Thác Háng Đề Chơ - "tứ đại tử địa" của núi rừng Tây Bắc, nghe thì chê, đến là mê Cách làm mèn mén chuẩn hương vị núi rừng Tây Bắc Thịt gác bếp - Đặc sản vùng núi rừng Tây Bắc |
Lễ hội Hoa Ban - hương sắc núi rừng
![]() |
Những cánh rừng hoa ban bung nở tô điểm thêm cho sức sống mãnh liệt của mảnh đất Điện Biên một thuở “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. |
Không chỉ là một điểm đến gắn liền với lịch sử hào hùng, Điện Biên còn hấp dẫn du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, đặc biệt là vào mùa hoa ban nở rộ. Những cánh rừng hoa ban bung nở tô điểm thêm cho sức sống mãnh liệt của mảnh đất Điện Biên một thuở “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây cũng là thời điểm diễn ra Lễ hội Hoa Ban – một sự kiện văn hóa quan trọng, tôn vinh nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng, Lễ hội hoa Ban là sự kiện văn hóa tiêu biểu, thường niên của tỉnh Điện Biên, được tổ chức vào thời điểm trung tuần tháng 3 hằng năm, nhằm giới thiệu, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc của tỉnh. Đặc biệt, Lễ hội hoa Ban năm nay còn gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VIII, diễn ra từ ngày 13 - 16/3. Sự kết hợp hai hoạt động hứa hẹn mang đến cho đông đảo du khách và nhân dân trên địa bàn những trải nghiệm khó quên.
Sự kiện là dịp để tôn vinh hoa Ban với vị thế là biểu trưng cho mảnh đất và con người Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung. Sự kiện góp phần xây dựng và quảng bá thành công thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Đồng thời nhằm tiếp tục “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…
Đây là sự kiện văn hóa tiêu biểu được tổ chức với chuỗi hoạt động phong phú nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Điện Biên; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh tỉnh Điện Biên. Hoạt động giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa…
![]() |
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội Hoa Ban năm 2024. |
Lễ hội, Ngày hội được tổ chức vào tháng 3, gắn liền với sự kiện mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (13/3/1954) “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, với chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng lịch sử của miền đất Điện Biên Phủ anh hùng, linh thiêng. Các sự kiện hứa hẹn tạo nên một không gian cộng đồng sôi nổi, rực rỡ sắc màu hòa chung với không khí hào hùng của những tháng năm lịch sử…
Các hoạt động chính trong khuôn khổ Lễ hội, Ngày hội gồm: Lễ dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; khai mạc Lễ hội và Ngày hội với chương trình nghệ thuật đặc sắc và màn bắn pháo hoa nghệ thuật rực rỡ; Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn Lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc... Hoạt động thi đấu thể thao gồm các môn thi đấu: Tung còn, bắn nỏ, giã bánh giầy, kéo co, đẩy xe đạp thồ, tải đạn, kéo pháo…
Hoạt động du lịch có Hội thi giới thiệu văn hóa, du lịch các huyện, thị xã, thành phố; không gian văn hóa vùng cao; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch và tổ chức chương trình “Presstrip” trên địa bàn tỉnh. Hoạt động diễu hành đường phố với chủ đề “Sắc màu Điện Biên”. Cuộc thi Người đẹp hoa Ban năm 2025 nhằm tôn vinh vẻ đẹp của thiếu nữ vùng Điện Biên, Tây Bắc và tìm kiếm những gương mặt xuất sắc đại diện cho vẻ đẹp, cốt cách, tâm hồn và trí tuệ của người phụ nữ vùng đất hoa Ban, qua đó thắt chặt tình đoàn kết gắn bó của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thú vị khác cũng được tổ chức như: Giải vô địch đẩy gậy quốc gia lần thứ XVIII và Giải vô địch kéo co quốc gia lần thứ XII, diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ vào tháng 3; Lễ hội Thành Bản Phủ tại huyện Điện Biên và Tết Té nước (Bun Huột Nặm) diễn ra vào tháng 4…
Rong ruổi những cung đường hoa ban nở
![]() |
Điện Biên được mệnh danh là xứ sở hoa ban trắng với rất nhiều rừng ban cổ thụ mọc tự nhiên. |
Khi mùa hoa ban đến, khắp các cung đường, thung lũng, triền núi ở Điện Biên đều rực rỡ trong sắc trắng tinh khiết, khiến du khách như lạc vào một bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng. Điện Biên mùa hoa ban mang một vẻ đẹp riêng biệt, làm say lòng du khách mỗi dịp xuân về. Hoa ban thường nở rộ từ tháng 2 đến tháng 4, khi thời tiết chuyển mình sang những ngày nắng nhẹ, se lạnh đặc trưng của vùng Tây Bắc.
Đây là loài hoa biểu tượng của núi rừng Điện Biên, với những cánh hoa mỏng manh mang sắc trắng tinh khôi, đôi khi pha chút hồng tím nhẹ, tạo nên khung cảnh lãng mạn và quyến rũ. Không chỉ đẹp, hoa ban còn mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa của người Thái, tượng trưng cho tình yêu chung thủy, sự son sắt và lòng hiếu thảo.
Điện Biên được mệnh danh là xứ sở hoa ban trắng với rất nhiều rừng ban cổ thụ mọc tự nhiên. Cứ tháng 3 tới là cảnh sắc nơi đây như được khoác lên mình một tấm áo mới của sắc màu hoa ban nở rộ mang đến cho Điện Biên một vẻ đẹp dịu dàng, thanh thoát, phủ trắng khắp núi rừng, từ trong thành phố cho đến các huyện thị xa xôi tạo nên cảnh sắc thơ mộng hiếm có.
Ngay trong lòng thành phố Điện Biên Phủ, du khách đã có thể dễ dàng bắt gặp hoa ban nở trắng xóa hai bên đường, đặc biệt là trên các tuyến phố như đường Võ Nguyên Giáp, đường Nguyễn Hữu Thọ hay quanh khu vực Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cây trồng thành hàng dài đến mùa nở rợp trời như ở khu Thanh Minh, Kênh Tả, chùa Linh Quang, hầm Đờ Cát gần cầu Mường Thanh...
Rời xa khu trung tâm, cửa khẩu Tây Trang cách thành phố khoảng 35km. Đây là trong những điểm ngắm hoa ban đẹp nhất ở Điện Biên. Nếu du khách muốn ngắm hoa ban nở thành rừng, bạt ngàn và trắng muốt thì phải đi xa hơn. Những cung đường dài, uốn cua, lên đèo xuống dốc nhưng chẳng hề gây mỏi mệt vì hoa nở nhuộm trắng trải dài hai bên, nhiều cây trút lá chỉ có hoa bung cánh làm bừng sáng cả một góc núi rừng.
Không chỉ mang vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ, những bông hoa ngọt ngào nhờ đôi bàn tay khéo léo, chế biến công phu của người phụ nữ Thái ở Điện Biên, hoa ban còn là "linh hồn" trong nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn ra đời, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc ở vùng cao Tây Bắc.
![]() |
Món ăn từ hoa ban phổ biến và truyền thống được người Thái ưa thích là nộm hoa ban cùng với măng đắng. |
Để có những bông hoa ban tươi, ngon trong các món ăn hàng ngày, người dân phải thức dậy từ khi mặt trời còn chưa ló rạng, lên rừng hái những bông hoa còn đọng hạt sương. Mỗi bông hoa đều được lựa chọn kỹ càng. Sau khi hái hoa ban về, người ta nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa thật nhẹ nhàng.
Có nhiều món ngon làm từ hoa ban, như: Nộm hoa ban, hoa ban xào thịt trâu, hoa ban nấu xôi, canh hoa ban, hoa ban nướng với thịt lợn, hoa ban nướng với cá, nộm hoa ban,... Hoa ban có thể làm nộm với măng đắng, rau “Bò khai”, rau muống hoặc các loại rau cải, nhưng với bất kỳ loại rau nào cũng không làm mất đi mùi thơm đặc trưng của hoa ban.
Món ăn từ hoa ban phổ biến và truyền thống được người Thái ưa thích là nộm hoa ban cùng với măng đắng. Từ lâu, người dân tộc Thái được coi là sành ăn măng nhất bởi họ sinh sống chủ yếu ở vùng chân núi. Nơi đó có nhiều loại tre khác nhau nên các loại măng non cũng đa dạng hơn. Món ăn này đòi hỏi sự công phu từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ.
Măng đắng rửa sạch, luộc cả vỏ để giữ cho măng không bị thâm. Măng chín được bóc sạch vỏ rồi thái mỏng theo chiều dọc. Để làm món nộm hoa ban măng đắng, những nguyên liệu chính như măng, hoa ban, rau rừng (rau bò khai, rau tầm bóp, rau gai thối...) sẽ được luộc chín. Còn những loại gia vị như mùi tàu, húng, lá tỏi tươi, riềng, tỏi khô, ớt, gừng thì giữ nguyên để mùi thơm đặc trưng được trọn vẹn nhất.
Đương nhiên, gia vị trong các món ăn của người Thái ở Tây Bắc không thể nào thiếu hạt mắc khén. Ngoài ra, món nộm đạt "chuẩn" cần loại tương ủ lên men và riềng giã nhỏ. Ngoài măng đắng được luộc kĩ thì công đoạn quan trọng nhất chính là luộc hoa ban. Dẫu ai cũng biết "cứ luộc thôi, chín thì vớt ra" nhưng người luộc phải canh lửa cho thật khéo để hoa ban vừa chín tới, bớt vị chát từ nhựa hoa mà không làm mất độ giòn của nộm cũng như vị thơm ngọt đặc trưng.
Tất cả nguyên liệu được trộn đều với nhau tạo thành món nộm măng hấp dẫn với đủ vị mặn, đắng, bùi, ngọt, cay... Không như nộm chua ngọt ở miền xuôi, vị mặn là chủ đạo của món nộm ở Tây Bắc. Đây cũng là nét riêng, độc đáo của văn hóa ẩm thực vùng cao: người Thái thường giữ nguyên hương vị các nguyên liệu trong quá trình chế biến và thưởng thức món ăn. Mùi thơm của hạt mắc khén, cay của tỏi, ớt quyện với mùi tàu, tía tô cùng vị mặn của muối lẫn vị đắng nhẹ của măng, bùi ngậy của hoa ban và rau rừng tạo nên món nộm làm hài lòng bất kì thực khách khó tính nào.
Anh Nguyễn Quốc Huy đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, anh được biết hoa ban là loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, nhưng khi đến Điện Biên mới nghe nói hoa ban có thể chế biến thành các món ăn. Anh đã tìm đến Nhà hàng Noong Chứn để thưởng thức. Lần đầu được ăn các món từ hoa ban, anh cảm thấy hương vị rất đặc biệt, ngon miệng, hợp khẩu vị. Anh sẽ giới thiệu cho người thân và bạn bè biết đến những món ăn từ hoa ban nơi núi rừng Tây Bắc.