sơn La.
Đường lên đèo quanh co, phóng tầm mắt xuống dưới là biển mây ngàn |
Đèo Pha Đin còn gọi là Dốc Pha Đin, là nơi nối liền biên giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên có độ dài 32km. Điểm khởi đầu cách thị xã Sơn La về phía tây 66km và điểm cuối cách thành phố Điện Biên khoảng 84km. Nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên).
Đèo có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển và địa thế rất hiểm trở với một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm, lúc lên dốc lúc xuống dốc.
Pha Đin (hay “Phạ Đin” theo tiếng Thái) nghĩa là “Trời Đất” - Ảnh: Le Hong Ha |
Không chỉ vậy, Pha Đin còn có một tháp truyền hình khối lượng khoảng 70 tấn, khả năng chịu sức gió 200km/h. Độ dốc của đèo Pha Đin khoảng 10%, có nơi 12% – 15% thậm chí con đèo có đoạn độ dốc lớn lên đến 19%, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z, trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua.
Nhìn từ xa, đèo chạy dài như sợi dây thừng nối những quả núi, sườn đồi lại với nhau, lửng lơ giữa mây trời. Đèo Pha Đin là một trong những đặc sản cảnh đẹp Tây Bắc nổi tiếng nhất với view hoang sơ, kỳ vĩ cực thu hút du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.
Đèo Pha Đin – Chứng nhân cho lịch sử hào hùng của dân tộc
Đèo Pha Đin – Chứng nhân cho lịch sử hào hùng của dân tộc |
Đèo Pha Đin lừng danh từ trong chiến dịch Điện Biên Phủ bởi phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn mà vẫn trường tồn. Ngày nay, đèo Pha Đin được phong là một trong “tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc” nổi tiếng hiểm trở và có cảnh đẹp mê hoặc du khách. Tên gọi của đèo xuất phát từ tiếng dân tộc Thái là “Phạ Đin”, trong đó Phạ nghĩa “trời”, Đin là “đất” hàm ý chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
Sự hiểm trở nhưng cũng không kém phần thơ mộng của Pha Đin - Ảnh: Le Hong Ha |
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đèo Pha Đin đóng vai trò quan trọng khi nằm trên tuyến đường huyết mạch tiếp tế quân nhu, vũ khí, đạn dược và lương thực cho quân đội, góp phần cho sự thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) của quân và dân Việt Nam.
Đèo khau Phạ kiên cường như những chiến sĩ, suốt 48 ngày, đêm ròng rã, quân địch đã cho máy bay oanh tạc đường quốc lộ 6 hòng cắt đứt con đường tiếp tế của quân ta, trong đó có cung đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi là hai nơi hứng chịu lượng bom đạn đổ xuống nhiều nhất.
Đèo Pha Đin đã trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Quân và dân ta đã dùng toàn sức người để kéo pháo cao xạ lên tới đỉnh đèo với độ cao 1.648m. Chính vì vậy, nhân dân Việt Nam hay gọi đèo Pha Đin là con đèo huyền thoại làm nên lịch sử.
“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”
(Trích Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Thơ Tố Hữu)
Đèo Pha Đin là chứng nhân lịch sử |
Đèo Pha Đin là con đèo đã chứng kiến biết bao cuộc chiến tranh đổ máu của các vị anh hùng dân tộc. Nếu du khách để ý, khi đi trên đèo sẽ có một tấm bia với nội dung: “Đây là nơi hứng chịu nhiều nhất những trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Thời tiết đèo Pha Đin như thế nào?
Thời tiết trên đèo Pha Đin khá mát mẻ, thích hợp đi thăm thú trải nghiệm (Ảnh-Ngân Dương) |
Mỗi mùa đèo Pha Đin lại mang một nét đẹp rất riêng. Vì vậy, du khách hãy lựa chọn thời gian đi lý tưởng nhất cho mình.
Mùa hè được xem là khoảng thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục đèo Pha Đin. Vào mùa hè mặc dù ở các thành phố ở đồng bằng thời tiết rất oi bức. Tuy nhiên, mùa hè ở Pha Đin cực kì khá mát mẻ, dễ chịu.
Những cung đường dốc, ngoằn ngoèo với sương giăng kín |
Vào mùa đông, khi cái lạnh cùng những cơn mưa phùn như ngấm vào da thịt nhưng “Phượt” thủ, du khách có thể cảm nhận được cái lạnh giá tê buốt đặc trưng của vùng núi cao. Bước từng bước chậm chạp trên đỉnh đèo Pha Đin; thả hồn mình theo gió, hoà vào cùng mây trời; nhìn từ trên cao những đám sương giăng trở thành tác phẩm tuyệt diệu của tạo hoá.
Mùa xuân, hoa rừng Tây Bắc đua nhau khoe sắc thắm, màu trắng của hoa mơ hoa mận, màu hồng đỏ của hoa đào và màu hồng phai của hoa ban khắp các triền núi hòa vào núi rừng, mây trời hùng vĩ vẽ nên bức tranh thơ mộng. Tháng Ba có lẽ là giai đoạn đẹp nhất của đèo Pha Đin, vì khi ấy hoa ban đang nở rộ trắng trời tại vùng núi Tây Bắc vào dịp này du khách sẽ có những cái nhìn cận cảnh về vẻ đẹp đầy khác lạ của núi rừng.
Khám phá đèo Pha Đin cũ và đèo Pha Đin mới
Năm 2005, Chính phủ quyết định đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 6 lên Tây Bắc. Trong đó, đoạn Sơn La - Tuần Giáo được thi công từ năm 2006 đến năm 2009 thì hoàn tất, chia đèo thành 2 tuyến cũ và mới từ ngã 3 đỉnh đèo.
Đèo Pha Đin Cũ: Dài 32km (từ km 360 đến km 392, nằm trên quốc lộ 6 cũ) có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển và khoảng 125 khúc cua nổi tiếng hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ôtô đi qua. Bởi vậy, nếu du khách muốn chinh phục con đèo này cần phải có một tay lái thật vững và có kinh nghiệm đi đường núi.
Đèo Pha Đin mới: Được xây bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ, chiều dài giảm còn 26km với khoảng 60 khúc cua, có cua rộng tới 60 mét, độ dốc hạ xuống còn 8%, đặc biệt mặt đường rộng gấp gần 2 lần so với trước.
Đèo Pha Đin là một trong những con đèo vô cùng hiểm trở và chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. |
Từ khi tuyến đèo mới được đưa vào sử dụng đã giúp xe cộ lưu thông an toàn hơn, còn tuyến đèo Cũ chỉ còn phù hợp cho người dân bản địa hoặc những du khách ưa mạo hiểm tìm đến chinh phục, khám phá.
Những đoạn đường đèo hiểm trở trên vách núi là những đoạn đường mà nhiều du khách yêu thích sự mạo hiểm muốn chinh phục. Không chỉ hấp dẫn bởi những khúc cua nguy hiểm mà đèo còn thu hút bởi vẻ đẹp thơ mộng. Đường đèo có những đoạn quanh co ôm lấy những ngôi nhà sàn đơn sơ của một bản làng nào đó, có những đoạn lại cô đơn giữa núi rừng hùng vĩ, thơ mộng.
Ghé thăm những bản làng nhỏ bình yên
Những nếp nhà sàn nhỏ bé nhấp nhô xa xa dưới chân đèo mang một cảm giác yên bình |
Nếu đi trên đèo du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ, hùng vĩ thì khi đi hết đèo sẽ là một bản làng nhỏ bình yên. Những ngôi nhà sàn nhấp nhô mang đậm nét mộc mạc, giản dị của núi rừng Tây Bắc.
Dưới chân đèo là những bản làng lác đác, còn trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống du khách sẽ được chiêm ngưỡng bao quát sự mênh mông của thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo.
Bản làng dưới thung lũng bình yên, thơ mộng |
Những nếp nhà sàn nhỏ bé nhấp nhô xa xa dưới chân đèo yên bình. Hoàng hôn xuống, khói bếp theo gió bay lên từ bản làng xa xa mờ ảo mang đậm nét mộc mạc, bình yên.
Nhiều năm nay, người dân các bản lân cận của xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và người dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã cùng nhau họp chợ buôn bán nông sản, hàng hóa địa phương. Các mặt hàng rau củ, hoa quả, phong lan và vật nuôi... đều do bà con tăng gia sản xuất hoặc lấy trên núi từ rừng nên nhiều du khách sau khi dừng chân thưởng ngoạn cũng chọn mua vài thứ về làm quà.
Khung cảnh thanh bình của những cánh đồng ngô lá xanh rì |
Cuộc sống ấm no đang đến từng ngôi nhà, ngõ bản người H’mông nơi đỉnh đèo Pha Đin bốn mùa mây phủ. Đặc biệt là khi 3 loài cây cà phê- táo mèo- sa nhân được chú trọng phát triển. Chứng kiến sự đổi thay ở đây mới thấy câu nói “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước, H’mông ăn theo sương mù” được người xưa đúc kết đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây cũng là cách để du khách cảm nhận vẻ đẹp của vùng đất này.
Những địa điểm check in thơ mộng tại Pha Đin
Cánh đồng hoa rực rỡ dưới ánh hoàng hôn |
“Phượt” đèo Pha Đin mở ra bức tranh đầy màu sắc, đèo uốn mình quanh co như dải lụa tựa vào vách núi nơi có những thảm cỏ xanh mát rượi. Gió thổi lồng lộng, đứng trên đỉnh đèo bồng bềnh mây, ánh mặt trời dát lên khung cảnh tô màu vàng tươi óng ánh. Du khách sẽ có cảm giác mình như lạc vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mây trời bồng bềnh. Không khí mát mẻ khiến tinh thần càng thêm phấn chấn.
Trên đường chinh phục Pha Đin du khách có thể dừng chân ở đèo Tằng Quái. Tại đây khi phóng tầm mắt ra xa các bạn sẽ thấy biển mây bồng bềnh trải rộng khắp thung lũng Ẳng Nưa.
Khu du lịch Pha Đin Pass |
Trong hành trình khám phá, chinh phục đèo Pha Đin du khách cũng có thể dành một chút thời gian tới Khu du lịch Pha Đin Pass. Khu du lịch đèo lộng gió này được hình thành dựa trên ý tưởng muốn xây dựng một điểm nghỉ ngơi, dừng chân cho du khách có thể thoải mái vui chơi, ngắm cảnh, đồng thời cũng là nơi giao lưu của người dân hai tỉnh Điện Biên và Sơn La. Để lên được đây, du khách sẽ phải đi bộ dọc theo con đường mòn dốc thoai thoải với những hàng thông thẳng tắp xung quanh từ dưới chân đèo Pha Đin.
Du khách chụp ảnh tại đồi hoa roi ngựa. Ảnh-Pha Đin Pass. |
Khu du lịch Pha Đin Pass sở hữu những vườn hoa vô cùng xinh đẹp, chủ yếu có hoa tam giác mạch, hoa cải trắng, hoa cúc vàng… đảm bảo có thể gây ấn tượng ngay từ lần đầu tiên với bất cứ du khách nào. Từ trên đỉnh đèo, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa và tha hồ ngắm nhìn thung lũng Mường Quải đẹp như tranh. Ngoài ra, du khách còn có thể chụp hình với ngọn đồi chong chóng, cầu tre chong chóng hay chiếc xích đu đầy lãng mạn.
Thung lũng hoa Pha Đin |
Mùa xuân và mùa thu là những mùa thung lũng có nhiều hoa nhất. Thời điểm nên ghé thăm đèo Pha Đin trong ngày là vào khoảng bình minh hoặc hoàng hôn, bởi lúc này chúng ta có thể tận hưởng toàn bộ vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc.
Hướng dẫn di chuyển đến đèo Pha Đin
Có những đoạn đường trên đèo kín sương mù |
Để đến được đèo Pha Đin, du khách có thể lựa chọn một trong hai phương tiện ô tô hoặc xe máy đều được. Hiện tuyến đường tới đèo Pha Đin đã được làm mới nên việc di chuyển cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Từ Hà Nội đến Pha Đin du khách có thể đi theo quốc lộ 6. Sau đó đi qua cao nguyên Mộc Châu – Yên Châu – Mai Sơn – Thuận Châu. Du khách có thể chọn một trong hai hướng đi chi tiết dưới đây:
Tuyến đường thứ nhất: Từ trung tâm Hà Nội đi theo hướng đại lộ Thăng Long. Sau đó bạn đi tiếp vào TL87A rồi đến TL70B. Đến địa điểm giao với quốc lộ 32, bạn rẽ trái rồi đi tiếp đến quốc lộ 37. Tiếp tục di chuyển đến đoạn giao với quốc lộ 6 rồi đi dọc theo đó sẽ đến tỉnh Điện Biên.
Để đến được đèo Pha Đin du khách có thể lựa chọn một trong hai phương tiện ô tô hoặc xe máy đều được |
Tuyến đường thứ hai: Cũng xuất phát từ Hà Nội và đi theo hướng đại lộ Thăng Long. Bạn sẽ đi khoảng hơn 7km, tiếp tục chạy theo quốc lộ 6 qua hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La rồi tới Điện Biên.
Nếu du khách muốn “Phượt” đèo Pha Đin từ thành phố Điện Biên Phủ có thể di chuyển theo quốc lộ 279 hướng đi huyện Tuần Giáo. Và loại phương tiện thích hợp nhất để phượt con đèo lịch sử này đó chính là xe máy.
"Phượt" đèo Pha Đin bằng xe máy |
“Phượt” đèo Pha Đin như mở ra bức tranh đầy màu sắc, đèo uốn mình quanh co như dải lụa tựa vào vách núi nơi có những thảm cỏ xanh mát rượi. Gió thổi lồng lộng, đứng trên đỉnh đèo bồng bềnh mây, ánh mặt trời dát lên khung cảnh tô màu vàng tươi óng ánh. Du khách sẽ có cảm giác mình đang đứng ở thiên đường, giơ tay thu vào mình cả bầu trời. Không khí mát mẻ khiến tinh thần càng thêm phấn chấn.
Những lưu ý và kinh nghiệm khi đến đèo Pha Đin
Chuẩn bị đầy đủ một số đồ dùng cá nhân như: Đồ bảo hộ, băng gạc cá nhân, giày dép chắc chắn…
Chú ý nên mang theo đồ ăn, thức uống suốt chặng đường chinh phục đèo Pha Đin bởi ở đây rất khó tìm nơi mua. Nếu có thì người dân chỉ bán 1 số loại đặc sản địa phương tại lưng chừng đèo.
Nếu đến Điện Biên vào tháng 6,7 bạn nên mang theo áo mưa để tránh những cơn mưa bất chợt.
Có những đoạn đường trên đèo kín sương mù. Trên đỉnh Pha Đin, du khách sẽ có cảm giác người và xe đứng trên mây bồng bềnh, phiêu lãng. Nhưng chỉ khoảng 8h30 – 9h là sương sẽ tan hết, nên hãy cẩn thận khi lái xe sáng sớm nhé.
Trên hành trình chinh phục Pha Đin, du khách sẽ tìm thấy cho mình những phút nghỉ ngơi, dừng chân nơi sát đỉnh đèo, để uống cốc nước, ăn trái dưa mèo. |
Trên đỉnh đèo có một chợ chim, bán rất nhiều loại chim do người dân mang ra. Ngoài ra có bán thịt ngựa, măng, táo mèo (theo mùa), rau cải mèo… Trên đèo có nhiều điểm nước ngầm, gây rất nhiều khó khăn cho việc thi công đèo. Có một số vị trí thường có hiện tượng đá lăn, rất nguy hiểm.
Nếu du khách di chuyển tự túc, phải kiểm tra thật kỹ xe trước khi đi và mang giấy tờ xe đầy đủ. Đặc biệt, muốn chinh phục được Pha Đin thì du khách phải có tay lái thật cứng và luôn tập trung lái xe trong suốt chặng đường.
Tuyệt đối không được đổ đèo vào ban đêm và những lúc trời mưa.
Nên đặt trước phòng nhà nghỉ, khách sạn từ 1-2 tuần để tránh việc hết phòng. Lên lịch tham quan tiện đường nhất.
Nên xem dự báo thời tiết trước khi đi khoảng một tuần, tránh trường hợp đi vào lúc thời tiết xấu, sạt lở. Du khách nên cân nhắc và chọn thời điểm đẹp để có những trải nghiệm tuyệt vời hơn.
Review du lịch Yên Bái: Chinh phục đèo Khau Phạ - Một trong 5 cung đèo đẹp nhất Việt Nam |
Review Sapa: Chinh phục đèo Ô Quy Hồ - một trong tứ đại đèo vùng trời Tây Bắc |